Tốt nghiệp ĐH ở Singapore và có việc làm ổn định ở nước này, thế nhưng, vợ chồng anh Huỳnh Phan Thắng và chị Nguyễn Như Hà lại trở về Việt Nam chung tay xây dựng dự án “Ngôi nhà kỹ năng Meraki cho trẻ”, giúp trẻ học tiếng Anh theo phương pháp mới và rèn luyện kỹ năng thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế…
Giáo viên nước ngoài hướng dẫn trẻ làm quen với tiếng Anh |
5 giờ chiều, ngôi nhà của vợ chồng anh Phan Thắng và chị Như Hà ở đường Lê Lai (quận Hải Châu, Đà Nẵng) rộn ràng hơn bởi tiếng vui đùa của hàng chục trẻ nhỏ sau giờ tan trường. Trên gương mặt các em nở nụ cười thật tươi và chào hỏi thầy cô, bạn bè bằng tiếng Anh rất chuẩn. Cô giáo và học trò gần gũi, chan hòa như những người bạn. Ở đó, cô giáo đưa ra chủ đề thông qua các bức tranh hoặc một trò chơi cuốn hút, học trò hào hứng trả lời và chính các em dẫn dắt chủ đề buổi học một cách tự tin. Nguyễn Nhật Anh (học sinh lớp 3) chia sẻ: “Em học ở ngôi nhà kỹ năng Meraki được 2 tháng rồi. Ở đây em thấy thoải mái như đang ở nhà nên em không thấy mệt và áp lực gì cả. Em được cô giáo hướng dẫn cách học bằng các trò chơi. Điểm nào chưa hiểu, em hỏi lại và được cô hướng dẫn tận tình”. Không chỉ học, ở ngôi nhà Meraki, các em còn được tham gia nhiều buổi trải nghiệm thực tế thông qua việc tổ chức các phiên chợ, cắm trại dã ngoại… “Em rất vui khi được tham gia cắm trại cùng các thầy cô ở ngôi nhà Meraki. Ở đó em được hướng dẫn cách gói bánh chưng, viết lời chúc tết và cả làm kim chi nữa”, Bảo Trân (học sinh lớp 4) vui vẻ nói.
“Ngôi nhà kỹ năng Meraki cho trẻ” do anh Phan Thắng và chị Như Hà thành lập năm 2016. Tùy theo độ tuổi, các em được phân chia theo nhóm để tiếp cận làm quen với tiếng Anh và các kỹ năng mềm. Chị Như Hà cho biết lớp học tiếng Anh là một trong những chương trình chính, tại đây các em sẽ được tiếp cận cách học tiếng Anh bằng phương pháp mới. Đó là giáo viên chú trọng cho trẻ cách cảm âm, đánh vần, phương pháp tìm quy luật khi ghép các chữ thành từ. Nhờ đó, khi gặp một từ mới chưa học, các em có thể áp dụng kinh nghiệm đó để đọc được từ một cách dễ dàng. Song song với đó, ngôi nhà Meraki còn dành không gian cho các em đam mê vẽ, sáng tạo và dạy kỹ năng mềm. Theo anh Phan Thắng, dự án chú trọng dạy kỹ năng cho các em rất nhiều bởi vì kỹ năng là thứ theo các em từ nhỏ cho đến lớn, có thể áp dụng linh hoạt trong cuộc sống, trong học tập và công việc.
Nhớ về hành trình khởi nghiệp, anh Phan Thắng bảo đó là một hành trình gian nan. Hai vợ chồng từng là du học sinh theo học ĐH ở Singapore. Tốt nghiệp, anh Phan Thắng có việc làm ổn định ở đất nước này với mức thu nhập khá. Tuy nhiên, mong muốn trở về quê làm một điều gì đó vẫn luôn thôi thúc anh. “Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định về quê dù biết trước là con đường khởi nghiệp của mình sẽ rất khó khăn”, anh Phan Thắng nhớ lại. Đó là năm 2012. Anh bắt đầu con đường khởi nghiệp bằng một dự án giáo dục kỹ năng cho trẻ ở TP.HCM. Khởi động được nửa năm thì dự án thất bại. Anh về quê nhà ở Đà Nẵng tìm hướng đi khả thi hơn. Ở đây anh gặp chị Như Hà – cũng là du học sinh ở Singapore và nên duyên chồng vợ. Anh Phan Thắng kể: “Sau thất bại của dự án đầu tiên, tôi tìm được công việc ở Đà Nẵng nhưng trong lòng vẫn đau đáu với niềm đam mê khởi nghiệp. Năm 2015, khi vợ chồng có con đầu lòng, lúc đó cả hai quyết định bắt đầu lại dự án mà tôi đã thất bại trước đó”.
Năm 2016, dự án “Ngôi nhà kỹ năng Meraki cho trẻ” ra đời. Những buổi học ở Meraki được anh Phan Thắng và chị Như Hà chú trọng tạo ra không gian ấm áp, yên bình cho trẻ như đang vui chơi trong chính ngôi nhà của mình. Nhiều phụ huynh biết đến và mang con đến gửi. Số trẻ từ đó cứ tăng dần lên. “Mục tiêu của dự án là tạo cho trẻ môi trường thân thiện, gần gũi như ở nhà, cùng vui chơi, cùng trò chuyện… Các em vừa học vừa tham gia nhiều hoạt động đa dạng để khơi gợi sự sáng tạo và hứng thú học tập”, anh Phan Thắng cho biết. Đến nay, Meraki có gần 100 trẻ theo học, với 20 giáo viên giảng dạy.
Năm 2018, dự án này được Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) ươm tạo. Chị Như Hà bảo, để đi đến ngày hôm nay với sự tin tưởng của phụ huynh và sự hứng khởi của các em nhỏ, hai vợ chồng đã phải vượt qua vô vàn khó khăn. “Có những thời điểm nhìn lại, hai vợ chồng chỉ có niềm tin dành cho nhau, tình yêu dành cho con và niềm đam mê với lĩnh vực giáo dục để vượt qua khó khăn. Nhưng không ai trong chúng tôi tỏ ra nản chí. Tương lai, chúng tôi sẽ nỗ lực tạo dựng môi trường học tập thật tốt nhằm đem đến lợi ích cho con trẻ”, chị Như Hà bộc bạch.
Hàn Giang
Bình luận (0)