Tham vọng từng bước thay đổi và mang đến một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, giảm bớt gánh nặng cho người nông dân, chàng trai Phan Thanh Phong (sinh viên năm 4 Trường ĐH Văn Hiến) đã tiên phong sáng tạo ra những sản phẩm ứng dụng tự động hóa, mở ra hướng đi mới trong ngành nông nghiệp.
Phan Thanh Phong đang giới thiệu dự án tại cuộc thi khởi nghiệp do Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tổ chức |
Đơn giản, dễ sử dụng, thích ứng với mọi loại hình thời tiết, cho năng suất vượt trội là những ưu điểm mà sản phẩm của Phong mang lại.
Tủ trồng rau tự động
Đây là thiết bị trồng rau hoàn toàn khép kín, trồng được 23 loại cây rau ngắn ngày. Chỉ cần gieo hạt, chọn loại cây, nhấn nút và chờ đợi thu hoạch.
Vẫn sử dụng phương pháp trồng rau thủy canh nhưng tủ trồng rau tự động lại có kết cấu khác. Theo đó, tủ được làm bằng gỗ, gồm hai ngăn. Ngăn trên là một khay trồng cây với sỏi đất nung để gieo hạt. Ngăn dưới gồm một bồn chứa dinh dưỡng phù hợp với từng loại cây và một bồn nước. Tủ dài 1,5m, cao 1,2m và dày 0,8m đủ để trồng được 4 loại cây trên một khay. Tùy từng loại cây mà thời gian thu hoạch dao động từ 20-35 ngày. “Điểm đặc biệt là tủ sẽ tự động kiểm soát tất cả các điều kiện từ sức gió, ánh sáng, nhiệt độ đến hàm lượng dinh dưỡng, thời gian thu hoạch với tùy từng loại cây, người dùng không phải động tay vào bất cứ khâu nào. Hệ thống còn kết nối với điện thoại để người dùng có thể theo dõi tình trạng cây trồng 24/24 giờ và điều chỉnh theo ý mình”, Phong chia sẻ.
Theo Phong, sử dụng tủ trồng rau tự động, cây trồng sẽ không phải chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, thời tiết. Chính vì thế sẽ cho năng suất cao hơn nhiều lần so với những phương pháp thủy canh thông thường. Đồng thời cho phép trồng được nhiều loại cây quanh năm, không theo mùa, kể cả những loại cây khó trồng như dâu tây, nhân sâm…
Nuôi trồng tự động
Phong cho biết đây chính là dự án mà bản thân em tham vọng nhiều nhất. Bởi nếu giải quyết được tất cả các khâu của dự án thì người nông dân có thể hoàn toàn yên tâm với sản phẩm đầu ra, không phải loay hoay tìm kiếm khách hàng hay lo bị thương lái làm giá. “Em cùng với Lê Hoàng Tuấn (sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) sẽ xây dựng một mô hình hoàn toàn khép kín từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến đầu ra của sản phẩm. Với mỗi mô hình nhà kính người nông dân sử dụng sẽ được kết nối với trang web của hệ thống, người tiêu dùng từ đó sẽ theo dõi được quá trình phát triển của cây trồng và đặt hàng luôn ngay từ khi mới gieo hạt”, Phong hồ hởi giới thiệu.
Vượt trội so với tủ trồng rau tự động, mô hình này có quy mô lớn hơn cho phép trồng được tất cả các loại cây, sử dụng hệ thống cảm biến đa năng, tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, hàm lượng dinh dưỡng, truyền dữ liệu đến phầm mềm. Từ đây người nông dân sẽ biết được cây trồng của mình đang ở độ tuổi bao nhiêu, đang trong tình trạng như thế nào để có hướng điều chỉnh phù hợp. “Hệ thống còn gợi ý người dùng nên trồng loại cây gì vào vụ tiếp theo để có thể cho năng suất cao nhất. Người nông dân cũng có thể thay thế tủ kính bằng mô hình công-ten-nơ với tính năng và hiệu quả tương tự”, Phong chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở cây trồng, Phong còn mạnh dạn “phát minh” ra những sản phẩm thiết bị vật nuôi, tự động hóa chăn nuôi thay người nông dân trong mọi khâu từ cho ăn, uống, tắm rửa đến tình trạng sức khỏe. Riêng với gà còn áp dụng thêm máy kiểm tra nhiệt độ, ánh sáng, tạo điều kiện cho gà đẻ được nhiều trứng mà vẫn đảm bảo sức khỏe. “Thiết bị chỉ cần đeo vào chân vật nuôi, tự hệ thống sẽ đo nhịp tim, thời gian thức giấc của vật nuôi, số bước chân đi trong ngày để người nông dân biết được tình trạng sức khỏe của vật nuôi, có hướng chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, hệ thống còn tự hẹn giờ tắm rửa, cho ăn uống cho vật nuôi…”, Phong giải thích.
“Nòi” con nhà nông
Nhận mình là con nhà nông chính hiệu, không xa lạ gì với cây lúa, Phong nói rằng chính điều này đã giúp em hiểu được những vất vả, cực nhọc của người nông dân và hiểu được những kiến thức cơ bản trong nông nghiệp, từ đó thôi thúc bản thân phải hành động, làm điều gì đó cho người nông dân. “Nếu chỉ sản xuất nông nghiệp theo hướng truyền thống, người nông dân sẽ phải bỏ quá nhiều công sức mà đổi lại thành quả lao động không cao và chịu nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất. Khi áp dụng công nghệ tự động thì ngược lại. Công sức không nhiều mà thành quả lại cao”, Phong nói. Tuy nhiên, để có được những dự án nông nghiệp công nghệ cao như thế, Phong cũng đã phải lăn lộn, bầm dập những thất bại ngay từ khi là sinh viên năm nhất. “Từ phục vụ quán cà phê, môi giới bất động sản, bán hàng công nghệ online, làm gia sư… đến mở quán cà phê. Dù thất bại nhưng đều cho em kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh và xử lý khủng hoảng”, Phong nhớ lại.
Trong quá trình khởi nghiệp với những dự án đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, Phan Thanh Phong đã giành được nhiều giải thưởng ấn tượng như: Giải 3 cấp quốc gia cuộc thi Start Up Student do Hội sinh viên Việt Nam tổ chức năm 2016; HCB cuộc thi Sáng tạo ứng dụng trẻ năm 2016 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức; Top 100 Shark Tank Việt Nam năm 2017 – những ý tưởng công nghệ có tính ứng dụng cao… Hiện nay, dù chỉ đang trong giai đoạn dùng thử sản phẩm tủ trồng rau tự động nhưng những dự án khởi nghiệp công nghệ cao đã mang lại cho nhóm Phan Thanh Phong doanh thu 50-60 triệu đồng mỗi tháng. |
Thất bại lớn nhất phải kể đến đó là khi em thành lập doanh nghiệp Dê Cừu Phan Rang vào năm 2015, chuyên cung cấp thịt cừu với quy trình khép kín từ khâu chăn nuôi đến giết mổ. Hơn một năm sau, doanh nghiệp giải thể. “Điều này là cú sốc quá lớn đối với em. Dù sản phẩm chất lượng cao nhưng không đủ sức để cạnh tranh với những sản phẩm có giá thành rẻ hơn. Từ đó, em nhận ra, khởi nghiệp bằng nông nghiệp cần phải có một hướng đi độc đáo, không đụng hàng”, Phong trải lòng.
Những dự án nông nghiệp công nghệ cao của chàng trai này đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, em chia sẻ, bản thân muốn đưa sản phẩm rộng rãi đến với bà con nông dân nên những sản phẩm cần phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về cả chất lượng và giá thành.
Yến Hoa
Bình luận (0)