Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Khởi nghiệp từ nhà trường: Giỏi hóa nhưng “mê” tâm lý

Tạp Chí Giáo Dục

Dùng vòng đeo tay để cảnh báo trầm cảm, phát triển nghiên cứu xã hội về hành vi của học sinh là những dự án đang được Dương Anh Thức (học sinh lớp 12A20 Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) theo đuổi. Với mong muốn đưa ra những lời cảnh báo cho học sinh, phụ huynh và ngay cả giáo viên trước những hệ lụy của áp lực học tập, thi cử.

Dương Anh Thức nhận bằng khen trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

Mục tiêu xa hơn là Thức tham vọng xuất khẩu vòng đeo tay cảnh báo trầm cảm sang thị trường Hàn Quốc – đất nước có tỷ lệ giới trẻ trầm cảm đáng báo động.

Vòng đeo tay theo dõi trầm cảm

Năm lớp 10, Thức mang sản phẩm ở bộ môn hóa học tham gia cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức và đoạt giải nhất. Lên lớp 11, Thức lại tiếp tục rinh giải ba của cuộc thi trên nhưng ở cấp quốc gia và được tuyển thẳng vào ĐH. “Chính từ cuộc thi ở năm lớp 11 mà em gặp được một người bạn có hiểu biết về lĩnh vực trầm cảm học đường. Sau khi trao đổi với bạn, em thấy hứng thú với vấn đề và nhận thức được tầm nguy hiểm của vấn nạn trầm cảm học đường. Em nghĩ, mình phải làm gì đó để hạn chế và cảnh báo về vấn nạn này”, Thức chia sẻ. Năm 2017, đang là học sinh lớp 12, Thức bắt tay vào nghiên cứu đề tài trầm cảm. Em tìm tòi sách báo, những thông tin trên internet, ngay cả tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm lý. “Không có một kiến thức nào về lĩnh vực này, em tiếp cận ở mọi thứ có thể. Tìm trong nhà sách những cuốn sách về trầm cảm, không bỏ sót một bài báo nào về trầm cảm. Những con số về hậu quả của trầm cảm thực sự khiến em giật mình”, Thức nhớ lại. Từ những thông tin tập hợp được, Thức nhận thức rõ nét hơn về trầm cảm, rằng trầm cảm là một căn bệnh chứ không phải là một dạng biểu hiện của hành vi và có thể cảnh báo được. Từ đó em chính thức nghiên cứu dự án Sáng tạo vòng đeo tay cảnh báo trầm cảm. “Chiếc vòng hoạt động dựa theo tình trạng sức khỏe của người dùng. Chỉ cần đeo vào tay, chiếc vòng sẽ cho biết nhịp tim, huyết áp của người dùng để đưa ra những câu hỏi qua ứng dụng cài trên điện thoại. Qua những câu trả lời của người dùng, hệ thống sẽ tổng hợp lại, đưa ra những mức báo động trầm cảm”, Thức lý giải về cơ chế.

Theo Thức, những câu hỏi mà hệ thống đưa ra hoàn toàn dựa vào bảng câu hỏi khảo sát chuẩn về trầm cảm của thế giới đã được công nhận. “Sẽ có 20 câu hỏi trong toàn hệ thống, đơn giản như bạn có luôn cảm thấy vui vẻ không. Câu trả lời sẽ có 5 cấp bậc để người dùng chọn lựa như thỉnh thoảng, thường xuyên hay luôn luôn…  Và khoảng 2 tuần, bảng câu hỏi sẽ được lặp lại cho người dùng. Qua những câu trả lời, hệ thống sẽ tự động đưa ra một cột thông báo. Nếu cột thông báo có màu xanh, tức là bạn hoàn toàn khỏe mạnh. Còn báo màu đỏ, tức là bạn đã ở mức báo động trầm cảm”, Thức cho biết. Và điểm đặc biệt của chiếc vòng đeo tay này là còn được kết nối với phụ huynh qua điện thoại, cho phép phụ huynh theo dõi tình trạng sức khỏe của con em mình, điều chỉnh sinh hoạt cho phù hợp.

Ngoài việc dự phòng, cảnh báo trầm cảm, Thức cho biết chiếc vòng còn giúp người dùng đưa ra những lời khuyên, nhắc nhở, kiểm soát giấc ngủ phù hợp với thể trạng từng người. “Một chế độ dinh dưỡng phù hợp, những gợi ý về việc tập thiền, những bài tập thể dục nhẹ nhàng hay đơn giản là nhắc nhở đi ngủ sớm… sẽ được hệ thống đưa ra ở mỗi một mức độ sức khỏe khác nhau. Đồng thời, khi ở mức báo động đỏ, hệ thống sẽ nhắc người dùng nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe”, Thức chia sẻ thêm.

Hiện tượng rối loạn phân ly trong học sinh

Thức cho biết hiện em đang theo đuổi để phát triển những đề tài về rối loạn phân ly trong giới học sinh. “Nghĩa là những vấn đề của học sinh bị sang chấn tâm lý. Một học sinh liên tục ngất khi bị gọi lên trả bài hay không thể làm được bài khi vào trong phòng thi dù trước đó học rất giỏi”, Thức nói.

Dương Anh Thức (bên trái) đang thuyết trình về dự án vòng đeo tay cảnh báo trầm cảm trong một cuộc thi để xuất khẩu sang Hàn Quốc

Theo Thức, khi một người rơi vào tình trạng rối loạn phân ly thì nó có ảnh hướng rất lớn đến tập thể. Cụ thể, nó có thể gây nên những vụ ngất tập thể, ngộ độc tập thể, sang chấn tập thể. Tuy nhiên, Thức cho biết, hiện tại khi đứng trước vấn đề này, gia đình và giáo viên lại chưa có cách hiểu đúng đắn và hướng giải quyết phù hợp. “Một học sinh không chịu bất cứ tổn thương gì về thị lực nhưng lại nói mình không thể nhìn thấy đường. Giáo viên, phụ huynh, bạn bè sẽ nghĩ rằng đó là giả bộ. Nhưng rất có thể, bạn học sinh đó đang rơi vào tình trạng mù phân ly do một sang chấn tâm lý nào đó”, Thức chia sẻ. Qua những nghiên cứu về xã hội hành vi của mình, Thức mong muốn xã hội, giáo viên và phụ huynh có một cái nhìn đúng đắn về những rối loạn hành vi của học sinh. “Rằng nó là một căn bệnh, không phải là một trò đùa”, Thức nhấn mạnh.

Cậu học sinh lớp 12 còn cho biết, vòng cảnh báo trầm cảm hay nghiên cứu xã hội hành vi chỉ là bề nổi hỗ trợ, ngăn ngừa những biến cố không mong muốn. Điều quan trọng chính là gia đình, xã hội đừng quá đặt gánh nặng lên vai học sinh, từ đó sẽ không có áp lực thi cử, áp lực học thêm, học trường điểm hay điểm số cao.

Hỏi về ước mơ, Thức cho biết sau này muốn trở thành một chuyên viên tâm lý để nghiên cứu sâu hơn nữa những dự án làm thay đổi hành vi của con người, hướng xã hội đến những điều tốt đẹp.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)