Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khởi nghiệp với trấu

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân vận hành máy ép củi trấu tại nhà máy công ty TNHH Hoàng Huynh ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Văn Nam.

Nhận thấy trấu tại các nhà máy xay xát ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ không hết được thải thẳng ra sông, gây ô nhiễm môi trường, ông Lê Hoàng Huynh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Huynh, quận 7, TPHCM, đã tìm cách sản xuất củi trấu để tận dụng nguồn nguyên liệu khá dồi dào này.

Sản phẩm của công ty không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Không dừng lại ở đó, ông Huynh còn tìm cách sản xuất máy ép củi trấu để bán cho những nơi có nhu cầu.

“Thất nghiệp, tình cờ trong một lần uống cà phê, tán gẫu với bạn bè, mình nghe nói đến công nghệ làm củi trấu ở Nhật mang lại lợi nhuận và giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thế là dốc hết tâm lực, huy động vốn liếng được 30 triệu đồng mua máy móc, thiết bị, mày mò nghiên cứu, hư thì tìm cách làm lại. Rốt cuộc, chiếc máy sản xuất củi trấu cũng được hoàn thành. Và những thanh củi trấu đầu tiên cũng ra đời. Công việc khởi đầu vất vả hơn mình tưởng…”, ông Huynh kể về những ngày đầu khởi nghiệp làm củi trấu trong lúc đưa chúng tôi về ấp Kinh 12, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi ông đã xây một nhà máy sản xuất củi trấu hồi tháng 8-2008.

Trong lúc kể chuyện, chốc chốc ông Huynh lại đưa mắt dõi theo dòng nước trong xanh của con sông Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Hai bên bờ sông, dọc theo con đường làng, hàng trăm cơ sở xay xát lúa lớn, nhỏ mọc lên để phục vụ cho nông dân địa phương sau những vụ thu hoạch. Mỗi ngày một nhà máy xay xát thải ra hàng chục tấn trấu, nếu không được tiêu thụ hết, trấu sẽ bị đổ bừa bãi xuống sông.

Đây là một mối nguy không nhỏ đối với môi trường. Theo tính toán của một số chuyên gia nông nghiệp, trấu chiếm khoảng 20% hạt lúa. Cả vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm sản xuất khoảng 18 triệu tấn lúa, tính ra lượng trấu thải từ vựa lúa lớn nhất cả nước này ước khoảng 3,6 triệu tấn mỗi năm.

Ông Huynh cho biết trước đây, người dân dọc sông Cai Lậy và sông Cầu Kinh xay lúa xong cứ thế đem trấu đổ đi, có những lúc vỏ trấu vàng óng trôi dày cả mặt sông. Ban đầu, vừa mày mò chế tạo máy ép trấu, ông vừa rong ruổi khắp nơi để tìm nguồn nguyên liệu và phải mất gần một tháng mới tìm được nơi có nhiều trấu như ở huyện Cai Lậy.

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, đến nay nhà máy sản xuất củi trấu của ông Huynh đã nâng công suất lên 6.000 tấn sản phẩm/tháng.

Tại nhà máy, trấu nguyên liệu được đưa vào một nhà kho riêng, rộng khoảng 100 mét vuông. Máy hút tự động đưa trấu vào những chiếc ống dài bằng gỗ, phân phối cho năm máy ép củi trấu bằng công nghệ ép với lực xoáy theo trục ngang, kết hợp với sức nóng gần 800 độ C, tán vỏ trấu thành bột trước khi cho ra củi trấu. Những thanh củi trấu sau khi ép được cắt thành từng đoạn khoảng 35 cen ti mét, nặng chừng 2 ki lô gam, theo băng chuyền ra khu vực đóng gói bên ngoài.

Giá củi trấu của Công ty Hoàng Huynh trên thị trường là 1.200 đồng/ki lô gam. Ông Huynh cho biết củi trấu dễ bắt lửa, cháy có mùi thơm, ít khói, khi đốt không thải ra độc chất, cháy lâu và có có nhiệt lượng cao hơn củi gỗ thông thường 1,5 lần, nên dần được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ khi có nhà máy sản xuất củi trấu của ông Huynh, nạn trấu ứ đọng bị đổ xuống sông Cai Lậy và sông Cầu Kinh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cũng chấm dứt. Trấu nguyên liệu tại các nhà máy xay xát được ông Huynh mua với giá 200.000 – 400.000 đồng/tấn, tùy mùa. Nhà máy cũng giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương, mức lương bình quân mỗi người khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.

“Tuần trước, tôi vừa ký được hợp đồng xuất khẩu một container 20 tấn củi trấu với một khách hàng ở Hàn Quốc, trị giá khoảng 2.000 đô la Mỹ”, ông Huynh cho biết. Theo hợp đồng, mỗi tháng Công ty Hoàng Huynh sẽ xuất khoảng 120 container sản phẩm củi trấu sang Hàn Quốc với giá khoảng 100 đô la Mỹ/tấn.

Ông Huynh cũng cho biết hiện công ty đang tiếp tục đàm phán với một số đối tác khác ở Nhật, Úc… để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm củi trấu của mình. Dự kiến, đến tháng 10-2009, công ty sẽ ký hợp đồng với một khách hàng để xuất củi trấu sang Nhật với số lượng gần 10.000 tấn/tháng.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, Công ty Hoàng Huynh đang đầu tư khoảng 3 tỉ đồng để xây hai nhà máy sản xuất củi trấu tại thị xã Tân An, tỉnh Long An, nâng tổng công suất của công ty lên 12.000 tấn/tháng.

Ngoài việc sản xuất củi trấu, từ đầu năm 2009, ông Huynh còn hợp tác với một người bạn thành lập xưởng sản xuất máy ép củi trấu bán ra thị trường với giá khoảng 45 triệu đồng/máy. Đến nay, Hoàng Huynh đã bán được gần 100 máy. Khách hàng mua máy chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ông Huynh cho biết khách hàng mua máy sản xuất củi trấu được công ty cam kết bao tiêu sản phẩm.

Cuối tuần rồi, trước khi chuẩn bị sang Thái Lan để gặp một người bạn thương thảo việc hợp tác mở rộng kênh phân phối củi trấu ở một số nước châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc…, ông Huynh cho biết tất cả khoản tiền thu về từ việc bán máy gần 4,5 tỉ đồng sẽ được ông đầu tư để mở rộng nhà máy sản xuất của công ty tại Long An và Tiền Giang trong thời gian tới.

Theo TBKTSG

Bình luận (0)