Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khối ngoại áp đảo chăn nuôi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thông tin CP Việt Nam bán gần 71% cổ phần cho đối tác Trung Quốc và Hồng Kông và sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh đang gây nhiều lo ngại cho giới chăn nuôi cũng như sản xuất thức ăn chăn nuôi, bởi doanh nghiệp (DN) này hiện đã chiếm một thị phần khá lớn trong chăn nuôi cũng như sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ nguy cơ DN trong nước mất sân nhà trên lĩnh vực này mới xuất hiện. Thực tế, 2 yếu tố phần gốc của chăn nuôi (con giống và thức ăn chăn nuôi) hiện đã gần như rơi vào tay các DN nước ngoài.

Thao túng và bắt chẹt
Theo giới chuyên môn, đến thời điểm này, số DN nước ngoài tham gia sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam chỉ khoảng 20 đơn vị nhưng sản lượng của họ chiếm đến 65%-70% thị trường. Số còn lại chia cho hàng trăm DN trong nước. Do cạnh tranh không nổi nên có khoảng 30% DN trong nước đã phải phá sản…

Sản xuất thức ăn chăn nuôiở Công ty TNHH Hưng Phát

Do nắm giữ thị phần chi phối nên thời gian qua nhiều DN nước ngoài bắt tay nhau để thao túng thị trường. Theo thống kê từ Cục Chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng từ 30%- 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong năm qua đã có cả chục lần điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Từ đầu năm đến nay cũng đã 7 lần điều chỉnh tăng giá với mức tăng tổng cộng hơn 2.000 đồng/kg…
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Long Giang
Chính vì giá thức ăn tăng liên tục như vậy, nên dù gần đây, giá gia súc, gia cầm tăng cao nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn không vui vì thực lãi rất thấp. Nguyên nhân là do giá thức ăn, con giống gần như “nuốt” hết phần lời.
Thị trường con giống cũng đang có vấn đề rất đáng lo. Con giống gia cầm lâu nay chủ yếu do 3 DN nước ngoài chi phối (vừa sản xuất thức ăn vừa sản xuất con giống) là Papfa, CP Việt Nam và Emivest, mỗi tháng cung cấp hơn 6 triệu con giống gia cầm.
Nhiều người chăn nuôi cho biết để bán được thức ăn chăn nuôi với giá cao, một số DN không bán trực tiếp con giống cho người chăn nuôi mà bán qua đại lý cung cấp thức ăn. Giá con giống gà công nghiệp một ngày tuổi của các DN bán cho đại lý từ 19.500 – 20.500 đồng/con (so với cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 2 lần), trong khi giá thành sản xuất con giống chỉ có 7.000 – 8.000 đồng/con. Từ mức giá này, các đại lý đẩy lên 24.000 – 25.000 đồng/con nhưng kèm điều kiện người mua con giống phải mua thức ăn chăn nuôi…
DN trong nước bất lực
Sẽ rà soát khâu sản xuất con giống

Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, thừa nhận thời gian qua, giá con giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao cho thấy sự yếu kém trong quản lý, chưa nắm bắt đầy đủ thông tin kịp thời của cơ quan quản lý. Để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước phát triển bền vững, bộ sẽ kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm có chính sách tín dụng hỗ trợ cho ngành chăn nuôi. Rà soát lại khâu sản xuất con giống để sắp xếp lại. Sắp tới, sẽ hỗ trợ cho khối DN tư nhân tham gia vào sản xuất con giống cung cấp ra thị trường.

Việc thị trường thức ăn chăn nuôi, con giống lâu nay bị DN nước ngoài thao túng ai cũng biết và cũng được nêu ra tại nhiều cuộc họp bàn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các biện pháp đối phó.

Nhiều DN cho rằng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang chiếm 60%-70% nhưng chúng ta vẫn chưa có được các vùng nguyên liệu đủ lớn để thay thế nhằm hỗ trợ DN trong nước. Về tín dụng, trong khi DN nước ngoài có lợi thế được vay bằng ngoại tệ, vay vốn không phải thế chấp, chưa kể còn được công ty mẹ ở nước ngoài hỗ trợ về việc mua nguyên liệu giá thấp và được trả chậm… thì DN trong nước vẫn phải vay với lãi suất cao. Nguồn cung con giống trong nước đang thiếu hụt, trong khi các trung tâm giống của Nhà nước vẫn còn rất yếu, chưa đủ sức cung cấp cho thị trường…
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, Nhà nước cần phải có chính sách phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước để ổn định lâu dài. Trước mắt, cần phải có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để giữ nguồn nguyên liệu “nằm” lại trong nước. Với thuế suất xuất khẩu bắp, khoai mì bằng 0% như hiện nay thì chắc chắn sớm hay muộn cũng không còn nguyên liệu để sản xuất trong nước.
“Quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu cho ngành chăn nuôi, có chế độ chính sách rõ ràng và có biện pháp quản lý hiệu quả để ngăn chặn tình trạng nguyên liệu nông sản bị bán vô tội vạ qua biên giới… là những việc cấp thiết cần phải làm, nếu không khắc phục nhanh, người chăn nuôi vẫn suốt đời lệ thuộc vào DN nước ngoài” – bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Thực phẩm Dofico Đồng Nai, lo ngại.
Nguồn NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)