Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khơi nguồn đam mê khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

Các em HS đang thực hành bài thí nghiệm Trữ nước

Được tận tay dùng đèn chiếu tia tử ngoại chiếu vào tấm kiếng hay lấy nước nhỏ vào cát trộn với polyme siêu thấm rồi quan sát kết quả đã mang đến cho hơn 50 học sinh (HS) lớp 3 và lớp 4 Trường TH Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) nhiều trải nghiệm thú vị. Các em đã tích lũy nhiều kiến thức bổ ích về khoa học tự nhiên, qua đó cảm thấy yêu thích hơn môn khoa học này.
Đó là nội dung hai bài thí nghiệm Da không sợ nắngTrữ nước do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) hướng dẫn cho HS các trường TH: Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), Lê Ngọc Hân (Q.1), Nguyễn Thái Sơn (Q.3) Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) và Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú). Mỗi buổi thí nghiệm có hơn 50 HS từng trường tham gia.
Cùng khám phá
Thoạt nhìn hai thí nghiệm trên như những trò chơi đơn giản, nhưng các em lại thao tác giống các “nhà khoa học” thực thụ. Ở nhóm thí nghiệm Da không sợ nắng, HS tìm hiểu sự lợi hại của tia tử ngoại (UV) bằng cách mỗi em được dùng đèn pin chiếu tia UV vào tấm kính không bôi kem chống nắng và có bôi kem chống nắng. Trong khoảng 30 giây, kính không bôi kem chống nắng ngả màu hồng, còn kính có bôi kem thì không ngả màu. Ngạc nhiên và không kiềm chế được cảm xúc, em Thùy Dung (HS lớp 3/5) ồ lên: “Tia UV thật lợi hại. Có thể đổi màu tấm kính khi không được “bảo vệ”. Điều ấy đồng nghĩa với việc nếu chúng em ra đường mà không có biện pháp tránh nắng thì cũng bị tia UV tác động đến da, ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Để chứng minh thêm về khả năng xuyên thấu của tia UV, thí nghiệm tiếp tục thử với tấm vải và giấy báo. Kết quả cũng tương tự. Tấm kính vẫn bị đổi màu nếu không được bôi kem chống nắng.
Trong khi đó, ở nhóm thí nghiệm Trữ nước lại háo hức với việc lấy nước bỏ vào mẩu cát nguyên chất và mẩu cát được trộn polyme siêu thấm. Sau thời gian ngắn quan sát, kết quả ở mẩu polyme siêu thấm không nhả một giọt nước nào, trái ngược hoàn toàn với mẩu cát nguyên chất đã nhả nước khá nhiều. Thí nghiệm khiến nhiều HS phân vân: Polyme siêu thấm cấu tạo như thế nào mà có khả năng giữ nước tốt đến vậy? Nó có thể ứng dụng vào những việc gì?…
Có thể nói, qua hai thí nghiệm trên, các em HS đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tỏ ra thích thú như bản thân đang khám phá ra điều bí ẩn. Bước đầu HS đã được làm quen cách thực hiện thí nghiệm, theo đó từ những phản ứng ban đầu đã cho ra nhiều kết quả khác nhau giúp các em hiểu được nguyên nhân, lí do vì sao có những hiện tượng hóa học đó. Kết thúc thí nghiệm, HS tiếp tục được các anh sinh viên tình nguyện hướng dẫn cách bào chế kem chống nắng và hướng dẫn bảo vệ cho da an toàn lúc đi dưới nắng. Đặc biệt, vận dụng những kiến thức thu thập được, những HS tham gia sẽ là các đại sứ về truyền đạt lại kiến thức cho những HS chưa có cơ hội tìm hiểu, để nhân rộng kiến thức hơn nữa.
Nhiều bài học hay
Thầy Trần Nam Anh, Tổng phụ trách Đội Trường TH Tân Sơn Nhì, cho biết: “Chương trình hết sức ý nghĩa, cho các em cơ hội được tiếp xúc với các dụng cụ thí nghiệm, các chất hóa học. Không phải trường học nào cũng có điều kiện để tạo ra những tiết học lý thú này. Đối với HS tiểu học, được trực tiếp thí nghiệm trên các dụng cụ luôn tạo ấn tượng thú vị, là điều kiện để các em tìm hiểu, yêu thích sự khám phá. Qua đó giúp các em không còn lạ lẫm khi học bộ môn hóa học ở các lớp trên. Đây còn là nền tảng để các em yêu thích các môn khoa học tự nhiên. Nếu có nhiều những buổi thí nghiệm như thế này thì thật là hay. Chúng ta cần giáo dục ngay từ khi các em còn nhỏ để hình thành nên nhiều ý thức tốt đẹp”.
Em Thùy Dung cho biết sẽ học cách bào chế kem chống nắng để làm quà tặng cho mẹ và các bạn. Món quà thật ý nghĩa vì bảo vệ sức khỏe cho nhiều người. “Lớn lên em còn muốn được làm nhà khoa học, thỏa thích khám phá thêm nhiều điều thú vị đang diễn ra xung quanh cuộc sống chúng ta”, Thùy  Dung nói.
Hai bài thí nghiệm tuy không có trong chương trình học song lại rất gần gũi, thực tế xoay quanh cuộc sống hàng ngày mà không phải HS nào cũng biết. Ngoài trải nghiệm thực hành kiến thức, các em còn thu về cho bản thân nhiều kỹ năng sống. Ở thí nghiệm Da không sợ nắng, HS hiểu được tác hại của tia UV và biết cách bảo vệ da khi đi ngoài nắng. Ngược lại, thí nghiệm Trữ nước giúp các em hiểu được giá trị nước, cách sử dụng sao cho hiệu quả và cần phải tiết kiệm như thế nào. Không phải HS nào cũng biết trong nông nghiệp, đất chứa chất polyme siêu thấm sẽ giữ lại phần lớn lượng nước, theo đó rễ cây có thể hút dần lượng nước tích trữ nuôi thân cây. Phương pháp này sẽ áp dụng ở những vùng đất khô hạn để có thể tiết kiệm nước.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
“Hàng ngày chúng em quen sử dụng nước một cách vô tư, ít tiết kiệm mà không biết rằng nước thật quý giá và có nhiều vai trò hữu ích. Qua thí nghiệm này em cần phải tiết kiệm nước hơn nữa trong sinh hoạt hàng ngày”, em Gia Phú (HS lớp 3/2, Trường TH Tân Sơn Nhì) nói.  
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)