Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khơi thông dòng vốn, khôi phục niềm tin của thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

Tại diễn đàn “Khơi thông nguồn vốn và quản lý dòng tiền hiệu quả” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, diễn ra tại TPHCM ngày 5-10, TS Trần Du Lịch cho biết, theo cập nhật mới nhất, trong 9 tháng đầu năm đã có 40.200 doanh nghiệp (DN) giải thể hoặc dừng hoạt động, tăng 6,5% so cùng kỳ năm 2011. Vấn đề DN không tiếp cận được vốn vay không phải vì lãi suất mà vì “cục máu đông” nợ xấu và hàng tồn kho.

Ngân hàng như “tiệm cầm đồ”

Diễn đàn đưa ra thực trạng hiện nay là DN vẫn khó tiếp cận được vốn vay trong khi các ngân hàng (NH) thừa tiền nhưng không thể cho vay.

Hàng tồn chất đầy kho là một nguyên nhân làm doanh nghiệp không muốn vay vốn tiếp tục sản xuất. Ảnh: KIM NGÂN

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI tại TPHCM đánh giá: So với năm 2011, thanh khoản của hệ thống NH đến thời điểm này có sự cải thiện rõ rệt, lãi suất huy động và cho vay đều giảm xuống mạnh mẽ. “Tuy nhiên, dù lãi suất có giảm nhưng các DN vẫn khó tiếp cận vốn vay vì lâm vào tình trạng nợ xấu” – ông Liêm cho biết.

TS Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội NH Việt Nam tại TPHCM cho rằng, các NH khó khăn trong tăng trưởng tín dụng do khách hàng vay vốn không đủ điều kiện để cho vay theo quy định, DN không chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và khả năng trả nợ NH. Nguy cơ nợ xấu của hệ thống NH thương mại (TM) tăng cao. Hàng tồn kho cao khiến các DN không có khả năng trả nợ NH, do đó phát sinh nợ xấu. “Nợ xấu tăng cao không những đe dọa đến tình hình thanh khoản mà còn ảnh hưởng đến khả năng cung ứng tín dụng của các NH. Vì lo ngại nợ xấu nên các NH lại càng siết chặt điều kiện cho vay. Do đó khả năng tiếp cận vốn NH của DN sẽ khó khăn hơn” – bà Xuân cho biết.

Với câu hỏi làm thế nào để khơi thông dòng vốn giúp dòng tiền đang ứ đọng chảy đúng nơi, TS Trần Du Lịch cho rằng, để quản lý hiệu quả dòng tiền, đầu tiên phải giám sát được dòng tiền. Trong khi đó, hiện nay NH không thể kiểm soát nổi tín dụng sau khi ra khỏi NH. Chính vì vậy mới có chuyện một DN ngành nhựa nhưng bỏ tiền ra mua căn hộ 5 – 6 tỷ đồng để dùng thế chấp vay tiền thay vì phải xây dựng phương án kinh doanh. “Tôi thấy cái này đau xót quá, tín dụng phải được khơi thông theo đúng nhu cầu của DN chứ như bây giờ cứ lấy tài sản thế chấp để vay thì NH chẳng khác nào tiệm cầm đồ” – TS Trần Du Lịch nói.

DN tham gia diễn đàn cũng phản ánh, hiện các DN vừa và nhỏ nếu thiếu tài sản đảm bảo thì không thể vay vốn tại NH. Trần tình việc này, về phía NH, ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng Giám đốc NH HD Bank, khẳng định NH HD Bank không khăng khăng đòi tài sản thế chấp là bất động sản mà vẫn cho vay trên cơ sở xem xét phương án sản xuất kinh doanh khả thi, thế chấp bằng hàng tồn kho… Tuy nhiên, đối với DN chưa xây dựng được phương án kinh doanh hiệu quả, làm ăn thua lỗ… thì NH phải nhận tài sản thế chấp là bất động sản, bất đắc dĩ trở thành nhà cầm đồ cao cấp” – ông Long nói.

Khoanh nợ một số lĩnh vực mới

Các chuyên gia kinh tế nhận định nền kinh tế nước ta bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục. Trong quý 3-2012, lạm phát đã giảm mạnh so với 2 quý đầu năm. Tốc độ tăng trưởng GDP cũng cao dần, chỉ số tiêu dùng (CPI) trong tháng 8-2012 tăng 2,86% so với cuối năm 2011. Lạm phát cả năm có thể đạt 7% – 8%. Tăng trưởng GDP dự toán đạt 4,8% trong 3 quý đầu năm.

Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch cho rằng, từ quý 2-2012, nền kinh tế Việt Nam thể hiện rõ nét là một cơ thể thiếu máu nhưng không tiếp nhận được máu. DN thiếu vốn hoạt động, NH không tăng được tín dụng. Nợ xấu như “cục máu đông” gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn. Theo TS Trần Du Lịch, tình trạng nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải nhất trong kinh tế vĩ mô hiện nay nên khả năng hấp thụ tín dụng của DN là rất hạn chế trừ khi Chính phủ có chủ trương “khoanh nợ” cho một số ngành và lĩnh vực thì mới có cơ hội tăng tín dụng cho nền kinh tế. Mặc dù từ đầu năm Chính phủ đưa ra thông điệp tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn chưa tạo được niềm tin cho thị trường. Kinh tế khó khăn, thêm vào đó có nhiều thay đổi trong chính sách vĩ mô nên DN không còn sức đề kháng. Hiện số lượng DN giải thể và ngưng hoạt động đã tăng 6,5% so với cùng kỳ với trên 40.200 DN.

Đưa ra dự báo chính sách vĩ mô đến cuối năm 2012, TS Trần Du Lịch cho rằng, lãi suất cho vay lẫn huy động khó có thể giảm sâu hơn. Kế hoạch tăng dư nợ tín dụng cả năm từ 8% – 10% như NHNN tuyên bố khó mà đạt được. TS Trần Du Lịch cũng đưa ra dự báo thị trường bất động sản chưa thể phục hồi, thị trường chứng khoán chưa lấy lại được niềm tin, đầu tư chưa thể tăng nhanh, sức mua vẫn tăng chậm. “Chúng ta khó kỳ vọng một cái gì hợp lý, chỉ còn cách khôi phục lại niềm tin của thị trường” – TS Trần Du Lịch nói.

Nhằm giải quyết hàng tồn kho, TS Lê Thị Kim Xuân đề nghị nhà nước cần phải có ngay những giải pháp để hỗ trợ DN sản xuất trong nước tiêu thụ sản phẩm. Về phía DN, bà Xuân cho rằng DN cũng cần mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh phân phối bán lẻ, tiết kiệm chi phí từ việc tổ chức lại sản xuất, cắt giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản phẩm. “Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN bán hàng giảm giá, miễn thuế VAT hoàn toàn cho các sản phẩm đang tồn kho ứ đọng. Làm cầu nối để các DN sử dụng sản phẩm của nhau, giảm thiểu nhập khẩu những nguyên liệu trong nước sản xuất được” – bà Xuân nói.

HẠNH NHUNG (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)