Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khóm, dừa tăng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Giá dừa ở Phú Yên thời gian gần đây tăng mạnh. Hiện dừa xiêm được thương lái mua với giá 14.000 đồng/trái, tăng 6.000 đồng/trái so với cách đây vài tháng.
Còn dừa ta giá 10.000 đồng/trái. Theo nhiều người trồng dừa ở TX.Sông Cầu, trung bình mỗi héc ta dừa có 180 cây, nếu không bị bọ dừa tấn công thì mỗi cây ra 80 – 100 trái/năm. Với giá bán như hiện nay, mỗi héc ta dừa thu được 100 – 150 triệu đồng.
Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết địa phương này xác định dừa là một trong những cây trồng chiến lược nên tập trung đầu tư. Dừa có giá, người trồng phấn khởi nên đầu tư cho vườn dừa và nâng chất sản phẩm bằng cách chuyển đổi nhiều diện tích dừa già cỗi sang trồng dừa xiêm chất lượng cao. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 5.200 ha dừa, tập trung ở TX.Sông Cầu và các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hòa, trong đó TX.Sông Cầu có gần 1.200 ha.

Giá khóm tăng, tư thương đến tận vườn để thu mua  /// Ảnh: Đức Huy
Giá khóm tăng, tư thương đến tận vườn để thu mua. Ảnh: Đức Huy

Bên cạnh đó, giá khóm ở Phú Yên cũng đang tăng mạnh, lên đến 12.000 đồng/trái (loại 1,5 kg/trái). Đây là giá bán cao nhất từ trước đến nay (những năm trước giá khóm chỉ được khoảng 9.000 đồng/trái). Ông Huỳnh Văn Hương (ở TT.Phú Hòa, H.Phú Hòa), một nông dân trồng khóm cho biết: “Năm nay, thời tiết nắng nóng nhiều nên sức tiêu thụ tăng, đẩy giá khóm tăng theo, giúp người trồng khóm lãi đậm. Bình quân mỗi héc ta khóm một năm cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 100 triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Siêng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Phú Hòa, khóm được trồng tại Đồng Din (H.Phú Hòa) đã gần 20 năm. Vùng khóm Đồng Din tạo công ăn việc làm và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. “Hiện nay, cây khóm là một trong những loại cây trồng chủ lực của H.Phú Hòa. Khu vực Đồng Din đã trở thành vùng sản xuất chuyên canh cây khóm nên rất cần được đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng trồng khóm này phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa”, ông Siêng nói.
Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)