Do ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn heo khan hiếm, đẩy giá thịt heo tăng nhanh trong thời gian qua khiến hàng quán, tiểu thương và bữa cơm gia đình bị ảnh hưởng. Nếu tình hình giá cả biến động tiếp diễn, một số tiểu thương cho rằng có thể sẽ phải “bỏ nghề” vì lâm vào tình trạng buôn bán không công.
Chị Trịnh Thị Lụa bán hàng cho khách tại chợ Nam Hòa vào sáng 13-12
Thịt tăng giá, hàng ăn tăng theo
Trước tình trạng thịt heo tăng giá trên địa bàn TP.HCM, nhiều hàng quán bán thức ăn phải tăng giá theo để tránh lỗ vốn. Vì vậy từ 1 ổ bánh mì thịt heo quay có giá 12 ngàn đồng, bà Nguyễn Thị Trang (chủ tiệm bánh mì trên đường CMT8, quận 3) tăng dần lên 13 ngàn, 15 ngàn và hiện nay là 18 ngàn đồng/ổ vì giá thịt heo mỗi ngày mỗi tăng. Trong tình hình này, các loại thức ăn như bánh ướt chả lụa, cơm tấm, hủ tiếu, bánh bao, bánh giò nhân thịt, xôi mặn chả lụa cũng tăng từ 3-5 ngàn đồng/phần. Vì giá thịt heo và thức ăn đều tăng, nên chị Thái Thị Lan (nhân viên Công ty Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân) chuyển sang ăn cá, thịt gà hoặc tàu hũ. Để đối phó với tình trạng giá thịt tăng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nên một số cửa hàng bán thực phẩm đã đầu tư hệ thống trữ lạnh, tủ cấp đông để “kiềm chế” giá các sản phẩm Tết từ sớm. Để chuẩn bị hàng Tết, cửa hàng online Ngọc Hà (TP.HCM) cho biết đã sắm tủ cấp đông để trữ hàng và nhận đơn đặt hàng các sản phẩm như lạp xưởng tươi, pate bong bóng heo để tránh bị ảnh hưởng biến động giá đối với các sản phẩm được chế biến từ thịt heo.
Từ kinh nghiệm “đau thương” phải mất đến 2 tháng mới lấy lại lượng khách hàng cũ sau lần tăng 3 ngàn đồng một tô hủ tiếu, bánh canh trong đợt tăng giá thịt heo vào năm 2017, chị Lê Thị Lý (chủ quán ăn tại địa chỉ 27D Bắc Hải, phường 15, quận 10) lần này quyết định làm cách khác. Trong lúc hàng quán đều tăng giá thức ăn, chị đã chủ động giảm bớt lượng thịt để có thể duy trì mức giá cũ là 25 ngàn đồng. Riêng với bún bò, chị chỉ bán thịt bò, gân bò và không bán giò heo trong một tuần nay, vì giá mỗi cục giò 20 ngàn đồng thì khách… không dám ăn. Điều đáng nói là mặc dù không tăng giá, nhưng khoảng 2 tuần nay quán của chị Lý vắng khách hẳn so với trước. Vì bán đồ ăn sáng nên trước đây quán thường bán xong vào lúc 10-11 giờ trưa, nhưng nay phải bán đến khoảng 1 giờ chiều.
Hàng thịt chậm khách, tiểu thương bỏ chợ
“Theo dự báo từ đây tới Tết thịt heo còn tăng giá vì ảnh hưởng dịch bệnh. Cứ đà này thì bán hàng không đủ đóng tiền mặt bằng. Nếu tình hình căng quá sẽ khiến tiểu thương khó trụ nổi với nghề. Vì vậy chúng tôi rất mong cơ quan chức năng có biện pháp can thiệp để tình trạng tăng giá sớm chấm dứt, nhằm giúp việc buôn bán và đời sống tiểu thương dần đi vào ổn định” – chị Lụa, tiểu thương ở chợ Nam Hòa trăn trở. |
Vào sáng 13-12, tại chợ Nam Hòa (đường Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình) chỉ còn 1 sạp bán thịt heo trong tổng số 5 sạp trong nhà lồng chợ. Bên cạnh nhà lồng, cửa hàng thịt heo của chị Trịnh Thị Lụa vẫn còn hoạt động trong khi tiệm thịt bên cạnh “vắng mặt”. Nói về tình hình buôn bán trong những ngày qua, chị Lụa cho biết: “Trước đây mỗi khách mua từ 1-2kg thịt là chuyện bình thường. Từ khi giá tăng đến nay mỗi người chỉ mua vài lạng hoặc cao nhất là 0,5kg vì cơ bản họ đã chuyển sang ăn cá hoặc thịt gà cho đỡ tốn kém”. Theo thời giá của ngày 13-12, giá thịt ba chỉ tại cửa hàng của chị Lụa là 160 ngàn đồng/kg (tăng gấp đôi so với trước đây), giò heo 130 ngàn đồng/kg, thịt đùi 130 ngàn đồng/kg, sườn cốt lết 125 ngàn đồng/kg… Với giá như vậy, vào sáng 13-12 chị Lụa chỉ lấy 20kg thịt các loại, nhưng từ sáng sớm đến 11 giờ 30 mới bán được khoảng 9kg.
Theo chị Lụa, tình trạng giá thịt tăng thất thường, mỗi ngày mỗi giá khiến tiểu thương gặp khó. Thậm chí có ngày cao điểm (ngày 11-12) giá thịt heo nguyên con (móc hàm) tăng đến 20 ngàn đồng/kg khiến tiểu thương chới với. Chính vì giá cả biến động nên giá thịt lấy vào ngày hôm nay có thể bằng với giá bán ra của ngày hôm trước, làm cho khách hàng phàn nàn và khó cảm thông với người bán. Có thể nói những khó khăn trong thời điểm hiện tại khiến lượng thịt bán ra mỗi ngày ở chợ truyền thống bị giảm sút khá nhiều. Đó là lý do hàng loạt tiểu thương trong nhà lồng chợ nghỉ bán, nhưng cửa hàng của chị Lụa vẫn vắng khách. Người phụ nữ hiện là lao động chính trong gia đình trăn trở: “Theo dự báo từ đây tới Tết thịt heo còn tăng giá vì ảnh hưởng dịch bệnh. Cứ đà này thì bán hàng không đủ đóng tiền mặt bằng. Nếu tình hình căng quá sẽ khiến tiểu thương khó trụ nổi với nghề. Vì vậy chúng tôi rất mong cơ quan chức năng có biện pháp can thiệp để tình trạng tăng giá sớm chấm dứt, nhằm giúp việc buôn bán và đời sống tiểu thương dần đi vào ổn định”.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)