Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khốn khổ tìm chỗ trọ

Tạp Chí Giáo Dục

Trần Hoàng Long (SV năm 3 ngành tài chính – ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) từng bị chủ cho thuê phòng “giựt” tiền cọc trước khi chuyển đến chỗ ở hiện nay
Những trường có cơ sở nội trú eo hẹp thường ưu tiên suất ở cho tân sinh viên (SV), các SV cũ đối mặt với không ít khó khăn trong việc ở trọ!
Giăng “bẫy” chờ… SV
Ông Nguyễn Trọng Hoàng (Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống HS-SV, Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM) cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận một số trường hợp SV phản ánh và nhờ hỗ trợ việc bị mất tiền oan trong quá trình tự kiếm nhà trọ. Những trường hợp này chủ yếu rơi vào điểm trọ tại các quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Theo ông Hoàng, cụ thể các SV này thuê trúng phòng trọ mà “chủ nhà” cũng là người… đi thuê, không ký kết hợp đồng thuê mướn rõ ràng dẫn đến mất tiền oan uổng khi “chủ nhà”… bỏ trốn.
Trên thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, số lượng SV rơi vào tình thế “khó đỡ” này khi tự thân vận động tìm nhà trọ là không hề nhỏ. Trần Hoàng Long (SV năm 3 ngành tài chính – ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) từng có hai tháng thuê phòng tại một căn nhà gần trường. Chỉ ở được trong vòng hai tháng vì “chủ nhà”, thực chất cũng là người đi thuê lại liên tục bị siết nợ và âm thầm ôm đồ bỏ trốn sau đó. Mất toàn bộ số tiền cọc gần 2 triệu đồng, Long và nhóm bạn ở chung còn chịu cảnh bị cắt điện, nước lẫn internet do “chủ nhà” không chịu đóng phí.
Nguyễn Anh Tuấn (SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cùng với một người em họ từ Hà Tĩnh vào thuê nhà ở trên đường Phan Văn Trị (thuộc KP.6, P.7, Q.Gò Vấp) chua chát kể: Được “cò” giới thiệu một căn phòng ở địa chỉ trên với giá 1,8 triệu đồng/tháng/2 người. Sau khi xem phòng thấy ưng ý nên bọn em đặt cọc 1 triệu đồng. Sau 2 ngày, bọn em đến dọn phòng để chuẩn bị ở thì chủ phòng bảo phải đóng thêm tiền quạt máy (1 triệu đồng/cái), bóng đèn điện (500.000 đồng/cái) và nhiều thứ linh tinh khác, tính tổng cộng phải đóng thêm khoảng 5 triệu đồng. Thấy kham không nổi nên bọn em không thuê nữa và đành mất cọc hết 700.000 đồng (mất 70% tiền cọc nếu bỏ hợp đồng). “Sau đó bọn em tìm hiểu thì được biết đây là chiêu thức giăng “bẫy” mới của bọn “cò” nhà trọ. Một căn phòng trọ bình thường sau khi hợp đồng cho thuê (chủ yếu nhắm vào đối tượng SV), bọn “cò” gắn thêm mấy thứ linh tinh vớ vẩn và sau đó tính tiền với giá trên trời để người thuê không đáp ứng được thì bỏ tiền cọc. Cứ như thế, một cái phòng trọ họ có thể cho thuê mỗi tháng đến cả chục lượt, nhưng chẳng SV nào ở được!” –  Tuấn cảnh báo. 
SV Đ.P (lớp đạo diễn điện ảnh Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM) còn gặp tình cảnh trớ trêu hơn. Thuê nhà nguyên căn (cũng tại quận Gò Vấp) mới chỉ ở trong vòng mấy tháng, nhà của em đến 3 lần bị trộm ghé thăm. Ba máy laptop của P. và bạn ở chung cùng quần áo cũng theo đó đã lần lượt “ra đi”. Quyết định chuyển nhà và báo trước chủ một tháng, nhưng cuối cùng, P. vẫn bị mất trắng 10 triệu đồng tiền cọc do chủ nhà căn theo hợp đồng cam kết phải báo trước… 2 tháng khi chuyển dời.
Khó kiểm soát!
Suốt thời gian qua, thông tin về nhà trọ có mặt khắp khu vực các trường ĐH-CĐ, nhất là những trường tọa lạc tại trung tâm hay có đông SV như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM… Tìm kiếm nhà trọ qua những tờ rơi khá nhanh chóng tuy nhiên cũng không ít rủi ro. Minh Hạnh (SV một trường ĐH tại TP.HCM) cho biết, thông thường, đóng phí 100 ngàn đồng, SV được giới thiệu cho 3 địa chỉ nhà trọ. Trường hợp vừa ý và đăng ký ở thì không nói, lắm lúc các em “tay trắng” đi về mà vẫn không được trả lại dù chỉ là một phần lệ phí. Đấy là chưa kể số trường hợp khi tìm kiếm mới phát hiện bị giao địa chỉ… “ma” hoặc điều kiện phòng ốc không được như ban đầu giới thiệu. Ông Nguyễn Trọng Hoàng cho rằng, đơn vị chỉ có thể hỗ trợ được những SV đăng ký tìm nhà trọ qua “kênh” của trung tâm ở việc giao địa chỉ tin cậy, chủ nhà cam kết bình ổn giá… Còn đối tượng SV “gặp nạn” khi tự kiếm phòng trọ lại nằm ngoài tầm can thiệp của trung tâm.
Trên thực tế, khái niệm “bình ổn giá” là hiếm thấy đối với những chủ trọ tự phát. Trần Hoàng Long dẫn chứng, chỗ trọ hiện nay của em là “chính chủ”, mặc dù đã chịu giá thuê khá mắc (gần 2,5 triệu đồng/tháng đã bao gồm điện nước) thế nhưng chủ nhà liên tục gây căng thẳng cho các em trong giờ giấc sinh hoạt, đón tiếp người thân, bạn bè. Thậm chí, chủ trọ còn thu thêm phí nước sinh hoạt nếu người thân lên thăm và ở lại vài ngày. “Mức giá nước ban đầu thỏa thuận kỹ rồi, lúc vào ở được một thời gian, chủ trọ tự ý tăng thêm, cũng đành chịu” – Long nói.
Nhà trọ mà SV Trần Hữu Nguyên (Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) thuê còn gắt gao hơn, không cho về quá khuya khiến em phải hầu như “qua đêm” tại chỗ làm thêm. Thỉnh thoảng lắm, được về sớm (trước 11 giờ), Nguyên mới có cơ hội được ngủ tại căn phòng mà mình… trả tiền!
Nguyễn Văn Thành Sang còn đơn cử cả trường hợp gia đình một chủ nhà bí mật “câu” điện từ phòng trọ của SV thuê suốt nhiều tháng liền, trong khi đó còn đánh giá điện rất cao (4.000 đồng/KW) khiến các em phải… “è cổ” đóng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Eo hẹp chỗ nội trú
Qua thông tin công khai trên cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 có thể thấy, nhiều trường tuyển mới cả ngàn SV nhưng số lượng chỗ nội trú tại KTX chỉ chiếm rất ít. Cụ thể, Trường ĐH Y dược TP.HCM tuyển 1.610 chỉ tiêu nhưng chỉ tiếp nhận được 200 suất ở KTX cho tân SV khóa 2013. Nhiều hơn, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có đến 1.500 chỗ ở KTX, tuy nhiên chỉ riêng hệ ĐH năm nay trường đã tuyển đến trên 4.000 tân SV. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng tuyển mới 4.000 chỉ tiêu nhưng số chỗ trong KTX chỉ 370. Riêng hệ ĐH của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm nay tuyển 2.300 chỉ tiêu, số chỗ trong KTX chỉ có 450. Ở khối ngoài công lập, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn năm nay tuyển 2.000 chỉ tiêu hệ ĐH-CĐ nhưng KTX ngay tại khuôn viên trường chỉ có 500 chỗ. Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ TP.HCM, hệ ĐH năm nay tuyển 3.500 chỉ tiêu nhưng chỉ có 1.000 chỗ trong KTX. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển 6.000 chỉ tiêu cho hai hệ ĐH và CĐ nhưng chỉ giải quyết được 1.500 chỗ ở KTX. Trường ĐH Văn Hiến tiếp nhận được 500 suất ở KTX, trong khi chỉ tiêu năm nay đã đến 1.000…
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)