Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Khốn khổ vì nhiều tuyến xe “mất tích” tại Bến xe Miền Đông mới

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm cách xa trung tâm, kết nối giao thông chưa thuận tiện…, không chỉ hành khách mà hàng trăm hãng xe cũng đã không thể tiếp tục duy trì hoạt động khi TP.HCM chuyển từ Bến xe Miền Đông cũ sang Bến xe Miền Đông mới.

“Đỏ mắt” tìm xe về quê

Từ ngày 11.10, phần lớn tuyến xe khách đang hoạt động tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ) cũ (Q.Bình Thạnh) đã được di dời tới BXMĐ mới (TP.Thủ Đức). Mặc dù vậy, ngày 25.10, tại các quầy vé ở BXMĐ mới vẫn có ít hành khách tới mua vé.

Khốn khổ vì nhiều tuyến xe mất tích tại Bến xe Miền Đông mới  - ảnh 1

Nhiều tuyến xe bỗng dưng “bay màu”, Bến xe Miền Đông mới vắng khách. NGUYỄN ANH

Tại hàng ghế chờ trong bến xe, bà Vy, hành khách từ H.Hóc Môn (TP.HCM), đang loay hoay gọi điện để tìm vé về quê thăm con gái ở xã Phước Hải (H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu). Như nhiều lần trước, từ 8 giờ sáng, bà bắt 2 chuyến xe buýt để tới BXMĐ cũ đón xe về quê. Tuy nhiên khi tới đây, bà được thông báo các chuyến xe đã dời ra bến xe mới nên phải bắt thêm một chuyến xe nữa để ra BXMĐ mới. Tại đây bà được thông báo không có chuyến nào về thẳng xã Phước Hải mà chỉ có xe về bến xe Vũng Tàu.

“Ngày trước tôi tới bến xe cũ là có xe đi thẳng về dưới nhà luôn, chỉ mất 100.000 đồng. Còn bây giờ bắt xe về bến xe Vũng Tàu hết 150.000 đồng rồi còn tốn thêm hơn 100.000 đồng tiền xe ôm nữa mới về tới xã Phước Hải”, bà Vy nói. Nữ hành khách này còn cho biết, nhiều nhà xe lúc trước bà vẫn thường đi nhưng nay bỗng dưng “mất tích”, không thấy đón khách tại BXMĐ mới nữa.

Khốn khổ vì nhiều tuyến xe mất tích tại Bến xe Miền Đông mới  - ảnh 2

Không chỉ bà Vy, nhiều hành khách cũng cảm thấy bất tiện khi phải đi từ trung tâm TP ra bến xe mới để đón xe về quê. Anh Trương Thanh Đạt, sinh viên một trường đại học ở Q.Bình Thạnh, phải tranh thủ đón xe buýt ra BXMĐ mới để mua vé về quê ở H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. “Trước đây lúc nào cũng có xe, cách gần một tiếng là có một chuyến. Bây giờ cả ngày mới có một chuyến. Tôi đợi gần 2 tiếng mới có xe”, anh Đạt cho biết.

Theo Ban quản lý BXMĐ mới, hiện trung bình mỗi ngày tại đây chỉ có hơn 200 chuyến xe đến bến với khoảng 2.600 hành khách. Trong khi nếu đúng với kế hoạch sẽ phải có gần 500 chuyến xe hoạt động/ngày. Như vậy, đã có gần 300 chuyến xe “mất tích”. Những xe không còn hoạt động trong bến chủ yếu chạy các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định. Đáng nói, trong danh sách các doanh nghiệp (DN) vận tải “mất tích” tại BXMĐ mới từ ngày 11.2 đến hết 23.10, có tới 26 DN với những cái tên rất quen thuộc như Thành Bưởi, Hải Vân, Hoàng Hà, Xuân Phúc…

Lo nở rộ “xe dù, bến cóc”

Đại diện một hãng xe cho biết do BXMĐ mới ở quá xa nên lượng khách giảm mạnh. Một số nhà xe phải tăng cường thêm xe trung chuyển nhưng trong bối cảnh thị trường chưa hồi phục, giá nhiên liệu tăng cao, chạy đã lỗ nay lại càng lỗ hơn. “Nếu họ chuyển sang bến khác còn đỡ. Chạy chui lòng vòng như xe dù, bến cóc mới là vấn đề. Như thế vừa gây tình trạng bát nháo, vừa thiệt cho các nhà xe còn trụ lại tại bến mới vì mất khách. Gọi đâu đón đó thì tất nhiên phải tiện hơn chúng tôi đón tại bến xe rồi”, vị này lo ngại.

Theo Ban quản lý BXMĐ mới, hiện nay có 4 tuyến xe buýt kết nối có điểm đầu, cuối tại BXMĐ mới, gồm các tuyến xe buýt số 55, 56, 76, 93. Ngoài ra, một số tuyến xe buýt có lộ trình đi ngang qua BXMĐ mới (trục đường QL1A) mà người dân có thể lựa chọn gồm: tuyến xe buýt số 150, 60-1, 60-2, 60-3, 60-4. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại BXMĐ mới, người dân từ bến xe muốn vào trung tâm TP bằng các tuyến xe buýt đi ngang thì phải qua phía bên kia QL1A. Đoạn này cũng không có cầu vượt hay lối đi thuận tiện cho người đi bộ. Điều này không chỉ gây bất tiện mà còn tiềm ẩn nguy hiểm. Tại bến xe này chỉ có một số hãng xe như Phương Trang thực hiện việc trung chuyển khách từ TP. Còn đa phần hành khách đi các hãng khác phải tự tìm phương tiện để di chuyển.

Trước khi thực hiện giai đoạn 2 di dời BXMĐ cũ sang bến mới, lãnh đạo Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (SAMCO – đơn vị quản lý BXMĐ mới) cũng đã gửi đơn kiến nghị Sở GTVT cùng nhiều đơn vị có liên quan hỗ trợ giải quyết nhiều vướng mắc để đảm bảo BXMĐ mới hoạt động hiệu quả. Cụ thể, ngay khi có thông tin về việc di dời giai đoạn 2 luồng tuyến vận tải hành khách từ bến xe hiện hữu đến BXMĐ mới, một số đơn vị vận tải có liên quan đến việc di dời đã có xu hướng điều chuyển tuyến hoạt động sang các bến xe khác trong TP, hoặc điều chỉnh hoạt động từ vận tải hành khách theo tuyến cố định sang hình thức vận chuyển hành khách theo hợp đồng để có thể vào nội đô tổ chức vận chuyển hành khách. Trong tháng 8, các đơn vị vận tải đã thực hiện điều chuyển 28 tuyến đường với 86 chuyến/ngày đến hoạt động tại các bến xe khác tại TP.HCM. SAMCO cho biết, hiện có nhiều đơn vị vận tải sử dụng loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng để tổ chức hoạt động vận tải hành khách như tuyến cố định (bán vé, tổ chức đón khách, trả khách tại nhiều địa điểm trong TP). Trong khi đó, việc phân luồng, phân tuyến tại các bến xe vẫn chưa được sắp xếp hợp lý để kết hợp hiệu quả với hệ thống vận tải hành khách công cộng. Hệ quả là các phương tiện lợi dụng chạy vào khu vực trung tâm để đón trả khách, nhận trả hàng hóa, phát sinh “xe dù, bến cóc”, gây khó khăn cho các đơn vị vận tải hoạt động tại BXMĐ mới.

Vì thế, SAMCO kiến nghị Sở GTVT TP chưa cho các đơn vị trong danh sách phải di dời sang bến xe mới đăng ký mở các tuyến mới. Đồng thời, đề xuất TP sớm cấm ô tô giường nằm và xe có sức chứa, kích thước tương đương vào trung tâm; xử lý triệt để “xe dù, bến cóc” để BXMĐ mới hoạt động hiệu quả hơn.

UBND TP.HCM sau đó đã chỉ đạo Sở TN-MT, Sở GTVT cùng Công an TP xem xét các nội dung kiến nghị của SAMCO để giải quyết các vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác BXMĐ mới. Thế nhưng như nói trên, vẫn còn rất nhiều vấn đề nảy sinh khi BXMĐ mới đi vào hoạt động.

BXMĐ mới được khởi công xây dựng vào tháng 4.2017. Với diện tích hơn 16 ha, đây là bến xe có quy mô lớn nhất cả nước, không chỉ là đầu mối giao thông mà còn được quy hoạch trở thành khu phức hợp đa chức năng gắn với trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng, giao nhận hàng hóa logistics kết hợp giải trí, hài hòa với khu vực quảng trường metro và cây xanh phục vụ sinh hoạt của cộng đồng.

Ngày 10.10.2020, SAMCO phối hợp Sở GTVT TP.HCM thực hiện di dời giai đoạn 1 một số tuyến đường có cự ly từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tuyến thuộc khu vực miền Bắc). Giai đoạn 2 bắt đầu thực hiện từ 11.10 vừa qua. Theo đó, 79 tuyến xe từ BXMĐ hiện hữu đi đến 15 tỉnh, TP: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau chính thức chuyển sang hoạt động và thực hiện giờ xuất bến tại BXMĐ mới.

Dự kiến, giai đoạn 3 sẽ tiếp tục di dời toàn bộ các tuyến đường còn lại khi BXMĐ mới hoạt động ổn định, tình hình trật tự vận tải, kết nối giao thông được đảm bảo.

Theo Hà Mai – Nguyễn Anh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)