Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Không an cư vì dự án… tái định cư

Tạp Chí Giáo Dục

Thu hồi đất của dân rồi bỏ hoang cỏ mọc; cưỡng chế thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp (DN) đầu tư xây trường nhưng sau lễ khởi công DN tiếp tục bỏ hoang; thu hồi đất rồi bố trí nền tái định cư… trên giấy. Đó là tình trạng của dự án tái định cư 38ha phường Tân Thới Nhất (quận 12) khiến hàng trăm hộ dân khổ sở, không chốn an cư, bộ mặt đô thị nhếch nhác…

Khu đất giao cho DN xây Trường Trung cấp Phương Nam, nhưng DN “xí đất” rồi để đó hơn 3 năm nay

Tái định cư… trên giấy

Năm 2002, UBND TPHCM phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất (quận 12). Theo kế hoạch, khi hoàn thành dự án này sẽ bố trí 761 nền đất và xây dựng 2.944 căn hộ chung cư để phục vụ tái định cư cho các hộ dân tại chỗ và các hộ dân bị giải tỏa di dời trong dự án mở rộng, nâng cấp đường Trường Chinh. Khi triển khai dự án, diện tích đất phải thu hồi là 36,2ha, tổng số 740 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 719 hộ bị giải tỏa trắng. Tuy nhiên, sau gần 15 năm bắt đầu thực hiện, hiện nay dự án vẫn trong tình trạng nham nhở, bồi thường da beo. Trên khu đất đã giải tỏa rộng hàng chục hécta vẫn chỉ là bãi cỏ mọc um tùm. Người dân tại khu phố 5, phường Tân Thới Nhất bức xúc cho biết, do chậm triển khai, dự án này chẳng những bỏ đất hoang lãng phí mà còn biến khu đất thành bãi rác, bãi tập kết các thứ vật liệu thu gom của những người mua bán phế liệu và cũng là ổ tệ nạn hút chích, cướp giật… Bà Phạm Thị Nô, ngụ tại 38/1, tổ 43, khu phố 3, phường Tân Thới Nhất bị thu hồi 2.034m2 đất nông nghiệp, được hoán đổi 203,4m2 đất ở. Tuy nhiên, bà Nô chỉ nhận nền đất hoán đổi trên… giấy. Tương tự ông Lê Đức Sọp, ngụ 11/26 khu phố 5, phường Tân Thới Nhất bị thu hồi đất, được bố trí tái định cư và hoán đổi 3 nền đất, nhưng cũng chỉ nhận được 1 nền, 2 nền còn lại được… bố trí trên giấy.

Theo đơn phản ánh của người dân, năm 2012, UBND quận 12 tổ chức cưỡng chế phần diện tích đất gần 6.000m² trên đường TTN 1A của ông Phạm Thanh Long và Phạm Thanh Sơn – là hai cán bộ tham gia kháng chiến tại địa phương, để giao mặt bằng cho một DN đầu tư xây dựng Trường Trung cấp Phương Nam. Tuy nhiên, sau khi tổ chức khởi công động thổ rình rang, công trình này đã bất động hơn ba năm nay. Cũng theo phản ánh của người dân, dự án này đã được sang tay qua nhiều chủ đầu tư. Có mặt tại dự án “Trường Trung cấp Phương Nam”, chúng tôi nhận thấy khu đất đã được xây tường rào vây quanh và không có bất cứ dấu hiệu nào của việc thi công.

Người dân có đất bị thu hồi để làm dự án cho biết, khi được vận động di dời để xây dựng dự án, nhiều người dân ở đây đã đồng thuận, chịu giao đất chấp nhận tạm cư với cam kết của chính quyền sẽ được bố trí tái định cư trong thời gian sớm nhất. Để rồi sau đó, họ thất vọng chờ đợi từ năm này sang năm khác và đến nay, đã gần 15 năm, giấc mơ an cư vẫn còn xa vời. Được biết toàn bộ dự án có nhu cầu bố trí cho 761 hộ tái định cư, nhưng đến nay mới bố trí 372 nền, còn thiếu 389 nền tái định cư. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhiều trường hợp đã được bố trí tái định cư lại không phải là dân bị thu hồi đất tại chỗ mà là người từ nơi khác đến.

Bao giờ an cư?

Năm 2013, trong một lần làm việc với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo UBND quận 12 cho biết dự án chậm là do nguyên nhân chủ đầu tư cũ (một đơn vị trực thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM)  kém năng lực, nên TP đã chuyển dự án về cho UBND quận 12 làm chủ đầu tư. Vị này khẳng định sau khi bàn giao xong chắc chắn dự án sẽ được đẩy nhanh. Tuy nhiên, từ đó đến nay chẳng có gì thay đổi. Ông Lê Phùng Thuận, nguyên Bí thư Chi bộ khu phố 5, người có 2.400m2 đất nằm trong dự án, bức xúc: “Mới đây, cán bộ đền bù lại đến yêu cầu đo đạc lại hiện trạng và nói rằng hồ sơ cũ đã bị thất lạc, đó là cách làm thiếu trách nhiệm với người dân”. Ông Thuận cho biết thêm, người dân nơi đây phần lớn là gia đình cách mạng. Bây giờ nếu Nhà nước thu hồi đất thì cần sự minh bạch, rõ ràng, chứ cách làm việc lâu nay còn nhiều việc chưa thuyết phục được dân. Dự án đã “trùm mền” mười mấy năm nay, khiến quyền lợi của người dân cũng bị “treo” theo, đường sá không được đầu tư, người dân không được sử dụng nước sạch.  Các hộ đã đồng ý đi tạm cư vẫn phải sống trong tình cảnh bấp bênh, nhấp nhổm, mòn mỏi chờ tái định cư. Còn hơn 13ha trong vùng thực hiện dự án chưa giải tỏa xong, người dân không chấp nhận mức giá đền bù chỉ 180.000 đồng/m² vì đất chuyển nhượng ở khu vực kế cận lên đến hơn 20 triệu đồng/m2. Các hộ chưa di dời lại càng khốn khổ, nhà cửa không được sửa chữa, sống trong cảnh thiếu điện, nước, hạ tầng không đảm bảo…

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo UBND quận 12 cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là khung giá đền bù quá lỗi thời, được ban hành từ năm 2002, nên người dân không đồng ý. Trước yêu cầu cấp bách của người dân về việc nhận nền để an cư, mới đây quận đã đề nghị UBND TP cho phép làm cuốn chiếu chứ không đợi giải tỏa xong mới làm. Nếu phương án này được chấp thuận, trong năm 2016 sẽ cung cấp thêm hơn 100 nền để bố trí cho người dân. Người dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án tái định cư 38ha đã quá mệt mỏi. Nguyện vọng của bà con là sớm được an cư, tái định cư tại chỗ để ổn định cuộc sống; chính sách đền bù phải rõ ràng, thỏa đáng, công bằng. Những người đã được bố trí nền đất tái định cư đã xây nhà thì cần nhanh chóng cấp giấy chứng nhận để họ có thể vay vốn làm ăn vì đã quá thiệt thòi.

ĐỖ TRÀ GIANG/SGGP

 

 

 

 

Bình luận (0)