Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Không bỏ “sàn”, không giới hạn nguyện vọng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kỳ thi THPT quốc gia 2017, cả nước sẽ không còn 2 loại cụm thi như năm trước, sẽ có 5 bài thi tổ hợp, đăng ký dự thi cùng với đăng ký xét tuyển, được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi, tiếp tục duy trì điểm sàn ĐH, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng…

Cán bộ coi thi phổ biến quy chế  cho thí sinh dự thi THPT quốc gia năm trước. Ảnh: T.Trân

Đây là những điểm mới được Bộ GD-ĐT quy định trong quy chế thi THPT quốc gia 2017 và quy chế tuyển sinh ĐH cũng như CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên vừa công bố. Trước đó, trong dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT đã chủ trương bỏ điểm sàn ĐH.

Thi THPT quốc gia trong 2,5 ngày

Theo quy chế, kỳ thi THPT quốc gia 2017 có 5 bài thi, trong đó, 3 bài thi độc lập là: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Môn ngữ văn thi tự luận, các bài khác thi trắc nghiệm khách quan. Hình thức thi này sẽ hướng học sinh vào học tập toàn diện, khắc phục dần tình trạng học tủ, học lệch. Năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình 2 lớp 11 và 12. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi sẽ thuộc chương trình THPT.

Đáng chú ý, kỳ thi THPT quốc gia 2017 được tổ chức trong 2,5 ngày thay vì 4 ngày như năm trước, tạo thuận lợi cho thí sinh. Mỗi tỉnh/thành sẽ có một cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì, không có 2 loại cụm thi như năm trước. Bộ GD-ĐT sẽ điều động cán bộ, giảng viên các trường ĐH-CĐ đến các cụm thi để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi, giám sát những khâu: in sao đề thi, coi thi, chấm thi và phúc khảo.

Thi THPT quốc gia 2017 từ ngày 22 đến 24-6

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, quy chế thi THPT quốc gia 2017 sẽ ổn định trong những năm tiếp theo và văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này sẽ được ban hành hằng năm cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, sau khi xem xét, cân nhắc để phù hợp và tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức thi sớm hơn những năm trước. Cụ thể, các mốc thời gian như sau:

– Sáng 21-6: Họp cán bộ coi thi tại các điểm thi

– Chiều 21-6: Thí sinh đến phòng thi nghe phổ biến quy chế, lịch thi và điều chỉnh sai sót (nếu có)

– Sáng 22-6: Thí sinh dự thi môn ngữ văn

– Chiều 22-6: Thí sinh dự thi môn toán

– Sáng 23-6: Thí sinh dự thi khoa học tự nhiên

– Chiều 23-6: Thí sinh dự thi môn ngoại ngữ

– Sáng 24-6: Thí sinh dự thi khoa học xã hội

Cũng theo ông Ga, các thông tin chi tiết về kỳ thi sẽ có trong Hướng dẫn thi được Bộ GD-ĐT ban hành trong vài ngày tới.

Năm nay, toàn quốc thống nhất sử dụng phần mềm quản lý thi do Bộ GD-ĐT cung cấp; thiết lập hệ thống trao đổi thông tin về kỳ thi chính xác, cập nhật giữa trường phổ thông với Sở GD-ĐT, giữa Sở GD-ĐT với Bộ GD-ĐT… Quy chế cũng lưu ý, các môn thi thành phần trong mỗi bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội có cùng một mã đề thi. Nếu không cùng mã đề thi, thí sinh phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi, chậm nhất 10 phút sau khi nhận đề.

Dừng tuyển sinh nếu không công khai điều kiện đảm bảo chất lượng

Quy chế quy định, đề án tuyển sinh của các trường phải cung cấp đầy đủ, công khai các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng như: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo cùng một số thông tin quan trọng khác trên trang web của cơ sở đào tạo để người nhà và thí sinh được biết. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Nếu phát hiện trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế, bộ sẽ dừng tuyển sinh đối với ngành/nhóm ngành liên quan… Việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ thực hiện theo lộ trình. Từ năm 2018 trở đi, ngoài các thông tin nêu trên, các trường phải công bố thêm: tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành). Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh.

Thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài đối với môn thi thành phần rồi mới thi môn thành phần tiếp theo. Ví dụ: thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp môn vật lý trước khi nhận đề thi môn hóa học; nộp lại đề thi, giấy nháp môn hóa học trước khi nhận đề thi môn sinh học. Thí sinh chỉ không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi thành phần cuối cùng và các bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ.

Tiếp tục duy trì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào

Năm 2017, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, mỗi trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình.

Có thể đăng ký thi 5 bài thi

Quy chế cho phép thí sinh ngoài thi những bài thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) có thể đăng ký thi cả 2 bài thi tự chọn (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) để tăng thêm cơ hội xét tuyển vào các ĐH-CĐ và khuyến khích các em học tập toàn diện hơn. Nội dung đề thi năm nay nằm trong chương trình lớp 12, với các câu hỏi ở mức độ cơ bản để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có những câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi của thí sinh, đáp ứng mục tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ.

Đặc biệt năm nay, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Nhưng đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Tuy nhiên, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào 15 trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện quy định, hướng dẫn của bộ liên quan.

Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển (kèm lệ phí) cùng hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của sở GD-ĐT. Trong các đợt xét bổ sung, thí sinh đăng ký và nộp lệ phí theo quy định của trường. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 1 lần trong thời hạn quy định bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi.

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt bổ sung. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm.

M.Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)