Ngày 13-11, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã “tiếp sức” cho gần 1.000 học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ. Trước đó, chương trình cũng đã diễn ra tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi.
Em Vũ Đức Thắng (học lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Công Trứ) đặt câu hỏi cho Ban tư vấn |
Khởi nghiệp là đương đầu với nhiều khó khăn
Trước làn sóng khởi nghiệp đang được giới trẻ quan tâm mạnh mẽ như hiện nay, các em học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ cũng không đứng ngoài cuộc. Em Vũ Đức Thắng (học lớp 12A3) thổ lộ: “Em có ý định sau này sẽ mở một công ty về lĩnh vực giáo dục. Vậy em nên học ngành kinh tế – luật hay ngành sư phạm để tạo thuận lợi tốt nhất cho dự định của mình?”. TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng ý tưởng của Thắng rất mới mẻ và rất đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, TS. Phạm Tấn Hạ cũng nhắc nhở: “Từ ước mơ đến hiện thực vẫn còn nhiều khoảng cách. Hai ngành mà em nêu ra, ngành nào cũng quan trọng và cần thiết với em, dù là nền tảng pháp lý hay kiến thức, nghiệp vụ sư phạm. Nhưng quan trọng hơn, em cần phải hiểu rằng, học xong, có ý tưởng tốt nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng thành công. Khởi nghiệp là tự bản thân phải làm mọi thứ, là phải đương đầu với những khó khăn và với ngàn khó khăn thất bại, thậm chí là thất bại nối tiếp thất bại. Có những người sẽ đứng lên sau thất bại và làm tiếp, nhưng có những người sau khi gặp thất bại sẽ chán nản và buông tay. Khởi nghiệp đang là làn sóng mạnh mẽ được giới trẻ các nước quan tâm, nhưng không phải dự án nào cũng thành công. Vì vậy, em cần phải chuẩn bị nền tảng kiến thức, pháp lý và tâm lý trước khi theo đuổi ý tưởng của mình”.
Từ ngày 13 đến 17-11, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đến với học sinh 15 trường THPT tại tỉnh Bến Tre. Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH). |
Giải đáp băn khoăn cho em Lê Vũ Huyền Anh (học lớp 12A8) về việc là con gái có nên theo học nhóm ngành kỹ thuật, TS. Phạm Tấn Hạ khẳng định: Nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật trong giai đoạn hiện tại rất cao, mỗi cơ quan, xí nghiệp cần rất nhiều đội ngũ kỹ thuật cả nam và nữ… “Ngành nào cũng có những khó khăn, thử thách riêng. Đối với nữ, lợi thế khi học ngành kỹ thuật là tính cẩn thận, tỉ mỉ, ngăn nắp, khéo léo nên chỉ cần cố gắng nỗ lực hơn một chút trong quá trình học tập thì các em sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt khi ra trường. Ngoài những ngành kỹ thuật liên quan đến vận hành, sửa chữa máy móc bị mọi người “chê” là khô khan, các em có thể chọn những ngành nhẹ nhàng, phù hợp cho nữ như cơ điện tử, quản lý công nghiệp…”, TS. Phạm Tấn Hạ khuyên.
Quan hệ công chúng có thể làm PR, marketing
Tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, em Đinh Vũ Thiện (học lớp 12A2) hỏi: “Em nghe nói học ngành quan hệ công chúng sau này không xin được việc thì có thể làm PR, marketing cho các công ty, điều này có đúng không?”. ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) giải đáp: PR, marketing chỉ là một trong những lĩnh vực mà sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành quan hệ công chúng có thể làm việc. Quan hệ công chúng (Public Relations – PR) là một ngành học mới mẻ và nhận được sự quan tâm của các em học sinh trong vài năm gần đây, và được xem là ngành học của những người trẻ thích sáng tạo. Đây là một lĩnh vực hoạt động phong phú, đa dạng về các mô hình báo chí, truyền thông, tổ chức sự kiện… “Khi tốt nghiệp ngành quan hệ công chúng, sinh viên có thể đảm nhận nhiều công việc như chuyên viên PR, phóng viên – biên tập viên, chuyên viên phân tích và tư vấn quan hệ công chúng tại các công ty, tổ chức tư vấn quản trị truyền thông doanh nghiệp, các bộ, sở, ban/ngành liên quan đến truyền thông. Tuy nhiên, để thành công với nghề, các bạn trẻ phải có kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng xử lý tình huống khéo léo, khả năng chuyển tải ý tưởng, khả năng nói và viết thuần thục ít nhất một ngoại ngữ phổ biến”, ThS. Phạm Doãn Nguyên khẳng định.
Ngọc Anh
Bình luận (0)