Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không cấm dạy thêm trong trường: Học sinh tự nguyện, giáo viên tự… trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Văn phòng Thành ủy TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác quản lý hoạt động dạy thêm học thêm (DT,HT) trên địa bàn TP. Theo đó, các trường được tổ chức DT,HT trên cơ sở tự nguyện của học sinh (HS). Và sự tự nguyện này chỉ thật sự là tự nguyện nếu giáo viên (GV) biết trân trọng cái nghề của mình…

Ôn tập thêm kiến thức cho các em HS Trường THCS Trần Văn Ơn chuẩn bị thi lớp 10. Ảnh: D.Bình

Nhu cầu DT,HT là rất lớn

Đó là khẳng định của không ít phụ huynh, GV khi được hỏi về vấn đề này.

Chị Thùy Nguyên, phụ huynh một HS lớp 2 Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Q.Gò Vấp), cho biết: Việc DT,HT sẽ quan trọng đối với những HS có học lực yếu, HS có nhu cầu nâng cao năng lực cho các kỳ thi. Các em sẽ được phụ huynh đăng ký để được GV kèm cặp, bồi dưỡng, nâng cao. Ngoài ra, cũng có trường hợp gia đình không có thời gian đưa đón con đúng giờ nên thường đăng ký cho con ở lại trường HT để được cô giáo trông nom. “Ngay gia đình tôi, cháu nhỏ đang học tiểu học (học 2 buổi/ngày), thường tan trường vào khoảng 4 giờ chiều, trong khi đó, thời gian tan ca của vợ chồng là từ 5 đến 6 giờ nên phải đăng ký cho con ở lại HT. Đối với cháu đang học THCS, nhiều bài tập nâng cao, vợ chồng tôi không thể dạy nên bắt buộc phải cho đi HT”, chị Nguyên nói.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Mỹ 2 (huyện Củ Chi), khẳng định: “Nhu cầu DT,HT là có thật, GV có thể tăng thu nhập, còn HS được kèm cặp nâng cao kiến thức…”.

Quyết liệt nhưng sẽ theo lộ trình

Theo thông báo của Thành ủy thì việc triển khai thực hiện chủ trương trên cần quyết liệt nhưng phải có lộ trình, cách làm phù hợp, cụ thể, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến phụ huynh, HS và đội ngũ thầy cô giáo; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đúng chủ trương của Đảng. Vì vậy, Thường trực Thành ủy giao cho Ban cán sự Đảng ủy UBND TP chỉ đạo UBND TP khẩn trương trình Ban Thường vụ Thành ủy lộ trình chấm dứt tình trạng DT,HT tràn lan, tiêu cực.

Về khía cạnh kinh tế cũng như mức độ an toàn khi TP không còn cấm DT,HT trong nhà trường, thầy Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong cho biết: “HS HT bên ngoài thường 600.000 đồng/tháng/môn trong khi ở trường DT chỉ được phép thu 300.000 đồng/tháng. Vì vậy, DT trong trường giảm được nhiều chi phí cho HS”.

Theo thông báo của Văn phòng Thành ủy, việc DT,HT được tổ chức trong nhà trường phải khảo sát, phân chia lớp theo cấp độ học lực, trình độ của HS; danh sách lớp HT, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng nhà trường quyết định; tạo điều kiện cho HS lựa chọn GV theo học; phân bố hợp lý thời gian tổ chức DT,HT cho GV và HS. Và quan trọng hơn cả là phải trên cơ sở tự nguyện của HS…

Tự nguyện thế nào cho đúng?

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống thì: “Cho phép DT,HT trong trường là đúng nhưng phải làm sao để HS tự nguyện thì cần cho HS tự chọn GV như kết luận trên. Nếu tổ chức lớp DT như lớp chính khóa mình đang giảng dạy có thể dẫn đến tiêu cực, khó đáp ứng được tinh thần tự nguyện của HS. Còn khi HS được lựa chọn GV để học, thầy cô nào thực sự giỏi mới có HS theo học”.

Ngoài ra, với quyết định này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng điều này tránh được tình trạng DT cục bộ. Có nghĩa là không phải trường nào mở lớp HT ra cũng cho HS của mình, GV của mình DT,HT. Nếu HS cần nâng cao hơn kiến thức, trường đó có thể mời GV ở trường khác về DT. Ngược lại, nếu HS trong trường cảm thấy GV chưa đáp ứng được nhu cầu thì cũng có thể đến trường khác để học.

Về phía cơ sở giáo dục, thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Q.Bình Thạnh), cho rằng: “Kết luận này chỉ làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc tổ chức DT,HT trong nhà trường. Từ trước tới nay, chúng tôi DT,HT trong nhà trường cũng phân cấp độ học lực, trình độ HS để phân chia chứ không dạy theo lớp. Vì vậy, chúng tôi cần sớm có hướng dẫn cụ thể hơn từ Sở GD-ĐT TP, đặc biệt là ở lớp 9 để có kế hoạch cụ thể”.

Lớp 2 buổi/ngày không phải HT

Phụ huynh một HS lớp 3/1, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Q.Gò Vấp), cho biết: Khi TP có quyết định cấm nhà trường tổ chức DT,HT, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, mừng cho hai đứa con có thời gian vui chơi, giải trí sau giờ học chính khóa. Cả hai con của tôi đều học 2 buổi/ngày. Trước khi chưa có quy định cấm, tôi phải cho hai con đi HT vì nếu không đi, sợ cô buồn, gây khó dễ.

Bây giờ, với quyết định mới nhất của TP, tôi rất vui vì không tổ chức DT,HT đối với HS học 2 buổi/ngày. Vì đối với HS học 2 buổi ở trường, các em đã có nhiều thời gian để học tập, rèn luyện nên không nhất thiết phải HT.

N.Trinh

Ngoài ra, thầy Hạnh chia sẻ rằng: “Chính GV và ban giám hiệu nhà trường phải xác định rõ DT,HT để đáp ứng cho phụ huynh hay là của HS. Nếu cứ nhìn nhận bằng điểm số, bằng nhu cầu của phụ huynh là cho con vào các trường tốp trên học tập thì chắc chắn đó không còn là nhu cầu của HS mà tạo thành áp lực cho các em”.

Theo đó, thầy Hạnh cho rằng, mỗi GV phải tích cực nắm bắt HS yếu thật sự để DT. Để nắm bắt được đối tượng này phải dựa trên các bài kiểm tra, phải hiểu đúng mới có giải pháp căn cơ chứ đừng vội quy kết một bài kiểm tra bị điểm thấp mà các em phải… HT.

Thầy Nguyễn Minh Tùng cũng có ý kiến: “Để việc giảng dạy khách quan, tránh tiêu cực thì không để GV chủ nhiệm giảng dạy. Theo đó, tùy vào số lớp mà cử GV trong khối tham gia giảng dạy, giúp đỡ các em”.

N.Trinh – M.Châu

Bình luận (0)