Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không cân sức

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ cận Tết là hàng hóa Trung Quốc lại ồ ạt tuồn sang Việt Nam. Không chỉ qua đường chính ngạch, hàng nhập lậu từ nền kinh tế láng giềng này cũng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng lượng hàng nhập của nước ta.

Hàng tuồn vào nhiều không phải vì sức mua của thị trường trong nước đã được cải thiện mà đây chính là kiểu bán buôn “lấy thịt đè người” quen thuộc. Lượng hàng lớn, mẫu mã đa dạng, giá lại rẻ và phương thức buôn bán dễ dãi, chừng ấy thế mạnh của hàng ngoại đã quá đủ để hàng Việt phải thúc thủ ngay trên sân nhà.
Với hàng nhập chính ngạch, không thể trách phía đối tác vì trong điều kiện thông thương thuận lợi giữa 2 nước, một bên có nguồn cung rẻ, chất lượng phù hợp ắt sẽ được bên cầu chấp nhận theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường nội địa trước nay quá hiểu quy luật thị trường và những ưu – nhược điểm của đối thủ nhưng hầu như chưa có cách kháng cự hiệu quả. Cạnh tranh sòng phẳng như vậy, bên nào năng lực yếu hơn ắt sẽ lép vế.
Hàng Trung Quốc rẻ là nhờ chủ động được gần như hoàn toàn nguồn nguyên phụ liệu và có thị trường tiêu thụ khổng lồ. Khi làm hàng với sản lượng cực lớn thì giá thành giảm, giúp giá bán giảm. Cũng nhờ đó, phía Trung Quốc tăng chiết khấu cho cánh thương lái, đại lý tại Việt Nam. Thế mạnh về giá đó giúp hàng Trung Quốc thắng tuyệt đối tại các thị trường nhập khẩu có năng lực cạnh tranh thấp, nhất là một số nước ASEAN.
Trong trận chiến không cân sức như vậy, bên yếu hơn chịu thiệt thòi về nhiều mặt: Hàng tiếp tục tồn kho, sản xuất và xuất khẩu giảm sút, người lao động mất việc hoặc giảm thu nhập. Kéo theo đó là bao hệ lụy khác về mặt xã hội.
Bên cạnh đó là hàng lậu, hậu quả còn kinh khủng hơn nhiều. Mỗi ngày, hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái tuồn từ Trung Quốc sang nước ta với số lượng cực lớn. Không chỉ trốn thuế và phá hoại sản phẩm cùng loại của Việt Nam, những thứ đó thường mất an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc chứa chất gây bệnh nan y, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng trong nước. Bất chấp những nỗ lực của hải quan và quản lý thị trường, đã gần 20 năm kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, hàng lậu luôn là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp trong nước.
Hàng giá rẻ và hàng lậu – cặp “song sát này” là thách thức thường trực đối với thị trường tiêu dùng Việt Nam. Đến năm 2015, quan hệ thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc có thể cán mức 60 tỉ USD. Trong cán cân này, thâm hụt thương mại rất lớn nghiêng về phía Việt Nam. Xuất siêu sang Mỹ và châu Âu trong khi nhập siêu “khủng” từ Trung Quốc, chẳng khác nào chúng ta nai lưng ra làm để lấy USD rồi đem tiền ấy trả lương cho nhà sản xuất bên Trung Quốc.
Trước tình hình đó, nếu cộng đồng doanh nghiệp trong nước không chủ động làm lớn mình lên, nâng tầm cạnh tranh thay vì ngồi chờ những biện pháp hành chính kiểu ngăn sông cấm chợ hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng thì cục diện không chỉ khó xoay chuyển mà còn có thể diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.

theo NLĐ

Bình luận (0)