Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Không cắt điện trong cao điểm mùa khô

Tạp Chí Giáo Dục

Vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng lại dẫn đến điệp khúc cúp điện. Nhiều năm liền, câu hỏi “cao điểm mùa khô có cắt điện không?” luôn là câu hỏi khó và khá nhạy cảm đối với ngành điện lực. Điều bất ngờ ở thời điểm này, bắt đầu vào cao điểm mùa khô 2015, khi đặt lại câu hỏi với lãnh đạo ngành điện lực TPHCM, chúng tôi đã nhận được câu trả lời “không!” khá tự tin.

Công nhân Tổng Công ty điện lực TPHCM kiểm tra, bảo trì máy biến áp bảo đảm truyền tải điện cung cấp cho người dân trong mùa khô. Ảnh: CAO THĂNG

Đảm bảo nguồn phát
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) đồng thời là người phát ngôn của EVN HCMC cho biết: “EVN đã khẳng định huy động đủ nguồn phát điện để cung cấp cho nhu cầu sản xuất và kinh tế – xã hội của cả nước trong mùa khô năm nay”. Đối với TPHCM, ông Bảo thông tin, nếu như công suất tiêu thụ cực đại mùa khô năm 2014 là 3285 MW thì năm nay, ngành điện lực đã chuẩn bị năng lực cung cấp dự phòng lên đến 3.600 MW. Thực tế, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là từ cuối tháng 3-2015, dù thời tiết đã trở nóng, nhu cầu điện tăng vọt, nhưng công suất tiêu thụ chỉ ở mức 3.272 MW. “Với thực tế tiêu thụ và năng lực dự phòng, nguồn phát hoàn toàn đáp ứng đủ”, ông Bảo cho biết.
Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Điều độ (thuộc EVN HCMC) cho biết: “Sản lượng tiêu thụ điện của thành phố từ đầu tháng 3-2015 trung bình đạt mức 56 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 sang những ngày đầu tháng 4, sản lượng tiêu thụ đã bắt đầu tăng vọt với mức bình quân 61 triệu kWh/ngày. Đỉnh điểm mùa khô 2014 là 64 triệu kWh/ngày và năm nay chúng tôi dự báo sẽ lên đến 67-68 triệu kWh/ngày vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5. Tuy nhiên, Trung tâm Điều độ Quốc gia đã khẳng định năm nay nguồn phát rất yên tâm, trừ trường hợp sự cố nguồn, mà có sự cố thì trung tâm đã chuẩn bị các nguồn phát khác để bù đắp vào nên không phải lo”.
Lưới điện: dự phòng dư 40%!
Một điều dễ nhận thấy, từ đầu năm đến nay số lần cắt điện công tác và sự cố đã giảm rõ rệt trên lưới điện thành phố. Theo ông Bảo, để đạt được điều này, EVN HCMC đã sớm triển khai công tác bảo trì lưới điện trước mùa khô, đóng điện vận hành nhiều trạm biến thế và tuyến dây cao thế để nâng cao khả năng vận hành của lưới điện lên mức dự phòng 40%. Ông Bùi Hải Thành, Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế cho biết, công ty đã cải tạo và đưa vào vận hành hàng loạt tuyến dây cao thế như Củ Chi-Cầu Bông, Nhà Bè – Việt Thành, Hiệp Bình Phước – Hỏa Xa, Bà Quẹo- Chợ Lớn… và đóng điện vận hành nhiều trạm biến áp mới như trạm Củ Chi 220kV, Láng Cát 110kV, Bà Điểm 110kV… Nhờ vậy, nhiều trạm và tuyến dây cao thế sẽ không còn rơi vào tình trạng quá tải trong mùa khô.
Ông Trần Xuân Lâm, Giám đốc Công ty Điện lực Gia Định cho biết, để chuẩn bị phục vụ cho mùa khô, công ty đã hoàn thành công tác bảo trì cho toàn bộ lưới trung và hạ thế; tăng cường thêm 60 trạm biến áp, kéo mới 65km lưới hạ thế nổi và 5km lưới hạ thế ngầm… để kịp đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của dân cư 2 quận Bình Thạnh và Phú Nhuận. Nhiều “điểm nóng” trước đây bị người dân than phiền do tình trạng điện chập chờn nay đã được khắc phục bằng việc lắp đặt 16 bộ thiết bị tự đóng lại nhằm hạn chế tối đa khu vực mất điện do sự cố; 21 bộ thiết bị phát hiện sự cố tự động nhằm giúp sớm xác định chính xác vị trí sự cố để khắc phục.
“Hồi trước mất điện, phải chuyển tải, điện chập chờn 10-15 phút nên bà con rất bực mình. Bây giờ thì không còn chập chờn như vậy nữa vì tất cả tuyến dây đã được kết nối mạch vòng”, ông Lâm cho biết. Nhờ vậy, trong tháng 3-2015, địa bàn của công ty phụ trách chỉ xảy ra duy nhất 1 sự cố, giảm đáng kể so với trước đây.
Không chỉ đủ điện cho mùa khô, ngành điện lực yêu cầu các công ty điện lực phải giảm tối đa việc cắt điện công tác. Theo đó, không bố trí cắt điện công tác cho tuyến dây trung thế mới đưa vào vận hành 3 năm, nếu thật sự cần thiết, chỉ cắt điện 1 lần/năm. Đối với tuyến dây có trong kế hoạch sửa chữa lớn, chỉ được cắt 1 lần/tuyến dây/4 tháng. Những tuyến dây còn lại chỉ được bố trí cho cắt điện công tác tối đa 1 lần/tuyến/6 tháng. Việc cắt điện sẽ không gây mất điện diện rộng như trước do nay áp dụng phương thức sửa chữa điện nóng (hotline – công nhân sữa chữa trên đường dây đang có điện). Thời gian cắt điện cũng được rút ngắn còn 5 giờ (từ 9 giờ đến 14 giờ) phải tái lập điện trở lại.

THƯ LÊ (SGGP)

Bình luận (0)