Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Không chăm chăm vào trường ‘lớn’: Trúng tuyển đại học chọn cao đẳng, vì sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Với sự chuyển biến tích cực của thị trường lao động hiện nay, những người sở hữu tấm bằng cao đẳng vẫn có khả năng cạnh tranh và không còn 'trầy trật' khi đi xin việc.

Khi thí sinh giỏi không chăm chăm chọn trường ĐH "lớn"

Không chăm chăm vào trường ‘lớn’: Trúng tuyển đại học chọn cao đẳng, vì sao?  - ảnh 1

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ nay đến cuối năm 2022, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM trình độ CĐ chiếm 24%. M.Q

"Đừng tự tạo rào cản cho mình"

Năm 2016, anh Tô Lê Tú (24 tuổi, sống tại TP.Vũng Tàu) thi đỗ ngành Ngữ văn Anh của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Tuy vậy, sau khi cân nhắc về định hướng của bản thân, anh quyết định đăng ký vào ngành Quản trị khách sạn của Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu. Lúc bấy giờ, không ít người coi nhẹ lựa chọn đó vì họ cho rằng bằng cao đẳng không danh giá cũng như kìm hãm tiềm năng phát triển của anh. Tuy nhiên, với anh Tú, hệ cao đẳng (CĐ) đem đến cho anh thuận lợi nhiều hơn hạn chế vì chương trình đào tạo của hệ này tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát thực tế từ sớm. Nhờ vậy, anh có cơ hội làm phục vụ tiệc cưới cho nhiều nhà hàng, khách sạn tại TP.Vũng Tàu từ những năm đầu.

Không chăm chăm vào trường ‘lớn’: Trúng tuyển đại học chọn cao đẳng, vì sao?  - ảnh 2

Tô Lê Tú cho rằng chỉ cần người lao động không tự tạo rào cản cho mình và cố gắng học hỏi thì vẫn dễ tìm được việc làm ổn định. NVCC

Với sự phấn đấu không ngừng, anh đã lên chức quản lý của một nhà hàng khi chỉ mới 20 tuổi. Đến giữa năm cuối CĐ, anh chuyển qua làm thực tập sinh trong một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Bà Rịa-Vũng tàu. Đến tháng 5.2020, anh đạt được danh hiệu “Nhân viên của tháng”. Đồng thời, tháng 9 vừa rồi, anh đã thăng chức lên vị trí "Supervisor" (người theo dõi, giám sát, điều phối hoạt động của nhân viên cấp dưới). “Nếu bản thân không nhanh nhẹn, siêng năng thì dù giỏi giang đến đâu đi nữa cũng sẽ rơi vào tình trạng trì trệ. Chỉ cần người lao động không tự tạo rào cản cho mình và cố gắng học hỏi thì vẫn dễ tìm được việc làm ổn định”, anh Tú chia sẻ. Anh cũng cho biết bản thân vẫn đang trau dồi tiếng Anh và tiếng Trung để có thể leo lên những nấc thang cao hơn trong công việc.

“30% là kiến thức, 70% còn lại nằm ở con người”

Từng theo học ngành Công nghệ thông tin (IT) hệ CĐ của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), anh Nguyễn Bảo Ngọc (29 tuổi) hiện là lập trình viên website cho một công ty công nghệ tại TP.HCM. Cộng thêm những dự án freelance (làm việc tự do) về mảng IT cũng như việc bán các phần mềm máy tính trên trang web cá nhân, thu nhập tối đa của anh lên đến 20 triệu đồng/tháng. Vì đặc thù ngành IT nặng tính chuyên môn, anh Ngọc thừa nhận việc sở hữu bằng cấp ĐH vẫn là lợi thế nên có thời điểm hơn 20 công ty đã từ chối đơn xin việc của anh. Dù tỷ lệ chọi trong tuyển dụng của ngành IT rất cao là vậy, anh Ngọc cũng cho rằng bằng cấp không phải là yếu tố duy nhất giúp người lao động có việc làm.

Không chăm chăm vào trường ‘lớn’: Trúng tuyển đại học chọn cao đẳng, vì sao?  - ảnh 3

Dù tỷ lệ chọi trong tuyển dụng của ngành IT rất cao là vậy, anh Ngọc cũng cho rằng bằng cấp không phải là yếu tố duy nhất giúp người lao động có việc làm. NVCC

Nghĩ vậy, anh đã sẵn sàng tham gia chương trình tình nguyện của một số tổ chức trong 2 năm để mài giũa những kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm. Cũng tại đây, anh có cơ hội sống chung với những người ngoại quốc. Nhờ đó, anh đã từng bước cải thiện vốn liếng tiếng Anh của mình. Đồng thời, mỗi tối, anh còn tự học tất cả những kiến thức về IT để nâng cao chuyên môn.

Qua công việc của mình, anh Ngọc khẳng định: "30% thành công của một người nằm ở kiến thức, 70% còn lại tùy thuộc vào sự cầu tiến của người đó".

 

Doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động trình độ CĐ

Theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hàng năm nhu cầu nhân lực của bậc CĐ tại TP.HCM chiếm khoảng trên dưới 20% tổng nhu cầu nhân lực các trình độ. Chẳng hạn năm 2022, tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 86,28%, trong đó CĐ chiếm 18,59%, ĐH 20,74%, trung cấp 24,43% và sơ cấp chiếm 22,52%. Trước đó, năm 2021 trình độ CĐ chiếm 21,27%.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2022, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM ước tính có khoảng 77.000 chỗ làm việc cần lao động.Theo khảo sát của trung tâm này, nhu cầu trình độ CĐ chiếm 24% trong khi ĐH trở lên 16%, trung cấp 28% và sơ cấp 14%.

Theo tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp về kỹ thuật cần tuyển lực lượng lao động trình độ CĐ rất lớn, hàng năm nhà tuyển dụng "đặt hàng" sinh viên tốt nghiệp CĐ nhưng không phải ngành nào cũng đủ sinh viên để cung cấp.

Mỹ Quyên

Chọn cái phù hợp nhất với mình để theo học

Năm 2021, Liễu Trúc Vy (21 tuổi) quyết định thi vào chuyên ngành Thanh nhạc của Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM sau 1,5 năm học tại Trường ĐH Tài chính – Marketing.

“Vốn ấp ủ đam mê với âm nhạc từ lâu, ban đầu tôi dự tính thi lại vào Nhạc viện TP.HCM. Tuy vậy, ở Nhạc viện, mất 8 năm mới có tấm bằng ĐH. Trong khi đó, chọn CĐ, sau 3 năm là có thể sở hữu tấm bằng và nếu muốn, tôi vẫn có thể học liên thông lên ĐH”, Vy nói về lý do chọn học hệ CĐ. Cô giải thích thêm: “Nhạc viện TP.HCM mạnh về nhạc cổ điển, CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM chuyên về nhạc nhẹ. Vì vậy tôi đã chọn cái phù hợp nhất với mình để theo học".

Không chăm chăm vào trường ‘lớn’: Trúng tuyển đại học chọn cao đẳng, vì sao?  - ảnh 4

Theo Trúc Vy, mỗi người cần phải tự tạo cơ hội cho mình. NVCC

Ngoài ra, cho rằng mỗi người cần phải tự tạo cơ hội cho mình, từ THPT, Vy đã góp mặt tại nhiều cuộc thi âm nhạc cũng như tích cực đi diễn ở các phòng trà, nhà hàng, khách sạn. Mới đây, cô còn giành được “tấm vé” tham gia một chương trình âm nhạc trên kênh HTV7. “Với tôi, nếu nỗ lực học hỏi thì bất cứ ai cũng có cơ hội bay xa”, Vy quan niệm.

Tay nghề cao và thái độ cầu thị: 2 yếu tố cốt lõi

Cô Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, nhận định 2 yếu tố cốt lõi ngày nay nhà tuyển dụng quan tâm ở ứng viên chính là tay nghề cao và có thái độ cầu thị.

“Ứng viên có thể không thuộc loại giỏi nhưng nếu người đó chăm chỉ và có đầy đủ các kỹ năng mềm thì doanh nghiệp vẫn sẵn sàng nhận. Họ vẫn có thể hoàn thành tốt công việc và đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty”, cô Thu cho biết. Theo cô Thu, nước ta hiện đang thiếu nhân lực vì tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” nên thị trường lao động cần tuyển dụng nhiều ứng viên rành rẽ kỹ năng – nghiệp vụ để cân bằng lại cơ cấu lao động. “Bên cạnh đó, tỷ lệ người tốt nghiệp ĐH nhảy việc rất cao nên một số doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng người có trình độ CĐ”, cô Thu nói.

Theo Hiếu Kha/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)