Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khống chế ổ dịch bệnh bạch hầu

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, tại 2 xã thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã xuất hiện dịch bệnh làm 3 bệnh nhân (BN) tử vong kèm theo hàng chục người mắc bệnh. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác định  là căn bệnh bạch hầu cần được nhanh chóng dập tắt vì rất dễ lây lan trong cộng đồng.

Gia đình đưa trẻ đến điều trị bệnh bạch hầu tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: P.N.Q

Đó là các BN đang sống ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi và ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú của huyện Đồng Phú. Do không phát triển theo mùa nên bệnh bạch hầu đã bất ngờ tạo thành ổ dịch mọi nơi mọi lúc và gây ra những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe con người.

Ủ bệnh nhanh, lây nhiễm rộng

Điều đáng lo ngại là cả 3 đều tử vong chỉ sau khi nhập viện có vài ngày. Hầu hết còn trẻ trong đó có BN chỉ mới 12 tuổi. Người dân thực sự hoang mang vì số người mắc bệnh bạch hầu tăng nhanh trên một vùng địa phương chỉ hơn một tuần lễ. Cũng theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Phước, hiện còn gần 40 ca đang phải nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh cần được theo dõi và chữa trị. GS.TS.BS Nguyễn Thanh Bảo – Khoa Vi sinh (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cho biết, bạch hầu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus bạch hầu gây ra. Lịch sử y học đã ghi lại nhiều thế kỷ qua căn bệnh này đã gây ra cái chết hàng loạt cho con người tạo nên những đại dịch khủng khiếp do lây lan rộng. Virus bạch hầu xâm lấn tập trung chủ yếu ở mũi, họng, thanh quản, da và có khi cả tai mắt và bộ phận sinh dục nữ. Thời kỳ ủ bệnh ngắn chỉ trong vòng từ 2 đến 5 ngày nên rất khó phát hiện trong lúc đó mức độ lây nhiễm lại nhanh. Theo BS Bảo, bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm nhất là người có khả năng miễn dịch thấp. Do không còn kháng thể từ mẹ truyền sang ở trẻ em dưới 10 tuổi nên tỷ lệ các bệnh nhi mắc căn bệnh này cũng cao hơn người lớn. Đây cũng là điều thực sự đáng lo ngại và các gia đình cần chú ý hơn. Do chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bị lây nhiễm nên bệnh bạch hầu xuất hiện tùy hứng không có chu kỳ xoay vòng theo mùa như các căn bệnh khác. Đường lây nhiễm của căn bệnh này cũng rất đơn giản, chỉ cần hứng nước bọt từ người khác hắt hơi, xì mũi là người đối diện sẽ bị “dính chưởng”. Vi khuẩn bạch hầu còn có cơ hội “nối vòng tay lớn” qua những vết xước vết thương hở miệng ở trên da. BS Quách Ái Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Phước cho hay, hầu hết các BN đều có triệu chứng viêm họng, nhìn vào sâu trong miệng thấy có lớp màng giả vòm họng kèm với nóng sốt, mệt mỏi. Màng này có thể lấp đầy đường hô hấp gây BN ngạt thở nếu không điều trị kịp thời. Không chỉ gây viêm họng, thanh quản các độc tố của vi khuẩn bạch hầu còn tấn công vào các “cơ quan đầu não” của cơ thể gây viêm tim, viêm thận. Khi “nhảy” sang hệ thần kinh, vi khuẩn còn làm tê tay, liệt chân, mắt lé, miệng khó nói. Đối với trẻ em, bệnh bạch hầu gây ra nhiều biến chứng và tạo ra cái chết bất ngờ hơn so với người lớn.

Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Phú – nơi có 3 người tử vong và 37 người đang được điều trị bệnh bạch hầu. Ảnh: T.L

Dưới sự chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng hiện nay Viện Pasteur TP.HCM đang tích cực phối hợp đồng bộ với tỉnh Bình Phước và Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM kiểm soát chặt chẽ căn bệnh bạch hầu đang còn diễn biến tại huyện Đồng Phú. Yêu cầu ngành y tế tỉnh kịp thời cách ly và chuyển các ca bệnh nặng đến bệnh viện, những người xung quanh đã tiếp xúc với BN cần uống thuốc dự phòng và cách ly trong thời gian 7 ngày để tránh lây lan. Cùng với biện pháp tuyên truyền kịp thời chắc chắn địa phương sẽ hạn chế tối đa căn bệnh này trong thời gian sớm nhất – PGS.TS Phan Trọng Luân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết. 

Khi thăm khám BN nếu có nghi ngờ thầy thuốc sẽ tiến hành xét nghiệm, cấy và định danh vi khuẩn. Nếu lâm sàng nghi ngờ bạch hầu thì phải nhanh chóng điều trị ngay chứ không cần đợi kết quả cận lâm sàng. Căn bệnh bạch hầu được điều trị bằng kháng độc tố, kháng sinh và điều trị dự phòng.

Tiêm chủng vaccine bạch hầu

Tuy nhiên, phòng bệnh vẫn là công tác quan trọng mà phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm ngừa trong các đợt tiêm chủng quốc gia. Vaccine bạch hầu cũng có thể gây ra phản ứng phụ như đau nhức, sưng nề nơi tiêm (phản ứng tại chỗ) sốt nhẹ, nổi mề đay, sốc phản vệ (phản ứng toàn thân). Lịch tiêm chủng trẻ thông thường có 4 mũi từ 2 đến 18 tháng tuổi và mỗi mũi cách nhau ít nhất 4 tuần. Mũi cuối cùng không nên tiêm dưới 12 tháng tuổi và cách mũi thứ 3 ít nhất 6 tháng.

Khi trẻ em nhiễm bệnh cha mẹ cần chú ý thực hiện các biện pháp ngừa biến chứng do độc tố của vi khuẩn gây ra. Nếu người nhà bị viêm họng hoặc có các triệu chứng của bệnh bạch hầu thì phải đi khám sớm, tránh kéo dài hy vọng bệnh tự nhiên sẽ hết. Đặc biệt phát hiện ra lớp màng giả màu trắng trên vòm họng có nghi ngờ bạch hầu thì BS có chỉ định tiêm ngừa kháng độc tố để ngăn chặn biến chứng có thể xảy ra sau đó.

Ngoài yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cho ngành y tế tỉnh Bình Phước, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng yêu cầu ngành y tế địa phương phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur TP.HCM tổ chức tiêm vaccine tại nơi đang xảy ra ổ dịch. Đồng thời phát hiện, cách ly và điều trị tốt BN nhằm hạn chế đến mức tối đa trường hợp mắc bệnh, biến chứng và tử vong. Rà soát và mở rộng đối tượng tiêm chủng vaccine chống ở những vùng lân cận trong toàn tỉnh để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)