Trong bối cảnh số lượng bệnh nhân Covid-19 và số F1 lớn, một số chuyên gia cho rằng việc TP.HCM cách ly F1 tại nhà là hết sức đúng đắn, là việc cần phải làm để giảm tải cho ngành y tế. Cùng với đó cũng nên xem xét thực hiện cách ly F0 nhẹ hoặc không có triệu chứng tại nhà hoặc nơi đủ điều kiện ngoài BV.
Cách ly F1 tại nhà không chỉ giảm áp lực cho lực lượng chống dịch mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm chéo
Cách ly F1 tại nhà không còn sớm
Một số chuyên gia nhận định, ngành y tế TP.HCM đang “mất sức”, cần có sự chia sẻ từ chính quyền và người dân. Chia sẻ ở đây chính là tổ chức cách ly F1 tại nhà với sự hợp tác tích cực của người dân…
BS Trương Hữu Khanh – cố vấn Chuyên khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng – cho rằng, cách ly F1 tại nhà là phương án tốt nhất cần phải làm ngay, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Thậm chí các tỉnh thành, nơi có mật độ dân số đông cũng nên tính đến kế hoạch áp dụng phương án này từ sớm vì không biết dịch sẽ lây đến bất cứ lúc nào. TP.HCM đến nay ghi nhận cả chục ngàn ca nhiễm SARS-CoV-2, tính ra số lượng F1 có thể gấp 10 đến 15 lần F0. Nếu đưa tất cả vào khu cách ly tập trung sẽ gây quá tải và lây nhiễm chéo…
Về nguyên tắc, khi tổ chức cách ly F1 tại nhà đòi hỏi các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, yêu cầu đối với người cách ly y tế, người ở cùng nhà, cán bộ y tế và đơn vị liên quan thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là để cách ly F1 hiệu quả thì phải bố trí một cách hợp lý nhằm ngăn chặn việc lây nhiễm ra cộng đồng, lây sang chính người trong nhà và không làm quá tải y tế địa phương. “Nếu cả gia đình là F1 thì bố trí cách ly tất cả tại nhà để tránh lãng phí ngôi nhà bỏ không. Nhưng trường hợp trong gia đình có 1 F1 thì phải tính toán tách F1 ra khỏi người lớn tuổi, người có bệnh nền, đảm bảo giữ khoảng cách đúng quy định. Gồm có ăn uống, ngủ nghỉ riêng, thậm chí đi vệ sinh riêng và rác thải sinh hoạt, y tế cũng phải xử lý đúng cách. Quá trình tiếp tế nhu yếu phẩm phải giữ khoảng cách ít nhất 2m, giữa F1 và người tiếp tế khi tiếp xúc trực tiếp phải đeo khẩu trang. Muốn hiệu quả hơn, có thể giao thêm nhiệm vụ cho hàng xóm “để mắt” tới F1 để tránh ra ngoài. Về lâu dài cần thiết kế thiết bị công nghệ đeo tay theo dõi sức khỏe và quá trình đi lại của F1”, BS Khanh góp ý.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, thứ 7, thứ 14, thứ 20 và thứ 28 kể từ khi bắt đầu cách ly. Hoặc ít nhất 2 lần vào thời điểm ngày thứ 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly đối với F1 đã cách ly tập trung đủ 14 ngày có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính trước khi chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về nhà. BS Khanh cho rằng, yêu cầu này không hợp lý. Bởi cách ly F1 tại nhà cũng phải giảm tải cho cả nhân viên y tế, nhưng ngày nào đội ngũ này cũng phải đến từng nhà khám, xét nghiệm cho F1 thì sẽ không làm nổi, chưa kể tốn kém khác. Về nguyên tắc, khi có triệu chứng liên quan thì mới xét nghiệm, không có thì thôi. Tại nhà, F1 cũng có thể tự theo dõi sức khỏe, nên hướng dẫn cho F1 có triệu chứng thì báo cơ quan y tế tới xét nghiệm. Thậm chí có thể hướng dẫn, giao cho F1 tự làm test nhanh. “Chỉ cần cuối đợt nhân viên y tế xét nghiệm PCR cho F1 là được, không cần thiết phải đến nhà F1 mỗi ngày”, BS Khanh nói.
Nên tính đến cách ly F0 nhẹ tại nhà
Các chuyên gia cho rằng cũng nên tính đến cách ly F0 nhẹ hoặc không có triệu chứng tại nhà, hoặc những nơi đủ điều kiện ngoài BV. Qua đó BV có thêm nhân lực, vật lực tập trung điều trị cho các ca bệnh Covid-19 nặng và các trường hợp bệnh nhân khác.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 80% người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Những trường hợp này thường không cần can thiệp y tế mà chỉ cần theo dõi diễn biến sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tất cả người dương tính SARS-CoV-2 đều chuyển đến BV. Trong khi đó, hiện nay việc theo dõi điều trị F0 đang phải huy động nhiều nhân lực, vật lực. Phòng bệnh, giường bệnh phải được thiết kế riêng, đạt chuẩn cách ly; nhân viên y tế chăm sóc người dương tính SARS-CoV-2 cũng phải đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, thiết bị bảo hộ. Chưa kể cơ sở y tế điều trị F0 phải hỗ trợ ăn uống, vận chuyển nhu yếu phẩm từ gia đình người bệnh…
Theo BS Phan Xuân Trung – Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM, cách ly F0 tại nhà là mô hình một số nước trên thế giới như Mỹ đã làm ngay từ đầu. Tại Việt Nam, đến lúc này cần cân nhắc cách ly F0 tại nhà là phù hợp với thực tế và để BV tập trung vào các ca bệnh nặng.
“Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó đảm bảo việc cách ly với số lượng lớn như hiện nay cũng như không thể làm cho xã hội sạch virus, bắt buộc xã hội phải chấp nhận sống chung với virus và xóa bỏ mục tiêu truy đến cùng để tiêu diệt hoàn toàn virus”, BS Trung nhận định.
Đồng quan điểm, BS Khanh cũng cho rằng, cách ly F0 tại nhà là tất yếu và nên cân nhắc trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng như F1, điều kiện cách ly tại nhà cần được quy định rõ ràng. Người dương tính với SARS-CoV-2 có sức khỏe tốt, không mắc bệnh nền nguy hiểm, đặc biệt gia đình F0 không có người cao tuổi, người có nguy cơ cao mắc bệnh. Người bệnh phải có hiểu biết về các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus và đồng ý cam kết thực hiện nghiêm cách ly, tuyệt đối không ra khỏi nhà trong suốt thời gian cách ly.
Bên cạnh đó, điều kiện cách ly tại nhà phải đảm bảo có phòng cách ly riêng, khép kín, đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Người bệnh phải có phương tiện giám sát để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và có lực lượng theo dõi sức khỏe, giám sát hàng ngày… Chú ý khi F0 có biểu hiện bệnh nặng, bất thường về huyết áp, nhịp tim thì cần báo ngay cán bộ y tế. Đội xe cấp cứu vận chuyển F0 đến cơ sở y tế điều trị cần được xây dựng sẵn sàng.
Minh Quân
Bình luận (0)