Ngày 20-1, cái tên Cảng Sài Gòn sẽ kết thúc 34 năm tồn tại để thay bằng CLB TPHCM. Hai cầu thủ trẻ từ lò Thành Long là Đức Tài, Đức Thiện khoác áo Bình Dương. Đêm tôn vinh bóng đá Việt Nam đoạt AFF Cup không có một cầu thủ nào của làng cầu Sài Gòn… Xâu chuỗi những sự kiện ấy, thấy gì?
Sau sự biến mất của cái tên CSG hay Thép-Cảng là cả một nỗi buồn về sự sa sút của bóng đá TPHCM. |
Trước hết là thấy TIỀN. Thì đấy, cái bắt tay của Kinh Đô và VinaCapital đem đến cho bóng đá TPHCM mỗi năm cả chục tỷ đồng. Việc cái cúp bóng đá do sân Thống Nhất đăng cai được sự hỗ trợ của 2 thương hiệu lớn trên cho thấy: vấn đề tài chính đã không còn gây khó cho những nhà tổ chức.
Thực ra, khi ông Lê Hùng Dũng được bầu làm chủ tịch HFF, xem như chuyện tiền đã là chuyện… nhỏ. Cỡ như Cúp bóng quốc tế TPHCM, nếu không có nhà tài trợ thì đã có công ty SJC do ông Dũng làm chủ tịch đứng ra “chống lưng”. Nhiệm vụ gian truân và nhiều khi là “bất khả thi” nhất ở bất kỳ liên đoàn thể thao nào đã được giải quyết gọn ghẽ, ngon lành!
Trong khi đó, nền bóng đá phong trào của Sài Gòn quá tốt. Nội chuyện CLB doanh nhân 2030 tạo nên một kỷ lục về số lượng đội tham gia ở giải thường niên của họ đã đủ thấy, nếu biết cách “hô” sẽ có người hưởng ứng. Trong khi đó, sân bóng đá trải cỏ nhân tạo xuất hiện như nấm, không thiếu chỗ để đá bóng giải trí mỗi ngày.
Tiền đã có, phong trào thì vẫn phát triển đều đặn, vậy còn thiếu gì để thúc đẩy bóng đá đỉnh cao?
Nói đến đây, xin trở lại một chút với việc đổi tên của đội bóng Thép-Cảng (cái chuyện lấy đi nước mắt của bao nhiêu fan của Cảng Sài Gòn cuối cùng cũng đành phải chấp nhận, vì những người muốn làm điều đó lại có quyền để… làm điều đó). Cần phải nhắc rằng, cái tên CLB bóng đá TPHCM ra đời từ nhiệm kỳ trước của HFF. Đấy là ý tưởng được xây dựng bởi tâm huyết của bầu Hưng, sự hứng khởi của cựu chủ tịch Tư Tạo, và một đội bóng được xem như là “đại diện chính thức” của bóng đá TPHCM được sinh ra từ cái nền của đội Bưu Điện.
Lúc khởi đầu, dù thuộc quyền sở hữu của bầu Hưng, nhưng đã có “thỏa ước” rất rõ là phía HFF cũng là bên đồng sở hữu. Hồi đó, ông Tư Tạo hứa cố gắng vận động để có 3 tỷ đồng bổ sung cho bầu Hưng mỗi năm. Kết cục của đội bóng ấy ra sao? Chắc mọi người đã biết nhất là khi cả ông Tư Tạo lẫn bầu Hưng đều mệt mỏi với những nỗ lực cá nhân của mình mà thiếu sự hỗ trợ, chủ yếu là TIỀN.
Nói rõ ngọn nguồn như vậy để tìm ra câu trả lời cho chuyện: tại sao Thép-Cảng đổi tên ngon ơ sang CLB TPHCM? Về lý thì chẳng có gì sai vì Thép-Cảng “mua” lại tên từ bầu Hưng, tuy nhiên, vẫn có cái gì đó không ổn. Bởi các tên CLB bóng đá TPHCM ra đời chỉ vì hồi Thép Miền Nam tiếp nhận Cảng Sài Gòn, không ai chịu “hy sinh” tên Thép hoặc tên Cảng. Tự nhiên giờ đây, cái tên TPHCM lại được tiếp nhận như thể giải quyết sự bất đồng giữa Thép và Cảng (cái lạ là người ta cứ phải chuyển sang tên TPHCM chứ chẳng nghĩ ra cái tên nào khác).
Hồi trước, Thép-Cảng bị HFF cho “nằm ngoài kế hoạch phát triển” vì cảm giác bị phía đội bóng… xem thường. Còn bây giờ, bỗng dưng được xem như là đội bóng của TPHCM mà chẳng thấy HFF nói tiếng nào.
Một CLB được sinh ra hết sức tâm huyết giờ chẳng còn chút giá trị nào, đơn thuần chỉ là một cái tên được nhường qua, đá lại. Ngộ!
Ngày 20-1, cái tên Cảng Sài Gòn sẽ kết thúc 34 năm tồn tại để thay bằng CLB TPHCM.
Hai cầu thủ trẻ từ lò Thành Long là Đức Tài, Đức Thiện khoác áo Bình Dương.
Đêm tôn vinh bóng đá Việt Nam đoạt AFF Cup 2008 không có lấy một cầu thủ nào của làng cầu Sài Gòn…
Xâu chuỗi những sự kiện ấy, thấy gì?
Thấy là, cái nơi được xem là “làng cầu Sài Gòn” giờ chẳng còn gì. Chỉ mới cách đây 4 năm thôi, làng cầu lừng lẫy ấy có đến 5-6 cái tên đá từ V-League đến hạng nhì. Giờ thì mỗi năm vẫn có đến 2 giải đấu cấp quốc gia, có giải phong trào được ghi nhận kỷ lục, nhưng chỉ còn đúng 1 CLB chính qui, trong khi những cầu thủ tốt nhất do trung tâm Thành Long đào tạo thì người lên Bình Dương, kẻ xuống Long An, người đi ra tận Hải Phòng. Số ở lại hình như đều bị xem là có chất lượng… kém. Nói ra thì nhiều người sẽ cảm thấy phật lòng, chứ cứ xem thành phần đội tuyển dự AFF Cup thì đủ hiểu bóng đá Sài Gòn đã đóng góp được gì?
Nên từ chuyện Thép-Cảng đổi tên bỗng nhớ rằng: loay loay 3-4 năm nay, bóng đá Sài Gòn đi đúng một vòng tròn mà vẫn chưa thấy đường ra cho bóng đá đỉnh cao là ở chỗ nào!
Thấm thía câu hỏi ấy nhất có lẽ là cựu chủ tịch Trần Văn Tạo, người mà có lẽ lúc này cũng đang tìm câu trả lời cho điều ấy!
Việt Tâm (theo SGGP)
Bình luận (0)