Để nhà trường ổn định và phát triển bền vững, người hiệu trưởng phải hết sức khéo léo trong việc giải quyết các tình huống (ảnh minh họa). Ảnh: H.Triều
|
Hiệu trưởng trường tôi đang công tác là một người trẻ, năng động và rất khéo léo. Do vậy, rất nhiều tình huống, mâu thuẫn xảy ra trong nhà trường thường thầy xử lý một cách ổn thỏa, có tình, có lý nên tạo được một tập thể đoàn kết, thống nhất và đưa trường từ một trường có nhiều hạn chế về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy ngày một đi lên…
Tình huống
Trong nhà trường, thông thường các tổ bộ môn là nơi xảy ra nhiều mâu thuẫn, ảnh hưởng đến sự mất đoàn kết nội bộ, chất lượng giảng dạy… Tôi lấy một sự việc điển hình mà chính bản thân tôi đã lâm vào tình huống khó xử phải nhờ đến hiệu trưởng:
Tôi là tổ trưởng tổ sử – giáo dục công dân (tổ ghép), chuyên môn chính của tôi dạy giáo dục công dân. Là tổ trưởng của một tổ ghép nên tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý như việc tổ chức hội họp, sinh hoạt chuyên môn, phân công giảng dạy… Tổ có 7 thành viên nên chưa thể phân công một tổ phó (có phụ cấp chức vụ). Vì vậy, chỉ có thể chọn một giáo viên có nhiều kinh nghiệm nhất trong giảng dạy để làm nhóm trưởng của nhóm giáo viên dạy môn sử. Tuy nhiên, vì là nhóm trưởng không có tiền phụ cấp chức vụ nên người nhóm trưởng này thường không muốn tham gia hỗ trợ tổ trưởng một cách nhiệt tình. Có lần tôi nhờ duyệt đề kiểm tra chuyên môn sử thì giáo viên này đã không làm và có thái độ không vui, không hợp tác và cho rằng công việc đó là trách nhiệm của tổ trưởng – tổ trưởng là người chịu trách nhiệm chính và là người có phụ cấp chức vụ…
Đứng trước tình huống này tôi đã lúng túng trong giải quyết, cố giải thích cho giáo viên đó hiểu nhưng hình như không có kết quả. Thực chất, công việc điều hành mọi việc trong tổ, kể cả công việc khác chuyên môn tôi đều không ngại. Tuy nhiên, tôi không muốn đi sâu vào chuyên môn của họ.
Cách giải quyết của hiệu trưởng
Để tháo gỡ vướng mắc này tôi đã nhờ đến hiệu trưởng xử lý. Theo đó, hiệu trưởng đã trao đổi riêng với từng người. Về phía tôi, thầy đã khéo léo nhắc nhở tôi cần tự tin hơn, khéo hơn trong việc xử lý công việc. Làm sao khơi được tinh thần trách nhiệm của tổ viên trong việc thực hiện chuyên môn chính của mình, tạo được không khí đoàn kết trong tổ và đặc biệt thấy được sự hỗ trợ của họ là cần thiết để giúp công tác quản lý của tổ trưởng đạt hiệu quả hơn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Về phía nhóm trưởng chuyên môn sử, thầy đã chỉ ra được việc hỗ trợ cho tổ trưởng làm tốt nhiệm vụ chung là cần thiết như thế nào? Chuyên môn chính phải được nhóm trưởng theo sát hơn, như là thống nhất chương trình giảng dạy, duyệt đề kiểm tra, phân công chuyên môn… Việc làm này mặc dù không được hưởng phụ cấp nhưng đó là công việc chung và cần thiết để hoạt động chuyên môn của tổ được hiệu quả hơn. Thầy đã khích lệ nhóm trưởng bằng việc hứa hẹn sau này khi có điều kiện thành lập tổ riêng lãnh đạo trường sẽ giao nhiệm vụ cho nhóm trưởng làm tổ trưởng và khi đó nhóm trưởng cũng sẽ thạo việc và có nhiều uy tín…
Có lẽ nhờ phân tích của hiệu trưởng mà cả hai đều nhận ra rằng trách nhiệm của mỗi người là cần thiết để hỗ trợ lẫn nhau để đưa hoạt động tổ chuyên môn đạt hiệu quả, đặc biệt thấy rằng đoàn kết là sức mạnh đem lại hiệu quả công việc.
Phân tích
Trong tình huống trên, hiệu trưởng đã áp dụng học thuyết theo trường phái hành vi như học thuyết của bà Mary Parker Follett: Nhà quản lý giải quyết vấn đề bằng sự uyển chuyển, năng động không quá nguyên tắc cứng nhắc, quan tâm, chú ý đến vấn đề tâm lý trong quản lý… Bên cạnh đó, hiệu trưởng cũng áp dụng thuyết Y tác động vào tâm lý của giáo viên như: Cho họ thấy rằng họ rất có ích và quan trọng, họ có vai trò nhất định trong một tập thể, khơi dậy trách nhiệm và tự nguyện chia sẻ công việc vì lợi ích chung, từ đó họ khẳng định mình. Ngoài ra, hiệu trưởng thấy rằng mệnh lệnh và đe dọa không phải là biện pháp duy nhất thúc đẩy con người thực hiện mục tiêu của tổ chức. Hiệu trưởng cũng thấy được con người cần sự quan tâm, kính trọng, muốn có vai trò trong sự nghiệp chung, muốn làm việc trong bầu không khí thân thiện… điều đó có ảnh hưởng lớn đến năng suất và thành quả lao động của con người (thuyết của Elton. W. Mayor).
Có được các tổ chuyên môn hoạt động tích cực, đoàn kết, làm việc hiệu quả là điều mong muốn của tất cả hiệu trưởng.
Phạm Quang Đài Trang – Nghiêm Ý
Quản lý là một nghề hết sức năng động và phức tạp đòi hỏi người quản lý phải có nhiều kỹ năng. Đặc biệt là kỹ năng giải quyết tình huống quản lý trên cơ sở vận dụng những tri thức, những kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với những điều kiện cho phép. |
Bình luận (0)