Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Không chủ quan với dịch cúm gia cầm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gia cầm sống, không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan ở quận Gò Vấp. Ảnh: C.V
Tính đến thời điểm hiện nay, dịch cúm gia cầm H5N1 đã bùng phát ở gần 30 tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam khiến hàng ngàn con gia cầm bị tiêu hủy, cũng như gây nhiều ca tử vong ở người. Bên cạnh đó, dịch cúm H7N9 cũng đang hoành hành ở một số tỉnh của Trung Quốc, có nguy cơ lan sang biên giới Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn có tâm lý “thờ ơ, chủ quan” với dịch.
Giảm giá là mua
Gia cầm sống và trứng gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan ngoài chợ. Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM, giá thịt gia cầm đã giảm ở mức đáng kể. Thịt gà ta làm sẵn có giá 80 ngàn đồng/kg, thịt gà công nghiệp làm sẵn có giá 45 ngàn đồng/kg. Gà sống nguyên con giá chỉ 70 ngàn đồng/con/2kg. Trứng gà công nghiệp cũng cùng chung cảnh ngộ với giá 20 ngàn đồng/ chục, giảm từ 2-5 ngàn đồng. Còn trứng chim cút được bán sỉ với mức 30 ngàn đồng/100 quả.
Theo các tiểu thương thì giá thịt gà giảm vì mức mua vào giảm, mức thu mua tại trại, chỉ có giá 25-30 ngàn đồng/kg “hàng tồn còn rất nhiều nên cũng hạn chế mua. Chỉ mua cầm chừng” – chị Nguyễn Thị Huệ, một tiểu thương ở chợ An Đông, TP.HCM cho biết.
Chính vì giá gia cầm giảm nên trái với tâm lý e ngại, lo sợ trước dịch cúm, một số tiểu thương bán thịt gà làm sẵn, đặc biệt tại những khu dân cư lao động tập trung nhiều cho biết, lượng bán thịt vẫn như ngày thường, thậm chí còn bán được mạnh hơn. “Thông thường, chỉ bán được chục con mỗi ngày, thường là bán cho một số quán ăn. Nhưng giờ thì bán gấp rưỡi số đó, công nhân mua về nấu lẩu, toàn mua nguyên con thôi. Giá giảm nên bán cũng dễ hơn” – chị Trần Thị Bảy – tiểu thương chợ tạm gần Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM cho biết.
Tại khu vực chợ tạm trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú, TP.HCM), gia cầm sống vẫn được bày bán tràn lan và giết mổ ngay tại chợ, bốc mùi tanh hôi nhưng chỉ được rửa qua loa. Thịt gia cầm sống để trong tủ lạnh có mùi nhưng vẫn được bày bán với giá rẻ. Lòng mề không được che đậy, để bày dưới nắng bán với giá chỉ vài ngàn/ bộ lòng gà. Khi được hỏi, chị Hoàng Quỳnh Trang, công nhân một xưởng may ngay trong chợ chia sẻ: “Lương công nhân ba cọc ba đồng, giờ chỉ có ăn thịt gà là rẻ nhất mà cũng bổ nữa. Biết là dịch cúm nhưng mà cũng không lo, người ta ăn được, mình cũng ăn được”.
Tại khu vực đường Bình Long, gà, vịt, chim được bày bán tràn lan và làm ngay tại mặt đường với giá rất rẻ. Người bán ở đây cho biết, gia cầm họ lấy từ miền Tây lên, đều là gia cầm khỏe nhưng vì chủ trại sợ dịch nên bán đi, vì vậy mới có giá rẻ thế này.
“Chỉ nên mua thịt gia cầm rõ nguồn gốc”
Đó là lời khuyến cáo của ông Huỳnh Tấn Phát – Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM. Rõ nguồn gốc ở đây tức là chỉ nên mua thịt, trứng gia cầm của những cơ sở kinh doanh có thương hiệu, uy tín, có được cấp phép kinh doanh và gia cầm đã qua kiểm dịch. Theo ông Phát thì người dân không nên ham rẻ mà mua thịt, trứng gia cầm trôi nổi. Nhưng cũng không vì tâm lý sợ dịch mà “tẩy chay” với gia cầm sạch.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM thì hiện nay thành phố còn khoảng 45 điểm kinh doanh gia cầm trái phép trên địa bàn 13 quận, huyện, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện ngoại thành, vùng ven có nhiều dân nhập cư và dân cư lao động. Bên cạnh việc gia cầm sống thường được vận chuyển trái phép vào thành phố qua các cửa ngõ như Thủ Đức, Bình Chánh…
Còn bộ phận người dân chủ quan nuôi gà đá ngay trong khu dân cư, thậm chí nuôi ngay trong nhà mình mà không được bảo vệ hoặc tiêm phòng cúm. “Người dân không nên chủ quan với cúm gia cầm. Vì tình hình diễn biến của dịch ngày càng phức tạp, mức độ lây lan của các tỉnh đang ngày càng tăng” – ông Phát khuyến cáo.
Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 chưa có dấu hiệu dừng lại, mỗi người dân nên tự bảo vệ mình, tránh xa gia cầm, những loại thực phẩm làm từ gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mới đây nhất, ca tử vong đầu tiên do nhiễm cúm A/H5N1 trong năm 2014 đã được ghi nhận. Nạn nhân là một người đàn ông 52 tuổi ở Bình Phước đã tử vong sau 1 tuần phát bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị.
Yến Hoa
Người dân không nên mua thuốc trôi nổi tiêm cho gia cầm
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H5N1, để nhanh chóng khống chế và dập tắt dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Theo đó, đề nghị các địa phương tổ chức quản lý tốt đàn gia cầm nuôi, đặc biệt lưu ý giám sát đàn vịt, cơ sở giống và ấp nở gia cầm; quản lý chặt đàn vịt chạy đồng, việc vận chuyển gia cầm sống, sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn, tại các chợ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc thú y phòng bệnh trên địa bàn, quản lý chặt người bán thuốc thú y và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Khuyến cáo người chăn nuôi mua thuốc thú y tại những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng, không mua thuốc không rõ nguồn gốc. Trước đó, qua kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch ở một tỉnh, thành cho thấy: Nhiều địa phương quản lý việc tiêm phòng đàn gia cầm chưa chặt chẽ; các hộ chăn nuôi khi có gia cầm bệnh, chết không khai báo chính quyền mà vứt xác gia cầm ra môi trường, tự mua thuốc không rõ nguồn gốc (thuốc được pha sẵn đựng trong các chai nước suối) về tiêm cho gia cầm; một số địa phương không lập chốt kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào ổ dịch, không có biển báo có dịch, không công bố xã có dịch…
K.Anh
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)