Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không chủ quan với dịch hạch

Tạp Chí Giáo Dục

Các phương tiện giao thông phải được kiểm tra và xử lý y tế trước khi nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế
Dịch bệnh Ebola chưa kịp lắng xuống thì loài người lại tiếp tục phải đối mặt với một dịch bệnh nguy hiểm khác. Cuối tháng 11 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo về dịch hạch xảy ra tại Madagascar với 119 trường hợp mắc. Ngoài ra, ở Trung Quốc, Mỹ cũng đã xuất hiện các ca bệnh.
Đây đang là thời điểm cuối năm, người và hàng hóa nhập cảnh vào nước ta tăng nhanh. Theo đó, khó tránh khỏi mầm bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Trước tình hình này, tuần qua, Bộ Y tế đã tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch hạch.
“Cái chết đen”
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: “Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tối nguy hiểm bởi diễn tiến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây nên và lưu hành trong quần thể động vật thuộc bộ gặm nhấm, chủ yếu là các loại chuột sống gần người và bọ chét ký sinh trên chúng, từ đó lây truyền sang các loại súc vật khác và sang người…”.
Lịch sử loài người đã ghi nhận 3 vụ đại dịch vào các thế kỷ thứ VI, XIV và XIX với hàng trăm triệu người tử vong, đặc biệt đại dịch lần thứ hai với tỷ lệ tử vong lên tới 70-80% đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1/3 dân số châu Âu. Bệnh dịch hạch được mệnh danh là “Cái chết đen” bởi người bệnh khi qua đời cơ thể thường trở nên đen sì. Từ 1954-2001, WHO ghi nhận có 38 quốc gia trên thế giới xảy ra bệnh dịch hạch gồm 89.651 trường hợp mắc và 7.715 bệnh nhân tử vong. Từ năm 2001 đến 2009, dịch hạch chỉ xảy ra rải rác ở một số nước như Công-gô, Trung Quốc, Peru…
Sau một thời gian dài lắng dịu, dịch hạch đã quay trở lại. Tháng 7-2014, tại Trung Quốc có 1 ca tử vong do bệnh dịch hạch. Tại Mỹ cũng ghi nhận 4 trường hợp, cả 4 người này đều tiếp xúc với chó có bệnh lý của bệnh dịch hạch. Từ tháng 8 đến nay, dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của 40 người dân Madagascar.
Tại Việt Nam, dịch hạch được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1898 tại Nha Trang do tàu thuyền từ Hồng Kông xâm nhập vào. Theo đó, có năm cả nước có tới gần 14.000 người mắc và gần 450 người tử vong.
“Kể từ năm 2003 đến nay, chưa phát hiện ca bệnh trên người ở Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam là nước đã từng lưu hành bệnh dịch hạch và sự lưu hành các loài chuột là khá phổ biến, đồng thời trong bối cảnh các hoạt động thương mại và du lịch toàn cầu hóa; chuột mang mầm bệnh có thể theo các phương tiện vận chuyển hàng hóa và du lịch như tàu biển, tàu hỏa, ô tô, máy bay… xâm nhập và lây bệnh cho các loài gặm nhấm và người, do đó bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam. Vì vậy, chúng ta không được lơ là và chủ quan mà cần tăng cường giám sát, ứng phó phòng tránh sự xâm nhập của bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long – nhấn mạnh.
Cấm chuột ngoại vào Việt Nam
Để chủ động phòng chống dịch hạch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan, cuối tuần qua Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, đề nghị bộ này chỉ đạo các đơn vị có phương tiện giao thông vận tải nhập cảnh (đặc biệt là vận tải đường biển đến từ các quốc gia có bệnh dịch hạch lưu hành) phải chủ động khai báo, thông báo cho đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế biết để thực hiện tốt việc kiểm tra và xử lý y tế các phương tiện này trước khi nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ động kiểm tra, phát hiện và tổ chức tiêu diệt chuột, bọ chét trên các phương tiện giao thông vận tải, đặc biệt là phương tiện vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ và tại các kho hàng, bến bãi để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh dịch hạch từ chuột, bọ chét sang người.
Bộ Y tế cũng có công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát chặt chẽ nhập khẩu động vật gặm nhấm (chủ yếu là chuột) qua biên giới. Đối với các sở y tế, chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch trên phương tiện vận tải hàng hóa tại các cửa khẩu quốc tế đi về từ vùng có dịch bệnh; chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát chủ động bệnh dịch hạch trên người và chuột, bọ chét tại các vùng giám sát trọng điểm và khu vực tập trung đông người, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao (khu vực cảng, sân bay, cửa khẩu, kho chứa lương thực, khu chăn nuôi, chợ)…
“Mỗi người, mỗi gia đình cần giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng không để chuột có nơi làm tổ. Thức ăn, thực phẩm ăn, nước uống phải được che, đậy an toàn, tránh để chuột tiếp xúc. Bên cạnh đó phải thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét, phá hủy nơi sinh sản của chuột; khi thấy nhiều chuột chết bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan chức năng. Đặc biệt khi có các biểu hiện nghi dịch hạch (sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, nổi hạch…) phải đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời…”, ông Phu – khuyến cáo.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Ông Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, Sở Y tế TP.HCM – cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đang triển khai các biện pháp để phòng ngừa bệnh dịch hạch. Cụ thể là tổ chức tập huấn về công tác giám sát, chẩn đoán và điều trị; tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm trường hợp mới mắc để điều trị kịp thời và tổ chức biện pháp can thiệp phòng chống lây lan. Bên cạnh đó là tổ chức diệt chuột trên toàn thành phố vào cuối năm như kế hoạch đã xây dựng. Nếu dịch xuất hiện, với cơ sở vật chất, con người và trang thiết bị chuyên môn hiện tại, TP.HCM đủ khả năng để khống chế, không cho dịch lây lan rộng và bùng phát”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)