Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Không có chính kiến khi chọn ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Phan Văn Hòa vui mừng trước những thông tin mới mà Ban tư vấn cung cấp

Trong suốt tuần qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã tư vấn cho gần 4.000 học sinh lớp 12 của 11 trường THPT ở Vĩnh Long. Các chuyên gia tư vấn cung cấp cho các em nhiều thông tin về kỳ thi THPT quốc gia, ngành đào tạo, cách thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển…

Chọn ngành theo quy trình… ngược

Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Hòa Nhã (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lược) nhìn nhận, hiện nay có rất nhiều học sinh lớp 12 vẫn chưa định hướng được ngành nghề, chưa chủ động trong vấn đề chọn ngành học, bậc học. Thầy cho biết: “Theo đánh giá của tôi, từ sau kỳ thi THPT quốc gia 2015, hầu hết học sinh tỉnh Vĩnh Long đang chọn ngành theo một quy trình… ngược, đó là chờ có kết quả thi mới chọn trường, rồi chọn ngành. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho chính các em và cho xã hội sau này”. Ở góc độ khác, thầy Nhã cho hay, hiện có rất nhiều học sinh tại Vĩnh Long và các tỉnh lân cận sau khi tốt nghiệp THPT đi làm công nhân tại Bình Dương, TP.HCM hoặc ở nhà sản xuất nông nghiệp mà không chọn trường nghề nào để học. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các em sau này. Ngược lại, một số em học rất tốt, thi đậu vào ĐH, CĐ nhưng ba mẹ lại không cho học vì sợ học xong không có việc làm. Tôi mong qua chương trình tư vấn với sự tương tác trực tiếp từ các chuyên gia sẽ làm thay đổi nhận thức của học sinh, giúp các em lựa chọn một con đường nghề nghiệp tươi sáng hơn.

Cô Nguyễn Thị Hằng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Thái Hiếu) đánh giá rất cao những thông tin mà chương trình mang lại

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hằng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Thái Hiếu) đánh giá, học sinh ở nông thôn thường rất ít khi chủ động tìm kiếm thông tin, chưa nhận thức đúng đắn được vấn đề chọn nghề, ngành học dẫn đến mắc phải một số sai lầm. Đa phần các em chọn theo số đông hoặc chọn theo định hướng của người khác chứ ít khi đi theo chính kiến để rồi sau đó mới nhận ra mình sai. Các chuyên gia tư vấn của chương trình đã đem lại cho học sinh những lời khuyên, sự định hướng tích cực để các em mạnh dạn lựa chọn con đường phù hợp cho bản thân mình.

Thí sinh không phải di chuyển nhiều

ThS. Nguyễn Trọng Thể (Trưởng phòng Hành chính Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết, theo dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2016 mới được Bộ GD-ĐT công bố, mỗi tỉnh/thành sẽ có ít nhất 1 cụm thi: Cụm thi dành cho thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp (thí sinh dự thi tại trường hoặc liên trường phổ thông tại tỉnh) do Sở GD-ĐT chủ trì và cụm thi dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ (sẽ có ít nhất thí sinh của 2 tỉnh tham dự) do trường ĐH chủ trì. Như vậy, những thí sinh tại tỉnh Vĩnh Long sẽ thi ngay tại địa phương mình, không phải di chuyển quá xa khi đi thi.

Kênh thông tin chính thống cung cấp thông tin chính xác nhất

Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, nhìn nhận: Dù thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2016 về cơ bản không khác so với năm rồi nhưng với những em học sinh chưa từng trải qua kỳ thi này thì mọi thông tin đều như mới hoàn toàn. Hiện nay học sinh dễ dàng cập nhật các thông tin chung về kỳ thi THPT quốc gia cũng như các vấn đề liên quan trên mạng, nhưng bên cạnh đó các em cũng có nhiều vấn đề thắc mắc mà không biết ngỏ cùng ai. Điều này dễ dẫn đến việc các em hiểu chưa đúng hoặc chưa cặn kẽ về kỳ thi, việc xét tuyển ĐH, CĐ… có thể làm mất đi nhiều cơ hội. Chính vì vậy, Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Tỉnh đoàn Vĩnh Long cùng các trường ĐH, CĐ với nhiều hệ đào tạo mang đến một kênh thông tin chính thống, cung cấp cho các em những thông tin cụ thể, chính xác nhất. Thông qua sự tương tác với chuyên gia, các em hiểu rõ tính chất của các ngành học đang được đào tạo tại các trường ĐH, CĐ, TCCN hiện nay để từ đó chọn cho mình một nghề phù hợp với năng lực, sở thích bản thân và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ông Thể cho biết thêm, một điểm khác cũng giúp cho thí sinh không phải mất nhiều thời gian và kinh phí di chuyển là việc nộp giấy xét tuyển nguyện vọng sẽ được thực hiện bằng phương thức trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện. Thí sinh cũng không được rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng đăng ký để tránh sự lộn xộn, hạn chế việc di chuyển của thí sinh và phụ huynh. Vì vậy, theo ông Thể, trước khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải suy nghĩ thật kỹ về quyết định của mình.

Nghề nào cũng cần được đào tạo

Tại nhiều điểm tư vấn ở Vĩnh Long, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) luôn nhấn mạnh về nhu cầu nhân lực trong thời kỳ hội nhập sắp tới. Nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn hội nhập và mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Với việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các em sẽ có cơ hội được dịch chuyển chỗ làm việc đến các nước trong khu vực, cũng như có cơ hội được làm việc ở nhiều công ty của các nước trong khu vực có trụ sở tại Việt Nam. Đó là chưa kể hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 nước cũng sẽ mở ra cho người Việt Nam nhiều cơ hội việc làm mới. “Có thể nói thời kỳ của các em là thời kỳ hội nhập về kinh tế, hội nhập về việc làm. Vấn đề quan trọng là các em phải biết rèn luyện thái độ tích cực, kỹ năng, tác phong công nghiệp và rèn luyện tay nghề ngay từ bây giờ. Trong thời kỳ hội nhập, bất cứ ngành nghề nào cũng cần được đào tạo và rèn luyện thường xuyên mới có thể cạnh tranh với lao động các nước khác. Hiện nay, quy chế xét tuyển vào các trường CĐ, CĐ nghề, TCCN, TC nghề đã dễ hơn trước, các em cần có sự chuẩn bị thật tốt trước khi bắt tay vào một công việc thực sự”, ông Tuấn cho biết.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Cô Cảnh chăm chú lắng nghe thông tin từ Ban tư vấn

Cô giáo luôn đồng hành cùng học sinh

Ngồi cùng hàng ghế học sinh, cô Nguyễn Thị Cảnh (giáo viên Trường THPT Tân Quới) không bỏ sót thông tin nào từ Ban tư vấn. Cô ghi chép cẩn thận các câu hỏi, thắc mắc của học sinh đến những lời giải đáp, lưu ý của chuyên gia. Cô Cảnh năm nay 52 tuổi, là giáo viên chủ nhiệm lớp 12/7 – lớp quậy nhất và có học lực yếu nhất trong khối 12. “Sở dĩ tôi ghi chép cẩn thận là để giải đáp cho học sinh khi cần thiết. Các em thường rất lơ là khi nghe thông tin, nhớ trước quên sau hoặc khi “nước đến chân mới nhảy” nên những thông tin ghi nhận từ chương trình này sẽ được tôi “bỏ túi” để sử dụng sau này”, cô Cảnh nói.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)