Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không có cơ hội để thay đổi nguyện vọng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm trở lại đây, Sở GD-ĐT TP.HCM có chủ trương không được thay đổi nguyện vọng (NV) sau khi có điểm chuẩn thi tuyển sinh lớp 10. Nhưng, không hiểu tại sao vẫn còn có số phụ huynh cố-chạy-cho-con-vào học một trường theo ý muốn của gia đình bằng những con đường… bất hợp pháp. 
Sau khi các trường công bố điểm thi tuyển sinh vào lớp 10, gia đình anh Trần Văn K. – cán bộ công ty xây dựng thủy lợi thật sự thất vọng vì biết cậu con trai út thiếu mất 2 điểm nên rớt NV1 vào Trường THPT Lương Thế Vinh (trường này lấy 31,25 điểm). Không khí gia đình càng nặng nề hơn khi với số điểm đó con anh cũng không “lọt vào cửa” NV2 vào Trường THPT Marie Curie (lấy 30,25 điểm) và cả NV3 là Trường THPT Nguyễn Trãi (lấy 30 điểm). Mặc dù có tham khảo điểm thi vào các trường của năm học trước nhưng do quá tin tưởng vào sức học của con, và đặc biệt là anh lại muốn cho con vào học tại một trường nằm trong trung tâm của TP, mặc dù nhà ở Q.4 nên mới ra cơ sự này.
Tương tự, biết con mình học Trường THCS Lê Lợi (Q.3) chỉ thuộc loại trung bình khá nên anh Ngô Quốc H. ngụ phường 26 (Q.Bình Thạnh) tư vấn cho con ghi tên Trường THPT Thanh Đa vào NV1. Thế nhưng, chị T. – vợ anh H. lại khuyên con nên “chấm” Trường THPT Nguyễn Thị Diệu vì gần nhà và hy vọng sức học của con mình chắc không quá tệ. Thế nhưng, với tổng số điểm thi chỉ đạt 24, con anh H. đã mất cơ hội vào ngôi trường mà mẹ đã “ép duyên”. Đáng buồn hơn là ở hai NV2 và NV3, số điểm trên của con anh H. cũng không đủ để vào học một trường công lập nào. Vì lẽ đó, những ngày này không khí gia đình anh H. luôn nặng… như chì, con thì bỏ ăn, còn vợ chồng thì trách móc nhau một cách vô cớ. 
Không biết ai rỉ tai mà vợ chồng chị H. lại tìm cách “chạy” cho con mình vào Trường THPT S. Lý do mà họ thay đổi NV là Trường THPT S. vẫn còn nằm ở top trên trong quận và quan trọng hơn là so với NV1 thì con mình còn thừa 0,25 điểm. Bỏ cả công việc cơ quan, cả tuần nay vợ chồng chị H. chạy tới chạy lui đi tìm một “cánh cửa mới” để chen vào.
Thực tế cho thấy, việc thay đổi NV sau khi thi là rất hạn hữu. Theo chỉ đạo chung của ngành GD-ĐT, tuyệt đối không giải quyết trường hợp thay đổi NV nào cả. Một cán bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, khi có đơn của phụ huynh thì Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục vẫn tiếp nhận và sau đó phải thông qua hội đồng xét tuyển rất gắt gao và công khai nên kết quả thường là rất ít có hồ sơ được giải quyết. Chính vì thế mà nhiều phụ huynh, dù rất muốn thay đổi NV nhưng đành phải chấp hành đúng chủ trương chung của ngành.
Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)