Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Không có công nghệ cũng khổ như cai nghiện

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 

Con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ – Ảnh: Reuters

Việc tắt điện thoại, tắt TV và không truy cập mạng có thể khiến người ta gặp triệu chứng tương tự như những người nghiện cắt cơn đột ngột, theo một nghiên cứu được thực hiện trên toàn thế giới.

Cuộc nghiên cứu do Đại học Maryland (Mỹ) tổ chức với sự tham gia của những tình nguyện viên từ 12 đại học trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học đề nghị người tình nguyện không đụng vào email, tin nhắn, Facebook, Twitter, điện thoại di động, iPod, truyền hình và thậm chí cả báo chí trong vòng 24 giờ. Họ được sử dụng điện thoại bàn hoặc đọc sách.

Kết quả, các nhà khoa học phát hiện những người tham gia có biểu hiện thường thấy khi người hút thuốc cố gắng bỏ thuốc đột ngột. Một vài người tham gia cho biết họ cảm thấy giống như đang trải qua quá trình cắt cơn đột ngột để cai nghiện ma túy trong khi những người khác thấy giống như đang ăn kiêng.

Nhật ký ghi lại của người tham gia tiết lộ họ cảm thấy bồn chồn, lo âu và bị cô lập. Những triệu chứng này giờ đây được đặt tên là Rối loạn thiếu thốn thông tin.

Tiến sĩ Roman Gerodimos, một trong những người thực hiện nghiên cứu, phát biểu với tờ Telegraph: “Chúng tôi không chỉ thấy các triệu chứng về tâm lý mà còn thấy cả về thể chất”.

Kết quả nghiên cứu này càng làm gia tăng những lo ngại của các nhà thần kinh học và tâm lý học về tác động của việc sử dụng internet, game và mạng xã hội đối với thanh thiếu niên – những người vốn được biết đến với tên gọi Thế hệ công dân mạng.

Gerodimos nói: “Thật ngạc nhiên khi thấy sự phụ thuộc của con người vào công nghệ. Người ta thường không mua đồng hồ đeo tay hoặc đồng hồ báo thức vì họ trông cậy vào điện thoại di động”.

Phần lớn những người tham gia khổ sở vì không có điện thoại di động và thấy thiệt thòi vì không được dùng Facebook, và việc kiêng nghe nhạc khiến họ thấy khó khăn nhất.

“Nhiều người nói họ thấy khó chịu và bất tiện với sự im lặng. Song sau đó, họ bắt đầu chú ý nhiều hơn đến những tiếng động xung quanh như tiếng chim hót hoặc lắng nghe xem hàng xón đang làm gì”, Gerodimos nói, “Nếu nhận thức nhiều hơn một chút về cách thức chúng ta đang sử dụng công nghệ, chúng ta có thể kiểm soát tác động của nó. Có lẽ mọi người nên cố gắng trải qua một ngày không có công nghệ mỗi năm một lần".

Sơn Duân (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)