Ban tư vấn trả lời các câu hỏi của HS Trường THPT Hoa Sen
|
Sẽ không có nghề nào bị coi là nhàm chán, không có công việc nào được coi là rảnh rỗi nếu nghề đó được thực hiện bởi những người có năng lực, có đam mê. Đó là những bài học được học sinh (HS) các trường THPT Hoa Sen, Ngô Quyền (TP.HCM) rút ra sau khi chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” được thực hiện tại trường vừa qua.
Nghề hành chính đòi hỏi chu đáo, chín chắn
Mơ hồ trước nhiều thông tin về nghề nghiệp, lo lắng trước những đòi hỏi, tính chất của các ngành nghề là thực trạng chung của rất nhiều HS bậc THPT, nhất là với những HS lớp 12 đang đứng trước sự lựa chọn ngành nghề cho tương lai. Có em dù đã tìm được sự lựa chọn phù hợp nhưng vẫn đắn đo trước nhiều luồng dư luận.
Tại buổi tư vấn ở Trường THPT Hoa Sen, Vũ Song Phương Thảo (học lớp 12C3) băn khoăn: “Em là người ít nói, rụt rè nên em nghĩ mình khó phù hợp với những công việc buộc phải đi nhiều, giao tiếp nhiều. Do đó em định chọn một công việc hành chính nhưng nghe nói loại công việc này rất nhàm chán, khiến mình ngày càng trở nên thụ động, thu nhập lại rất thấp, điều đó có đúng không?”.
Trên thực tế những thông tin mà Phương Thảo “nghe nói” lại chính là suy nghĩ chung của nhiều HS bởi các em cho rằng: Làm hành chính là công việc mà ngày nào cũng phải ngồi 8 giờ ở văn phòng và đánh vật với việc ghi chép, sắp xếp mọi thứ… Tuy nhiên, bà Trương Thị Ngọc Bích, Trưởng bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính (UEF), cho biết công việc hành chính văn phòng không nhàm chán, nhàn nhã như người ta vẫn tưởng. Các nghề trong ngành hành chính văn phòng rất đa dạng thuộc các lĩnh vực như quản trị văn phòng (thư ký văn phòng, hành chính, quản lý hồ sơ, nhân viên đánh máy, biên soạn hồ sơ, nhân viên lễ tân, điện thoại viên…); thư viện, thông tin (thống kê, lưu trữ, thư viện, hệ thống thông tin); biên dịch, phiên dịch… Trong thời buổi nền kinh tế hội nhập, bên cạnh những công việc hàng ngày, các nhân viên hành chính văn phòng còn phải “xông pha” với nhiệm vụ đối ngoại cho công ty hay chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc công ty trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình… Do đó chuyện phải làm ngoài giờ cho kịp tiến độ và môi trường làm việc sẽ không chỉ bó buộc trong một căn phòng là điều hoàn toàn dễ hiểu đối với nhân viên hành chính văn phòng. Chính vì vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp coi nhân viên hành chính văn phòng đóng vai trò khá quan trọng trong việc tư vấn các vấn đề pháp lý cho họ trong việc tổ chức chỉ đạo và thực hiện kinh doanh không phạm luật; xây dựng, quản lý chương trình, kế hoạch công tác của công ty… “Trung bình một nhân viên hành chính văn phòng sẽ có mức lương từ 7 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp, một nhân viên văn phòng năng động sẽ được đánh giá và trả mức lương phù hợp với năng lực và công sức bỏ ra. Thậm chí, ở các công ty nước ngoài, nhân viên hành chính văn phòng còn nhận được mức lương từ 600-800 USD tùy vào vị trí mà họ đảm nhận”, bà Ngọc Bích khẳng định.
Không có nghề nào nhàm chán
Cũng nói về công việc hành chính văn phòng, ông Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), chia sẻ: Dù bị nhiều người cho là công việc nhàm chán nhưng hành chính văn phòng lại là nghề không phù hợp với những thói quen, tác phong xấu như tính cẩu thả, bừa bãi, thiếu ngăn nắp, đại khái, qua loa, thờ ơ, lãnh đạm… “Để đáp ứng được nhu cầu công việc, một nhân viên hành chính văn phòng phải là người có sự bình tĩnh, thận trọng, chín chắn, chu đáo; phải có tinh thần kỷ luật trong việc chấp hành những công việc mang tính sự vụ, biết giữ trật tự, nghiêm túc khi làm việc. Bên cạnh đó, họ còn phải hiểu cách phân loại tài liệu, cách sắp xếp tài liệu ngăn nắp, có năng lực nhận xét, phê phán, cách chấp hành thủ tục giấy tờ, cách soạn thảo văn bản… trên cơ sở khoa học”, ông Hải Nam cho biết. Đặc biệt, ông Hải Nam cũng cho rằng: Không có công việc nào được coi là nhàm chán nếu người làm công việc đó có năng lực, đam mê và dồn tâm sức cho công việc mình chọn. Do đó, việc chọn một ngành học, một nghề phù hợp với đam mê, năng lực của mình là điều kiện tiên quyết dẫn đến sự thành công, gắn bó của mỗi con người trên con đường lập nghiệp.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Không có công việc nào được coi là nhàm chán nếu người làm công việc đó có năng lực, đam mê và dồn tâm sức cho công việc mình chọn”, ông Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói. |
Bình luận (0)