Dù đã gần 10 năm lên TP.HCM nghỉ dưỡng già cùng con cháu nhưng trong ký ức của đôi vợ chồng ông Vũ Ngọc Ân – nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu và bà Nguyễn Thị Thanh Tùng, hạnh phúc như vẫn còn nguyên vẹn và tràn đầy khi cả hai cuộc đời đã từng gắn bó keo sơn với nhau nơi tận cùng của đất nước.
Ông bà quây quần bên đứa cháu nội trong ngày nghỉ cuối tuần |
Trai Thái Bình tình gái Bạc Liêu
Cũng giống như các cặp vợ chồng khác thời giặc giã, ông Vũ Ngọc Ân và bà Nguyễn Thị Thanh Tùng đã tìm đến với nhau bằng sự cảm mến thâm sâu của tình đồng đội cùng chung một đơn vị hoạt động cách mạng. Ngồi bên chén trà tại ngôi nhà trên đường số 8 P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, ông Ân bồi hồi nhớ lại: “Năm 1968 đang dạy ở một trường cấp 2 tại quê nhà thuộc tỉnh Thái Bình thì tôi được lệnh đi B cùng với 9 đồng nghiệp khác trong đoàn giáo dục. Là thanh niên miền Bắc nên khi vào chiến trường miền Tây Nam bộ tất cả đều xa lạ”. Theo lời kể của ông, thời gian ban đầu thật sự có một khoảng cách rất lớn về phong tục tập quán và cả giọng nói kẻ Bắc người Nam. Thế nhưng, những thầy giáo xa quê như ông khi sống với địa phương lại được người dân dành cho nhiều tình cảm rất đặc biệt. Các mẹ các chị dân Bạc Liêu luôn thương yêu những cán bộ giáo dục vì cách mạng mà phải tạm biệt gia đình và quê hương từng gắn bó và rất đỗi thương yêu để vào Nam đi gieo chữ. Từ chỗ yêu mảnh đất Bạc Liêu chàng trai “quê 5 tấn” yêu luôn con người chân tình nơi đây. Đó cũng là duyên tơ để ông không biết từ lúc nào đã để ý đến bà. Tuy thời gian đầu bà Tùng còn thật sự ái ngại khi trò chuyện với những chàng trai Bắc nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng vì nhiệm vụ khoảng cách đó cứ dần rút ngắn lại. Một đám cưới đơn sơ giữa rừng U Minh Hạ đã chứng kiến tình yêu chung thủy của đôi vợ chồng trai Bắc gái Nam về chung một mái nhà.
Không gì đổi được hạnh phúc
Cuộc sống mới của một gia đình nhỏ thời chiến không đơn giản như họ nghĩ. Ngoài việc chăm lo hạnh phúc riêng tư họ còn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó đúng như lời nhắc trong ngày cưới: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Thời gian họ dành cho nhau hầu như rất ít. Ông vẫn lo đi mở trường kháng chiến với vai trò là một thầy giáo có nhiều kinh nghiệm bám cơ sở ở vùng sau lưng địch. Còn bà ngoài thiên chức làm mẹ vẫn hoạt động giao liên và nối đường dây liên lạc cho các đồng chí cơ sở nằm vùng. Sau năm 1975, với những cống hiến to lớn cho ngành giáo dục của địa phương trong những năm tháng chống Mỹ, ông được đề bạt lên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Bạc Liêu rồi sau đó là Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Minh Hải. Mặt trận mới tuy không ác liệt như thời chiến tranh nhưng bắt buộc người lính trên mặt trận giáo dục và văn hóa tư tưởng không được rời đội ngũ. Với nhiều lực lượng GV địa phương và GV chi viện, ông cùng đồng nghiệp bắt tay vào xây dựng những ngôi trường theo mô hình mới để con em vùng xa xôi hẻo lánh nhất của đất nước có thêm cơ hội đến trường. Đây cũng là thời kỳ hạnh phúc nhất của bà Tùng khi được về quê chồng lần đầu tiên ra mắt với mọi người. Nói sao hết nỗi vui mừng của người thân ở vùng quê Thái Thụy khi nghe tin ông vẫn khỏe mạnh sau 6 năm liều mình vào ngay chỗ bom đạn ác liệt. Biết tin người con dâu hiếu thảo cùng hoạt động chung lại sinh ra trong một gia đình truyền thống yêu nước nên gia đình ông lại thêm tự hào. Không còn đứng trên bục giảng bởi mái tóc đã hoa râm nhưng nhà giáo Vũ Ngọc Ân vẫn tự hào vì đã có người nối nghiệp khi cô con gái là Vũ Thị Hồng Đào – GV dạy tiếng Anh Trường THPT Hiệp Bình, Q.Thủ Đức tình nguyện nốt gót nghề của bố. Gia đình ông bà thật xứng đáng với truyền thống gia đình nhà giáo bởi có thêm chàng rể quý là thầy giáo Trần Văn Thuận đang dạy bộ môn hóa học ở Trường THCS Bàn Cờ, Q.3. Với gia đình nhà giáo Vũ Ngọc Ân thì không có gì có thể đổi được hạnh phúc gia đình ông.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)