Gần đây, có một số ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo tại chức thì không thể bằng chính quy, đây cũng là lý do khiến văn bằng tại chức không được coi trọng…
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)
Trao đổi thông tin về vấn đề này ngay sau khi Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) cho rằng từ trước tới nay văn bằng chỉ nhằm quy định trình độ đào tạo cao hay thấp, lĩnh vực hay ngành học đó để xác định chuyên môn đào tạo của người học. Hình thức đào tạo không ghi trên văn bằng; dù vừa học vừa làm, học tập trung hay đào tạo từ xa đều phải trên một chương trình thống nhất, có thời lượng thống nhất, cùng trên chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra như nhau, cùng phải thực hiện cùng một khung trình độ quốc gia… Như vậy, không có lý do gì để phân biệt văn bằng chính quy – tại chức. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, có thể thấy hình thức chính quy hay tại chức, vừa làm vừa học thì vẫn có trường tốt và không tốt, có người đạt trình độ cao và có người cũng chỉ đạt trình độ tiêu chuẩn. Như vậy, vấn đề chất lượng ĐH chính quy hay tại chức ở đây là do chính sách chất lượng của từng trường và do nỗ lực của từng người học để lấy kiến thức thực thụ hay học để lấy tấm bằng, không phụ thuộc quá lớn vào hình thức văn bằng, hình thức đào tạo.
Về chuẩn bị cho việc Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đi vào thực tế (chính thức có hiệu lực vào ngày 1-7-2019), bà Phụng cho biết ngay khi dự thảo sửa luật, Bộ GD-ĐT cũng đã chuẩn bị danh mục các văn bản hướng dẫn luật. Hiện nay, để hướng dẫn luật này, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng hai nghị định hướng dẫn trực tiếp, đó là nghị định hướng dẫn chung Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và nghị định riêng hướng dẫn về tự chủ ĐH. Hiện cả 2 nghị định đều có dự thảo. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng rà soát lại tất cả các quy chế đào tạo như đào tạo trình độ CĐ sư phạm, trình độ thạc sĩ, văn bằng 2… để phù hợp với các quy định mới nhất của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH với tinh thần trao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Trong quá trình làm luật, hầu hết các trường ĐH đều đã đồng hành với Ban soạn thảo cùng sửa đổi, bổ sung lấy ý kiến đóng góp. Đặc biệt là các hội thảo lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên các trường ĐH – là những đối tượng quan tâm và chịu tác động nhiều nhất của luật. Ban soạn thảo đã tổ chức 5 hội thảo lớn tại 5 vùng với thành phần tham gia là các trường ĐH trên cả nước. Ngoài ra, còn các hội thảo chuyên đề với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục ĐH, đại biểu Quốc hội, cán bộ quản lý giáo dục… để tiếp thu được đầy đủ, toàn diện, sâu rộng các ý kiến góp ý để sửa luật. Đăng rộng rãi dự thảo trên website của bộ, Chính phủ để lấy ý kiến. Các trường ĐH đều đã nắm được nội dung, tinh thần của những điều chỉnh lần này. Có thể nói các trường đã sẵn sàng cho triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Tới khi luật chính thức có hiệu lực vào 1-7-2019 thì các văn bản dưới luật đi kèm của bộ, các điều lệ quy định của nhà trường cũng sẽ sẵn sàng để triển khai, áp dụng luật chính thức.
Mê Tâm
Bình luận (0)