Ông Trần Anh Tuấn đang giải đáp thắc mắc của học sinh |
Vừa qua, chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Phạm Ngũ Lão. Tham dự chương trình có tất cả học sinh 3 khối lớp 10, 11 và 12.
8 ngành nghề được di chuyển trong khối ASEAN
Không chỉ mạnh dạn đặt câu hỏi về các khối ngành mình quan tâm, các em học sinh còn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề đang được dư luận chú ý trong thời gian gần đây, nhất là những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Lê Thành Đạt (học lớp 12A3) hỏi: “Em được biết cuối tháng 12 năm nay, AEC sẽ chính thức hình thành. Vậy những ngành nghề nào sẽ được trọng dụng tại thị trường lao động này?”. Tương tự, Trương Anh Tuấn (học lớp 12A1) băn khoăn: “Chúng em nên chọn ngành nghề phù hợp với thị trường lao động AEC hay phù hợp với bản thân?”.
Trả lời hai vấn đề trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khẳng định: Ngày 31-12 tới AEC sẽ hình thành, đánh dấu một bước ngoặt của sự hòa nhập toàn diện giữa các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, có 8 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển và được 10 nước ASEAN thống nhất công nhận giá trị tương đương chứng chỉ đào tạo của các nước thành viên là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch. Khi AEC đi vào hoạt động, cơ hội và thách thức sẽ mở ra cho cả 10 quốc gia thành viên. Không chỉ riêng AEC, thị trường lao động TP.HCM và cả nước đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Do đó, người lao động Việt Nam sẽ phải chuẩn bị cho mình hành trang kỹ càng để bước vào cuộc cạnh tranh của hội nhập, đó là các kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức, kỷ luật và ngoại ngữ.
“Theo tôi, các em nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực bản thân vì chỉ khi chọn được ngành nghề phù hợp, các em mới có động lực để phấn đấu và trở thành người làm tốt công việc ở lĩnh vực của mình. Không có ngành nghề nào “hot” mà chỉ có người “hot” trong lĩnh vực ngành nghề mình theo đuổi mà thôi”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Chọn đúng hướng đi trong thị trường lao động
Học sinh Trường THPT Phạm Ngũ Lão giơ tay xin đặt câu hỏi |
Trong chương trình, một học sinh nam đã khiến Ban tư vấn vô cùng ngạc nhiên khi em có ý kiến rất sâu sắc về con đường khởi nghiệp của mình. Học sinh này đặt câu hỏi: “Em muốn sản xuất một mặt hàng thuộc lĩnh vực thực phẩm vừa rẻ, vừa chất lượng và muốn đưa đến tận tay người tiêu dùng. Vậy em có nên học cả hai ngành công nghệ thực phẩm và quản trị kinh doanh cùng lúc không?”. Chia sẻ về băn khoăn của em, bà Phạm Thị Thúy, Trưởng bộ phận truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói: “Em hoàn toàn có thể học hai ngành học này cùng một lúc. Tuy nhiên, ở nhiều trường ĐH, em chỉ được đăng ký chuyên ngành thứ hai sau khi đã kết thúc học kỳ hoặc năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất và đáp ứng được một số yêu cầu do trường đề ra. Cụ thể là không nợ học phí, không nợ môn, không bị xếp học lực yếu ở chương trình thứ nhất; ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính của chương trình thứ nhất…”.
Ông Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp việc làm (ĐHQG TP.HCM), cho biết thêm: “Việc học hai chuyên ngành cùng một thời gian sẽ gây rất nhiều áp lực nên nhiều sinh viên sẽ rất khó để hoàn thành hoặc hoàn thành nhưng không hiệu quả. Do đó, em có thể chỉ học một chuyên ngành công nghệ thực phẩm và học thêm một khóa học ngắn hạn về kinh tế, quản trị kinh doanh ở những cơ sở đào tạo có uy tín để nâng cao nhận thức về sản xuất và phân phối sản phẩm”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Các em nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực bản thân vì chỉ khi chọn được ngành nghề phù hợp, các em mới có động lực để phấn đấu và trở thành người làm tốt công việc ở lĩnh vực của mình”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khuyên. |
Học sinh sẽ tự tin hơn khi chọn nghề nghiệp Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Ngũ Lão, cho rằng những lời khen của Ban tư vấn trước các câu hỏi hay, thực tế của học sinh chính là động lực để các em phấn đấu trong thời gian tới. Dù thời gian tư vấn chỉ diễn ra trong 90 phút nhưng sự tương tác trực tiếp giữa học sinh và Ban tư vấn sẽ giúp các em nhìn nhận ra nhiều vấn đề còn thiếu sót, mạnh dạn và tự tin hơn khi lựa chọn nghề nghiệp cho mình. |
Bình luận (0)