Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Không có nghề đào tạo ra để thất nghiệp!

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Vũ Văn Tài (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A11 Trường THPT Vũng Tàu) đang bày tỏ ý kiến

Trong chương trình tư vấn tại Trường THPT Vũng Tàu, thầy Vũ Văn Tài (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A11) đã bày tỏ ý kiến trên cương vị một giáo viên chủ nhiệm, đồng thời cũng là người cha có con gái đang học ĐH tại TP.HCM: “Việt Nam đã và đang gia nhập nhiều tổ chức kinh tế lớn như TPP, AEC, hiệp ước APTA…, nhưng tôi lại chưa nghe một dự đoán cụ thể nào về việc sử dụng nhân lực trong thời gian tới, trong khi học sinh thì lại băn khoăn, sợ học xong không có việc làm. Ở một khía cạnh khác, tôi nhận thấy các trường ĐH ở nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến hoạt động ngoại khóa, quá trình rèn luyện của học sinh khi học chương trình phổ thông. Theo tôi, các trường ĐH Việt Nam nên có thêm tiêu chí để đánh giá và ưu tiên xét tuyển vì nhiều em tham gia hoạt động Đoàn – Hội rất tốt, có thể sẽ là những nhân tố tích cực khi các em bước chân ra ngoài xã hội”.

Tâm tư của thầy Tài lập tức nhận được sự phản hồi của các thành viên trong Ban tư vấn. TS. Nguyễn Đức Nghĩa nhìn nhận, việc xét tuyển ĐH đang là vấn đề nhức nhối hiện nay nên giáo dục Việt Nam sẽ còn phải cải cách trong nhiều năm tới. Ngoài các trường có những ngành thuộc khối thi năng khiếu như mỹ thuật, nghệ thuật thì hầu hết việc xét tuyển vào các trường hiện nay mới chỉ căn cứ trên điểm kỳ thi THPT quốc gia, học bạ chứ chưa có tiêu chí nào xét về đạo đức, quá trình rèn luyện của học sinh. “Sẽ thật khó để so sánh nền giáo dục Việt Nam với nền giáo dục các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, không có ngành nào đào tạo ra để thất nghiệp. Vấn đề là sinh viên phải biết linh động: học ĐH là phải học phương pháp, tư duy để giải quyết vấn đề linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Khác với những người thợ chỉ chăm chăm làm đúng với ngành mình được học, sinh viên ĐH phải linh động làm việc với những nghề gần với ngành mình được học”.

Chia sẻ thêm, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM) khẳng định: “Con người là yếu tố quyết định của ngành nghề. Ngay khi có thông tin Việt Nam gia nhập các tổ chức kinh tế trong khu vực và thế giới, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đã đưa ra những dự báo về nhu cầu nhân lực trong thời gian sắp tới. Những dự báo này đã được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mọi người có thể truy cập để tìm hiểu thêm. Thế nhưng, để có thể làm việc được trong môi trường hội nhập này, ngoài trình độ chuyên môn vững, người lao động cần phải giỏi về ngoại ngữ, tin học, có kỹ năng, tác phong và thái độ làm việc nghiêm túc”. Trong khi đó, ThS. Nguyễn Bửu Toàn (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn) cho hay, hiện nay trong thị trường ngành nhà hàng – khách sạn tại Việt Nam có tới 80% người nước ngoài đang làm việc. Với một quốc gia coi du lịch là thế mạnh như nước ta thì đây là một vấn đề đáng để suy nghĩ. Nếu không có ngoại ngữ, nguy cơ thua trên sân nhà ngay khi có sự dịch chuyển lao động giữa các nước là điều dễ dàng nhận thấy. Do đó, bên cạnh việc chọn ngành theo nhu cầu thị trường, sinh viên cần phải được trang bị nhiều kỹ năng để cạnh tranh với nguồn lao động các nước mới không lo thất nghiệp. Hầu hết các trường hiện nay đều đã xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên, nếu nghiêm túc thực hiện theo những tiêu chí do trường đề ra, sinh viên rất vững vàng khi đi xin việc”.

Bài, ảnh: L.Vy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)