Trong chương trình “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 diễn ra tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1) và Trường Trung học Thực hành Sài Gòn (Q.5) mới đây, nhiều học sinh hỏi: “Làm thế nào để chọn được ngành nghề phù hợp với xu thế và trở thành người “hot” trong xã hội?”. Các chuyên gia khẳng định, muốn trở thành người “hot” phải nỗ lực và khẳng định được giá trị bản thân.
Chuyên gia đang tư vấn cho học sinh Trường Trung học Thực hành Sài Gòn
Chương trình “Cùng bạn chọn nghề cho tư?ng lai?ơng lai” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là đơn vị đồng hành.
Ngành hàn lâm có bị mất đi?
Trước sự phát triển của công nghệ, nhiều ngành nghề mới ra đời khiến nhiều học sinh có xu hướng chạy theo để phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, một số học sinh khác lại muốn chọn những ngành học hàn lâm và điều mà các em lo lắng nhất là việc làm sau khi ra trường. Để các em học sinh Trường Trung học Thực hành Sài Gòn hiểu hơn về vấn đề này, ThS. Phùng Quán (chuyên gia tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, vài năm gần đây, những ngành học về khoa học rất thiếu sinh viên do các em chạy theo những ngành “hot”. Trong khi các ngành như địa chất, hải dương, khí tượng và khí hậu học… là những ngành học quan trọng giúp rất nhiều cho cuộc sống. Chẳng hạn, ngành địa chất nhằm mục tiêu đào tạo kỹ sư địa chất có khả năng nghiên cứu, làm việc ở các trung tâm, viện nghiên cứu, các đơn vị tìm kiếm và thăm dò địa chất để đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản, tránh tình trạng xói mòn, sạt lở đất. Còn ngành hải dương phục vụ trực tiếp cho các lĩnh vực: Giao thông vận tải biển, công nghiệp dầu khí, đánh bắt hải sản, xây dựng công trình biển, kiểm soát và bảo vệ môi trường biển, đảm bảo thông tin khí tượng hải văn cho các hoạt động kinh tế, quốc phòng trên biển… Trong khi đó, ngành khí tượng và khí hậu học nghiên cứu về khí hậu, dự báo thời tiết, đưa ra những dự báo để phòng tránh thiên tai cũng như bảo vệ hoạt động sản xuất công, nông nghiệp. “Những ngành trên ít người học nên rất cần nhu cầu nhân lực. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào học cũng có được công việc như ý. Bởi lĩnh vực này có yêu cầu cao, đòi hỏi nhân lực phải có kiến thức vững chắc, chuyên môn cao. Do đó, muốn học những ngành này các em phải tập trung học thật tốt, nghiên cứu sâu để trở thành người giỏi nhất trong ngành. Như vậy các em mới có thể tìm được việc làm phù hợp với bản thân và đóng góp cho xã hội”, ThS. Quán lưu ý.
Học sinh Trường THPT Trưng Vương đặt câu hỏi cho chuyên gia tư vấn
ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, những lĩnh vực được học sinh lựa chọn nhiều nhất hiện nay là nhóm kỹ thuật – công nghệ (chiếm 35%); nhóm quản lý, quản trị (chiếm 33%); còn lại là nhóm ngành khác. Để chọn đúng ngành nghề phải dựa vào 3 yếu tố: Định vị bản thân, tìm hiểu kỹ về ngành nghề và thị trường lao động. “Bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, không có ngành nghề toàn người giàu và cũng không có ngành nghề nào toàn người nghèo, không có người giỏi nào thất nghiệp. Tất cả đều phụ thuộc vào bản thân chúng ta. Nếu chúng ta vững chuyên môn, kiến thức và biết tạo sự khác biệt cho bản thân sẽ trở thành người “hot”. Không có nghề “hot”, chỉ có người “hot” trong nghề”, ThS. Nguyên khẳng định.
Nên học tại chỗ hay ra nước ngoài?
Tại Trường THPT Trưng Vương, một học sinh hỏi: “Em muốn học ngành tâm lý học nhưng không biết nên học tại Việt Nam hay đi du học rồi sau đó học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ để có tương lai?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Tô Nhi A (chuyên gia tâm lý) cho rằng, không chỉ ngành tâm lý học mà những ngành khác dù học ở trong nước hay đi du học chỉ khác nhau ở điều kiện học tập chứ không liên quan gì đến việc làm hay tương lai của bản thân. Nếu học ở nước ngoài, các em sẽ có điều kiện tiếp cận với môi trường quốc tế, có cơ hội làm việc tốt hơn. Còn học tại Việt Nam, các em vẫn có nhiều cơ hội để rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng trở thành một chuyên gia tâm lý tài năng, giúp con người giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống. Nếu cần, các em có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ để có thêm nhiều cơ hội việc làm. “Dù học ở đâu thì người học ngành tâm lý phải có tình yêu thương con người, biết lắng nghe, chia sẻ với những người xung quanh… Có như thế các em mới có thể làm tốt công việc của mình và phát triển bản thân”, bà Nhi A chia sẻ.
ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) tư vấn thêm cho học sinh Trường THPT Trưng Vương sau chương trình
Giải đáp cho một học sinh khác về việc muốn đi du học nước ngoài đối với ngành cơ khí, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thông tin, ngành cơ khí thuộc nhóm ngành kỹ thuật, ngành này đào tạo sinh viên kiến thức lý thuyết lẫn thực hành về máy móc, thiết bị… Ngành cơ khí không chỉ đào tạo ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Tuy nhiên, những học sinh có mong muốn đi du học ngành cơ khí có thể tìm hiểu chương trình liên kết của một số trường ĐH. “Cụ thể, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có chương trình liên kết với Trường ĐH ở Nhật Bản và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Với chương trình này, các em được đào tạo kiến thức song song với tiếng Nhật, được giới thiệu việc làm sau khi ra trường”, ThS. Luyện thông tin.
Thông tin thêm về ngành nghề, ThS. Nguyễn Duy Trường (quyền Giám đốc điều hành ĐH Swinburne tại Việt Nam) cho biết, hiện ĐH Swinburne tại Việt Nam đào tạo 50% kiến thức thực hành, 50% lý thuyết với các ngành khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kinh doanh, truyền thông đa phương tiện… Điểm khác biệt của trường là ngoài kiến thức chuyên môn còn đào tạo sinh viên kỹ năng mềm, kỹ năng hội nhập giúp các em ra trường “dám ăn, dám nói, dám chịu trách nhiệm” với bản thân…
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)