Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không cổ phần, giáo dục đại học sẽ chẳng có gì mới?

Tạp Chí Giáo Dục

"Cái mới chưa làm thì có tâm lý rất sợ. Bất cứ sự chuyển đổi nào cũng có tính 2 mặt. Nhưng nếu không chuyển đổi, vẫn tồn tại như bây giờ thì giáo dục ĐH chẳng có gì mới cả".

Tiến sĩ (TS) Trần Thị Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Chính sách công (Bộ Tài chính), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu và hiện nay là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình cho biết như vậy về chủ trương chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần. (dưới đây gọi tắt là "cổ phần hóa").
Tất yếu
TS Trần Thị Thu Hà
 Sự chuyển đổi cổ phần hóa là tất yếu vì trước đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 10 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu (2003), Nghị định 43 về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 53 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.
Đặc biệt, trong Nghị định 10Nghị định 53 thì đã có quy định đối tượng thí điểm cổ phần hóa.
Đó là các đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực đào tạo.
Trong thực tế, cũng đã diễn ra những quá trình để đi đến thí điểm cổ phần hóa.
Tôi nghĩ, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là một ngành kinh tế. Vì vậy, nó phải có tính kinh tế và tính chuyên nghiệp như các ngành kinh tế khác.
Đó là lí do vì sao, người ta vẫn nói có thị trường giáo dục, song song với thị trường nghiên cứu khoa học.
Thị trường ở đây mang cả tính xã hội, tính giáo dục. Cho nên thị trường giáo dục, thị trường khoa học vẫn mang tính cống hiến, mang tính dịch vụ công, vẫn mang tính xã hội ưu đãi cho những đối tượng chính sách, đối tượng nghèo.
Ngoài ra, dự thảo chỉ áp dụng thí điểm ở những trường nào có điều kiện phát huy được tính kinh tế, chứ không phải chuyển tất cả các trường ĐH, các đơn vị giáo dục sang cổ phần hóa.
Chưa làm sẽ… sợ
Tôi nghĩ trong thực tế, cái gì chưa làm thì chúng ta thường có tâm lý… sợ.  
Trước đây, Việt Nam làm gì có trường ĐH tư, ĐH dân lập. Tuy đấy không phải là cổ phần hóa, nhưng rõ ràng là có sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Và từ khi ra đời cho đến nay, các trường này hoàn toàn tự thu – tự chi.
Hơn nữa, khi phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, Nhà nước không thể "ôm" hết được mà nên chuyển bớt sang cho các thành phần khác.     
"Không thực hiện cổ phần hoá đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu hoạt động trong lĩnh vực An ninh, Quốc phòng; các bệnh viện công hiện có; các đơn vị hoạt động có điều kiện trong các lĩnh vực thuộc báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình" (theo Dự thảo thí điểm chuyển trường học thành công ty cổ phần (xem toàn văn)
Vì vậy, cổ phần hóa ở đây được hiểu là Nhà nước chuyển một phần sở hữu của mình sang thành phần kinh tế khác.
Như vậy, các thành phần này sẽ cùng gánh vác với Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở giáo dục. Thế nên, có những khó khăn là đương nhiên.
Khó khăn đầu tiên thuộc về nhận thức vì nếu các trường không vượt qua được sự đổi mới này thì nhận thức sẽ rất khó thay đổi.
Cái khó thứ 2 là kinh nghiệm. Muốn có kinh nghiệm thì phải đi vào thực tế, trao đổi, hội thảo nhiều để mọi người hiểu công ty cổ phần là thế nào…
Chuyển sang công ty cổ phần, theo tôi sẽ gỡ rối cho một số trường tự chủ tài chính hiện nay. Cụ thể, học phí sẽ tăng – trường sẽ được tự quyết mức học phí.
Thu nhập của cán bộ, giáo viên sẽ được cải thiện. Và chắc chắn, người ta phải làm việc có trách nhiệm hơn…
Để gỡ khó cho các trường, Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính phải vào cuộc để  có văn bản  hướng dẫn kịp thời và cụ thể. Muốn vậy, cần lắng nghe những khó khăn của các trường đối với cơ chế mới này.
Ngoài ra, nếu các trường công lập còn lúng túng khi thực hiện thí điểm, thì có thể trao đổi kinh nghiệm với một số trường ngoài công lập như: ĐH dân lập Thăng Long, ĐH Phương Đông, ĐH dân lập Quản lý Kinh doanh…
Kiểm toán để định giá trường học
Đặc biệt, những cơ quan chuyên ngành về Thuế và Kho bạc … phải vào cuộc. Bản thân các cơ quan này cũng phải có sự thống nhất với các trường trong cách hiểu về cổ phần hóa, quy trình cổ phần hóa và quản lý tài chính cổ phần như thế nào.
Về phía các trường thì hiệu trưởng hoặc hiệu phó phụ trách về tài chính phải hiểu kỹ vấn đề này. Bộ Tài chính nên để các trường thực hiện việc kế toán, quản lý tài chính, tính toán chi phí dịch vụ… như doanh nghiệp thì mới hạch toán được.
Một giờ học tại Trường ĐH dân lập Thăng Long Hà Nội. Ảnh Lê Anh Dũng
Bên cạnh đó, phải có kiểm toán để xác định giá trị tài sản của các trường. Trên cơ sở đó mới quyết định tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, tư nhân, các tổ chức…
Do vậy, theo tôi, các trường nên thành lập một bộ phận chuyên trách để nghiên cứu những việc cần làm khi tiến hành cổ phần hóa. Sau đó, phải định ra một “kịch bản”: việc gì làm trước, việc gì làm sau.
Về phía người học, khi học phí tăng đồng nghĩa chất lượng đào tạo phải tương xứng. Khi đó, người học được quyền lựa chọn những môi trường GD-ĐT có chất lượng.
Cổ phần hóa không phải là thương mại hóa
Theo tôi, cổ phần hóa làm thay đổi cơ chế tài chính chứ không phải thay đổi bản chất hoạt động của trường. Trường học vẫn là nơi đào tạo.
Chẳng hạn ĐH FPT là do doanh nghiệp xây dựng…nhưng phải hoạt động theo quy chế của nhà nước, quy chế của Bộ GD-ĐT, đảm bảo về mặt số lượng, chất lượng… đào tạo.
"Tôi nghĩ khó khăn nào mình cũng có thể khắc phục vì  bản thân đã làm hiệu trưởng Trường ĐH tư thục Bà Rịa – Vũng Tàu đi từ “không” cho đến “có”. Đến nay, trường đã tuyển gần 6.000 SV các cấp… – TS Trần Thị Thu Hà
Thế nên, không phải cứ trực thuộc doanh nghiệp, công ty mà các trường được hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí, chất lượng…
Vì vậy, nếu các trường cho rằng, việc cổ phần hóa dễ dẫn đến thương mại hóa trường học, chạy theo lợi nhuận mà giảm chất lượng đào tạo… là không đúng.
Cổ phần hóa chỉ thay đổi cách quản lý tài chính của một trường ĐH mà thôi.
Cho dù, tài chính không thể đứng độc lập khỏi tổ chức bộ máy, nhưng hiệu trưởng là một nhà khoa học, một nhà giáo dục thì không thể nặng về chuyện đồng tiền.
Tôi cho rằng, hiệu trưởng các trường thí điểm cổ phần hóa phải theo đúng nghị định của Chính phủ về tiêu chuẩn của hiệu trưởng.
Đó phải là các giảng viên có trình độ từ Phó Giáo sư trở lên hoặc có học vị Tiến sĩ.
Đương nhiên, bất cứ sự chuyển đổi nào cũng có tính 2 mặt. Nhưng nếu không chuyển đổi, vẫn tồn tại như bây giờ thì giáo dục ĐH chẳng có gì mới cả.
Kiều Oanh (Vietnamnet)
 Bài tới: Công ty cổ phần trường học và "những lỗ hổng chết người"

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)