Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Không có quy định “mối quan hệ đặc biệt”

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ khai thác thông tin học tập, thi cử, các em học sinh Trường THPT Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) còn thẳng thắn đưa ra những vấn đề được dư luận quan tâm trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua.

ThS. Đào Lê Hòa An tư vấn cho học sinh trong chương trình

“Không có ngành nghề nào quy định phải có mối quan hệ đặc biệt mới được tuyển dụng. Ai cũng có cơ hội được làm việc ở lĩnh vực mình có năng lực và đam mê”, ông Nguyễn Quốc Cường nói.

Trong câu hỏi đầu tiên đặt ra cho Ban tư vấn, em Nguyễn Minh Đăng (học lớp 12A1) tâm tư: “Em thích ngành phi công, nhưng nghe nói phải có mối quan hệ đặc biệt theo kiểu “con ông cháu cha” mới được tuyển dụng vào ngành này. Điều đó có đúng không?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, khẳng định không có ngành nghề nào quy định phải có mối quan hệ đặc biệt mới được tuyển dụng. Ai cũng có cơ hội được làm việc ở lĩnh vực mình có năng lực và đam mê. “Tuy nhiên, nghề phi công đòi hỏi những tiêu chuẩn nhất định về sức khỏe, nhất là chiều cao do khoang lái được thiết kế theo tiêu chuẩn dành cho người phương Tây. Do đó, em phải có đủ chiều cao để đảm bảo về tầm ghế, tầm mắt cũng như xử lý các nút điều khiển trên khoang lái. Theo quy định của Học viện Hàng không, chiều cao phải từ 1,68m trở lên đối với nam và 1,60m đối với nữ mới đủ yêu cầu tuyển sinh”, ông Cường cho hay.

Ngành nghề phải do bản thân lựa chọn

Tại chương trình tư vấn ở Trường THPT Vũng Tàu, một học sinh đại diện lớp 12A1 khẳng định: Lớp em rất ngưỡng mộ các thầy, những thông tin mà các thầy chia sẻ cho chúng em rất đầy đủ và hữu ích. Sau phần trình bày cảm xúc, em học sinh này liên tiếp đặt ra… 4 câu hỏi được tổng hợp từ các bạn xung quanh, trong đó một câu hỏi có nội dung: “Em chưa biết mình thích ngành gì, bố mẹ em cũng không biết chọn ngành gì cho em. Các thầy có thể giúp em định hướng ngành nghề phù hợp với khả năng và sở thích được không?”. ThS. Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Công ty Tư vấn và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, chia sẻ: “Ngành nghề phải do chính em lựa chọn chứ không nên dựa theo ý kiến của người khác. Em cần nghiêm túc suy nghĩ xem mình thực sự quan tâm ngành nghề gì, khả năng của em có đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề đó hay không. Ngoài ra, em có thể tham khảo ý kiến của người xung quanh xem ngành nghề đó có phù hợp với em hay không, hay tham khảo kinh nghiệm của những người đang làm trong lĩnh vực đó về tính chất nghề nghiệp xem những khả năng liệu mình có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không. Ngoài ra, em có thể thực hiện một số bài trắc nghiệm về tính cách, năng lực để lựa chọn ngành nghề phù hợp cho mình”. 

Trong khi đó, em Nguyễn Thúy Vy (học lớp 12A2) băn khoăn: “Em muốn trở thành một biên tập viên trong đài truyền hình, vậy em cần phải có những tố chất gì?”. Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Dựa trên những gì tôi được biết, để trở thành một biên tập viên (cả báo hình lẫn báo in) thì người đó phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm làm phóng viên để phân tích, thẩm định và sắp xếp tin, bài. Phóng viên thường bị áp lực công việc và thời gian, đặc biệt là phóng viên ở đài truyền hình. Trong các ngành nghề hiện nay, nghề báo được cho là khá nguy hiểm, đặc biệt với những nhà báo thuộc mảng điều tra kinh tế, tệ nạn xã hội, chiến trường… Do đi nhiều, tìm hiểu nhiều, nhà báo thường có vốn kiến thức rất phong phú, quan hệ xã hội rộng và đa dạng. Vì vậy, để trở thành một người làm báo giỏi, em cần có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc trên máy tính, kỹ năng phát triển các mối quan hệ, triển khai đề tài, có tính bền bỉ và khả năng chịu được áp lực cao trong công việc. Ngoài ra, tùy vào vị trí đảm nhận, cơ quan sẽ yêu cầu em phải có thêm một số kỹ năng khác để thực hiện tốt công việc của mình”.

Sau khi nghe các chuyên gia chia sẻ về những tiềm năng trong việc phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Đỗ Đăng Hải (học lớp 12A4) bày tỏ sự quan tâm tới ngành kỹ thuật môi trường và muốn biết cơ hội phát triển ở lĩnh vực này. ThS. Nguyễn Xuân Luyện, Trưởng bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết đây là ngành trang bị cho người học kiến thức rộng về kỹ thuật môi trường thông qua đào tạo lý thuyết, chú trọng đào tạo thực hành trong các lĩnh vực hóa học, sinh học, xử lý nước, chất thải rắn, khí thải, nước thải… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty xử lý chất thải; trung tâm bảo vệ môi trường, ban quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất; sở khoa học và công nghệ, sở tài nguyên và môi trường, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn; tư vấn môi trường, nuôi trồng thủy sản và các nhà máy công nghiệp, cơ sở quản lý môi trường, cơ quan quy hoạch, khai thác khoáng sản hoặc có thể giảng dạy về khoa học môi trường từ bậc THPT đến CĐ, ĐH…

Bài, ảnh: Ngọc Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)