Ngày 30.11 các trường ĐH-CĐ kết thúc thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đây là lần đầu tiên Bộ cho phép kéo dài thời gian xét tuyển.
Cạn nguồn thí sinh
Tính cho đến lúc này, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chỉ tuyển được khoảng 60% so với chỉ tiêu. Nhưng số lượng này đa số nằm trong khoảng thời gian xét tuyển đợt 1, 2. Càng về sau này, lượng thí sinh (TS) càng vắng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Quyền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, tính đến cuối đợt, trường chỉ xét tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu. Sau khi có quy định ưu tiên cho TS ở các khu vực khó khăn, đến nay, chỉ có TS rút hồ sơ chứ không có TS nộp vào. “Nguồn tuyển đã hết, kéo dài cũng không tuyển được TS, nhất là một trường khó khăn như chúng tôi. Hy vọng những TS ít ỏi sót lại sau khi không trúng tuyển các trường khác nộp đơn vào cũng rất thấp”.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng tại Trường ĐH Hồng Bàng – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Không chỉ các trường tại TP.HCM khó khăn, trường địa phương tại khu vực được ưu tiên tuyển sinh cũng không tuyển được nhiều TS. Chỉ có khoảng 100 TS thuộc diện ưu tiên xét tuyển vừa qua nộp đơn vào Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An, cuối cùng trường chỉ tuyển được tổng cộng khoảng 60% chỉ tiêu. Con số này là 25 TS tại Trường ĐH Yersin (Đà Lạt), trong tổng số 200 TS mà trường xét tuyển được (chỉ tiêu của trường năm nay là 1.000). Các trường khác tại Đà Nẵng như CĐ Đông du chỉ tuyển được 30% so với chỉ tiêu, CĐ Đức Trí có 194 TS, CĐ Việt Tiến đạt 62%…
Nơm nớp lo xét tuyển
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, tuy Bộ GD-ĐT thông báo cho kéo dài xét tuyển đến 30.11 nhưng ngày 15.10 trường đã khai giảng. Việc xét tuyển kéo dài cũng không mang lại nhiều lợi ích. Một lý do là tâm lý người học không còn hứng thú nộp hồ sơ đi học nữa. Có trường đến ngày 30.11 là sinh viên đã qua gần hết học kỳ rồi, TS cũng không mặn mà nộp đơn vô. Có rất nhiều TS dù không trúng tuyển vẫn không nộp hồ sơ xét tuyển mà chờ năm sau thi lại.
Cán bộ tuyển sinh tại một trường ĐH ngoài công lập tuyển được ít TS cho biết, dù có kéo dài thời gian cũng không còn nhiều nguồn tuyển. Chưa kể, điều này tạo tâm lý bất ổn cho các trường vì cứ phải nơm nớp lo xét tuyển trong thời gian quá dài. Việc xử lý công việc cũng bị ảnh hưởng nhiều vì xét tuyển. Nhiều lớp học cho tân sinh viên phải đình trệ vì chờ xét tuyển xong mới bắt đầu.
Một số chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc xác định nguồn xét tuyển của Bộ GD-ĐT năm nay cần phải xem xét lại. Bộ xác định các trường sẽ còn nhiều chỉ tiêu để xét tuyển. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Hàng loạt trường tuyển không được TS. Thậm chí, có trường như ĐH Phan Châu Trinh, năm nay chỉ tuyển được khoảng 50 TS. Đến lúc áp dụng chính sách ưu tiên cho 3 khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc và Tây nguyên cũng không còn nguồn để các trường này tuyển nữa. Vì vậy, các ý kiến cho rằng Bộ cần phải xác định chính xác hơn về nguồn tuyển cho năm sau. Nếu làm được như vậy, không cần phải kéo dài xét tuyển.
Theo TNO
Bình luận (0)