Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Không có tiền, hai anh em giành nhau nghỉ học

Tạp Chí Giáo Dục

Người này nghỉ để người kia đến trường. Chuyện xót xa ấy đến với hai anh em Hồ Văn Cương (18 tuổi), Hồ Thị Lệ (16 tuổi) những ngày sắp tựu trường…

Cương và Lệ bóc vỏ cây cùng với đội khai thác keo – Ảnh: Trần Mai

Nhiều người dân ở thôn Long Yên, xã Bình Long (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể câu chuyện xúc động về hai anh em nghèo khó giành nhau nghỉ học.

Cơ cực từ thuở bé
Eco tặng 1.850 phần quà “Tiếp sức đến trường”
Đồng hành cùng chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2014, Công ty cổ phần dược phẩm Eco tặng 1.850 phần quà là balô đến trường với tổng trị giá 320 triệu đồng.
Quà sẽ được trao đến các tân sinh viên tại 12 điểm tổ chức lễ trao học bổng của chương trình, dự kiến bắt đầu từ ngày 22-8 đến 10-10-2014.
T.O.
Bà Phạm Thị Mai, hàng xóm, kể nhà có ba anh em, anh lớn tên Hồ Văn Kiên (20 tuổi) đang học ĐH Quang Trung (Bình Định), kế là Cương mới thi đậu ĐH Phạm Văn Đồng, út là Lệ (16 tuổi) vừa đỗ vào lớp 10. Hai cái tết rồi chưa thấy Kiên về thăm nhà bởi bận đi làm kiếm tiền đi học, lâu lâu mới điện thoại hỏi thăm sức khỏe bà nội và hai em.
Bà Mai nói tiếp trước đây ba anh em sống cùng ba mẹ. Năm 2004 khi Kiên lên 10 thì mẹ bỏ làng đi làm ăn. Cứ nghĩ mẹ đi làm rồi về, nhưng hai năm trôi qua người mẹ không thấy về. Năm 2006 một người trong làng cho biết mẹ chúng giờ ra Huế có chồng rồi. Bốn cha con ra Huế tìm mẹ thì quả như vậy. Bệnh tình người cha thêm nặng. Năm 2007 cha đột ngột qua đời bỏ lại ba đứa trẻ bơ vơ.
Từ đó ba đứa trẻ tự lo cho cuộc sống của mình. “Người làng nhớ mãi chuyện bé Lệ nằm bất tỉnh bên bờ mương nước do không ăn sáng đi giặm lúa, đói quá ngất lịm”, bà Mai cho biết. Năm 2008 bà nội qua ở cùng ba đứa cháu. Tuổi cao sức yếu, bà cũng không làm được gì nhiều ngoài việc lo cơm nước. Người làng thương tình cho Kiên và Cương đi làm thêm kiếm tiền…
Năm 2012 Kiên vào ĐH. “Cương động viên anh: Cứ đi học, bà với bé Lệ để em lo” – bà Thắm, bà nội ba anh em, kể. Cương buổi đến trường, buổi còn lại khi ở ngoài đồng, khi trên núi. “Nó nghỉ học đi làm chứ chưa thấy nó nghỉ làm đi học bao giờ, vậy mà vẫn thi đậu ĐH”, bà Hồng hàng xóm nói.
Tranh nhau nghỉ học
Quá trưa một ngày giữa tháng 8, Cương và Lệ phụ làm cây với người dân trên núi vẫn chưa về. Chúng tôi theo một người trong xóm dẫn đường, vượt qua bốn quả đồi nhấp nhô để đến nơi Cương và Lệ đang vác cây từ trong rừng ra.
Đôi vai nhỏ thó của Cương gồng lên khiêng một thân cây to, phía sau Lệ cũng cố sức băng qua triền núi cùng anh đưa cây ra ngoài. Thương em không đủ sức, Cương gần như lãnh trọn khúc gỗ to trên vai, chỉ chừa lại phần nhỏ phía sau cho em.
Lệ nói hai anh em cố làm để kiếm tiền sinh sống chứ tiền học thì: “Làm để phụ anh Cương đi học. Người ta thi ĐH không đậu, ảnh đậu sao lại không đi học”. Cương chen ngang: “Anh học hết 12 rồi, còn em mới học lớp 9. Một ngày anh làm được 100.000 đồng có thể lo cho bà, anh Kiên và em. Chứ con gái làm sao lo được”.
Một chị trong đội làm cây xót xa: “Hai đứa muốn đi học lắm, vì không có tiền nên mới thế”.
Sau khi chất cây xong, uống vội ngụm nước, Cương kéo vạt áo công nhân sờn cũ lau khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, rồi cùng Lệ xuống núi. Hai anh em đạp xe ra chợ mua thức ăn xong chạy ù về nhà nhóm bếp nấu cơm. Hỏi về chuyện cổng trường ĐH, Cương chỉ đưa tay bóp trán, che đôi mắt đỏ hoe và lặng im!
Ông Nguyễn Tấn Bình – chủ tịch UBND xã Bình Long, Bình Sơn, Quảng Ngãi – cho biết: “Hoàn cảnh khốn khó của gia đình Cương xã này ai cũng biết. Nghe tin cháu đậu ĐH, UBND xã rất vui. Hiện xã đang vận động người dân góp tiền để giúp các cháu đến trường. Nhưng khả năng của xã có hạn, không thể giúp đỡ các cháu ăn học dài hơi được…”.
TRẦN MAI (TTO)

 

Bình luận (0)