Với phần mềm lọc ảo chung dự kiến xây dựng cho tất cả phương thức xét tuyển, bao gồm cả phương thức riêng của các trường ĐH, mỗi thí sinh sẽ đậu vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Sẽ không còn việc một thí sinh đậu vào nhiều trường ở nhiều phương thức xét tuyển như trước đây.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) đã nhận định điều này và thông tin rõ thêm về những điều chỉnh dự kiến ở khâu đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH năm nay.
Đăng ký xét tuyển ĐH sau khi thi
+ Phóng viên: Thưa Vụ trưởng, được biết khác với mọi năm, năm nay dự kiến thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển ĐH sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc điều chỉnh này cụ thể như thế nào?
– PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Kế hoạch tuyển sinh phụ thuộc vào thời điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đang tham vấn các bên liên quan để cố gắng công bố trong thời gian sớm nhất. Dự kiến thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở thời điểm bình thường như mọi năm, tức trước khi thi một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, khi các em đăng ký thi tốt nghiệp THPT thì chưa cần đồng thời đăng ký xét tuyển ĐH như trước đây, thay vào đó, sau thi mới thực hiện bước này. Trong những năm trước, thí sinh chủ yếu đăng ký trực tiếp trên phiếu, sau đó mới nhập dữ liệu vào hệ thống. Vì vậy, thí sinh phải đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký thi tốt nghiệp THPT để thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển và hoàn thiện, thí sinh có thể thuận tiện đăng ký trực tuyến. Hơn nữa, như năm trước, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, chúng ta vẫn phải mở cổng hệ thống để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Vậy thì tại sao chúng ta không mở cổng tuyển sinh một lần trong một khoảng thời gian nhất định (khoảng 3 – 6 tuần) sau khi các em thi tốt nghiệp THPT? Phương án này sẽ giảm bớt được một bước, thuận tiện cho thí sinh, cho hệ thống và tiết kiệm chi phí chung cho toàn xã hội.
+ Xin bà cho biết lý do Bộ GD-ĐT có chủ trương điều chỉnh một số nội dung tuyển sinh năm nay?
– Bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2021, công tác tuyển sinh vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định nên cần điều chỉnh để ngày càng hoàn thiện hơn. Chẳng hạn như vẫn tồn tại tình trạng thí sinh ảo, một thí sinh đậu vào nhiều trường ĐH khác nhau trong cùng đợt xét tuyển, gây ảnh hưởng tới cơ hội trúng tuyển của các em khác, gây khó khăn cho công tác dự báo trong tuyển sinh của cơ sở đào tạo… Nguyên nhân do các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành nhưng phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý hoặc tuyển sinh không đúng với số lượng chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh và gây một số hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Ngoài ra, các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau nhưng chưa có đủ biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh. Có trường tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo gia tăng. Cũng có trường chưa thực sự tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên và có năng lực nhất. Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo khai báo chỉ tiêu tuyển sinh chưa thống nhất giữa các hệ thống hoặc chưa thực hiện đúng kế hoạch, đủ hết quy trình đối với việc xác định chỉ tiêu. Cũng có trường chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển, do vậy thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển và phải xử lý các vấn đề nảy sinh sau khi thí sinh tiến hành nhập học. Một số trường nhập thông tin về điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố… Có những trường không dự báo được thí sinh trúng tuyển nhập học, đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu; chưa có dự báo và có giải pháp để xử lý tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng vẫn không trúng tuyển. Các trường chưa cảnh báo được và có giải pháp xử lý tình huống đối với các rủi ro, sai sót trong quá trình tuyển sinh. Một số trường báo cáo số lượng thí sinh nhập học còn thiếu, thậm chí không nhập dữ liệu, nhập không đúng thời gian và cấu trúc quy định…
Lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển
+ Năm nay, Bộ GD-ĐT đã có giải pháp gì khắc phục những tình trạng như đã đề cập ở trên, thưa bà?
– Để khắc phục, năm nay Bộ GD-ĐT dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong đó, có dự kiến xây dựng phần mềm lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển, bao gồm cả phương thức xét tuyển riêng của các trường ĐH thay vì chỉ lọc ảo theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT như trước. Như vậy, mỗi thí sinh sẽ đậu vào một nguyện vọng được ưu tiên nhất đã lựa chọn trong số tất cả các phương thức và các cơ sở đào tạo; không còn tình trạng một thí sinh đậu vào nhiều trường ở nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như các năm trước, làm ảnh hưởng tới cơ hội của các thí sinh khác (hiệu ứng dây chuyền), cũng như gây khó khăn cho các trường.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021
+ Vậy theo bà, việc lọc ảo chung tất cả nguyện vọng của thí sinh và thí sinh chỉ trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất liệu có ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường và hạn chế quyền lựa chọn của thí sinh?
– Việc này sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền tự chủ của các trường cũng như quyền lợi của thí sinh. Thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và được trúng tuyển ở nguyện vọng ưu tiên cao nhất (đã sắp xếp theo thứ tự nguyện vọng) khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Các cơ sở giáo dục ĐH cũng vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định, áp dụng những phương thức xét tuyển đa dạng với nhiều đối tượng thí sinh, đồng thời dự báo được chính xác số lượng trúng tuyển do lượng thí sinh ảo giảm tối đa.
Có thể nói, chủ trương xây dựng và áp dụng một phần mềm lọc ảo chung của Bộ GD-ĐT đã nhận được sự đồng thuận của nhiều trường ĐH vì sẽ khắc phục được tình trạng thí sinh ảo. Đây vốn là vấn đề “đau đầu” với đại đa số các trường mỗi mùa tuyển sinh, bởi nếu không tính toán chính xác được số lượng thí sinh ảo thì các trường sẽ có nguy cơ tuyển thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, đều có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn.
+ Xin cảm ơn Vụ trưởng!
Mê Tâm
Bình luận (0)