Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, từ năm học 2024-2025, quy định dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT 2018 ở toàn bậc tiểu học. Do đó không còn khái niệm chính khóa, ngoại khóa trong thời lượng 2 buổi/ngày. Nội dung giáo dục ngoài giờ chính thức là các hoạt động giáo dục nằm ngoài thời lượng 7 tiết/ngày.
Năm học 2024-2025, lần đầu tiên Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở cả 5 khối lớp bậc tiểu học. Nhiều khái niệm trước đó theo Chương trình GDPT 2006 đã không còn phù hợp, thay vào đó là nhiều nội dung mới, phụ huynh học sinh cần nắm để đảm bảo quyền lợi của học sinh, giúp các em phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018 đặt ra.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đã có những trao đổi làm rõ những nội dung giáo dục triển khai ở bậc tiểu học từ năm học 2024-2025.
Không còn khái niệm buổi sáng là chính khóa, buổi chiều là ngoại khóa
Phóng viên: Xin ông cho biết, những điểm mới khi thực hiện chương trình giáo dục ở bậc tiểu học từ năm học 2024-2025 là gì, thưa ông?
– Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc: Năm học 2024-2025, Chương trình GDPT 2018 được triển khai xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 5 ở bậc tiểu học. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc tiểu học, 100% học sinh học 2 buổi/ngày, để được rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu mà chương trình đặt ra.
Do đó, đối với bậc tiểu học từ năm học này, các trường tiểu học phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Khái niệm buổi 1, buổi 2, quan điểm buổi sáng là chương trình chính khóa, buổi chiều là chương trình ngoại khóa theo Chương trình GDPT 2006 trước đây đã không còn phù hợp bởi hiện nay quy định bắt buộc nhà trường phải dạy học 2 buổi/ngày.
Khi trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cần tổ chức mỗi ngày không quá 7 tiết, thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần, với 32 tiết/tuần.
Trong đó, ngoài việc thực hiện đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục được Bộ GD-ĐT quy định trong Chương trình GDPT 2018, nhà trường được tổ chức thiết kế các nội dung, hoạt động giáo dục thuộc chương trình nhà trường để hỗ trợ tốt nhất cho chương trình giáo dục quốc gia cũng như hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 đặt ra, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, giáo dục toàn diện học sinh.
Điều này có nghĩa là, ở bậc tiểu học, chương trình nhà trường thuộc kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày của mỗi nhà trường. Chương trình nhà trường bổ trợ, song hành cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, không thể tách rời nếu muốn thực hiện tốt nhất mục tiêu Chương trình GDPT 2018. Việc học sinh tiểu học tham gia chương trình nhà trường là quyền lợi của mỗi học sinh, để các em hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực, trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết nhất về tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống… để không chỉ đáp ứng việc học tập ở bậc tiểu học mà còn ở các bậc học tiếp theo.
Chương trình nhà trường ở bậc tiểu học TP.HCM bao gồm những nội dung gì, thưa ông?
– Tại TP.HCM, căn cứ theo Đề án dạy học ngoại ngữ, tin học của UBND TP và các công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về giáo dục STEM, kỹ năng sống, giáo dục kỹ năng công dân số, chương trình nhà trường ở bậc tiểu học năm học 2024-2025 bao gồm việc: tổ chức dạy học ngoại ngữ (gồm dạy học ngoại ngữ tăng cường, dạy giao tiếp với người nước ngoài; dạy học ngoại ngữ qua toán và khoa học); tổ chức giáo dục STEM; tổ chức rèn luyện kỹ năng sống và các loại hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; tổ chức hoạt động dạy học tin học tăng cường theo chuẩn quốc tế và giáo dục kỹ năng công dân số.
Ở mỗi trường tiểu học khác nhau, chương trình nhà trường sẽ được thiết kế với đặc thù riêng khác nhau, không chỉ phù hợp với đặc thù của nhà trường về đội ngũ, cơ sở vật chất và đối tượng học sinh mà còn phù hợp với địa phương nơi nhà trường trú đóng. Đặc biệt là hướng tới tính mục tiêu theo định hướng phát triển của trường, hài hòa với mục tiêu chiến lược phát triển của ngành giáo dục thành phố.
Nội dung giáo dục ngoài giờ học chính thức là nội dung sau giờ học
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, các nội dung giáo dục ngoài thời lượng quy định 7 tiết/ngày ở bậc tiểu học thì được gọi là nội dung giáo dục ngoài giờ chính thức. Các nội dung này vẫn thuộc chương trình nhà trường, nhà trường có thể tổ chức theo hình thức câu lạc bộ; hoạt động tham quan ngoại khóa ngoài nhà trường, tùy theo nhu cầu và năng lực của học sinh, thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Sau giờ học mỗi ngày, nhà trường có thể tổ chức các câu lạc bộ sau giờ chính khóa cho học sinh cho đến khi học sinh được đón về. Phụ huynh học sinh nào có nhu cầu học thì đăng ký để tham gia theo tinh thần tự nguyện. |
Chủ động đưa nội dung chương trình nhà trường vào buổi sáng hoặc buổi chiều
Khi đã không còn khái niệm buổi sáng là chính khóa, buổi chiều là ngoại khóa, vậy thời khóa biểu các trường tiểu học sẽ thiết kế như thế nào thưa ông?
– Từ năm học 2024-2025, quy định ở bậc tiểu học dạy học 2 buổi/ngày. Chương trình nhà trường thuộc kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, chính vì thế các trường tiểu học được chủ động xây dựng thời khóa biểu, có thể đưa các nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường vào thời khóa biểu buổi sáng hoặc buổi chiều, tùy theo điều kiện đặc thù của trường, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và thuận lợi nhất cho phụ huynh học sinh đưa đón. Thời khóa biểu phải đảm bảo quy định về số tiết/ngày, không gây quá tải cho học sinh, giáo viên.
Khi xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình nhà trường, hiệu trưởng nhà trường phải thông tin, công khai đầy đủ tới phụ huynh học sinh ngay từ đầu năm học; thông tin đến phụ huynh về mục tiêu của từng nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng gì, mục tiêu trước mắt là gì, mục tiêu dài hơi là gì, chất lượng cụ thể của chương trình ra sao…, để phụ huynh hiểu và đồng thuận. Khi phụ huynh có sự đồng thuận, nhà trường thiết kế thời khóa biểu khoa học, phù hợp.
Điều quan trọng là để triển khai Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, để các em học sinh được thụ hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất, để các em có thể phát triển toàn diện những kỹ năng, hình thành những năng lực giải quyết vấn đề không phải chỉ dừng ở bậc tiểu học mà còn phục vụ các bậc học cao hơn… thì nhà trường và ngành giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của phụ huynh, xã hội. Ở bậc tiểu học hiện nay, với thời lượng 7 tiết/ngày đã không còn khái niệm buổi sáng là chính khóa, buổi chiều là ngoại khóa nữa. Đây là sự thuận lợi lớn để nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục, rèn luyện học sinh hiệu quả nhất.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)