Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Không còn nơi để đi

Tạp Chí Giáo Dục

Quảng Nam có khoảng 10.000 lao động không trở lại chỗ làm trong dịp đầu năm mới này. Với một số người đó là sự lựa chọn. Nhưng với nhiều người khác, phải ở lại quê vì không còn chốn nào để đi.

Từ Tam Kỳ trở vào, công nhân dạt quê phần nhiều chưa có công ăn việc làm, hàng ngày ngồi nhà ngó ra cùng bố mẹ (ảnh chụp tại Núi Thành).

Họ nằm trong số 47.000 lao động làm ăn xa quê (chủ yếu là vào TPHCM) của Quảng Nam. Với 10.000 người ở lại, Kỷ Sửu là năm có số lao động ở lại quê nhà đông nhất – gấp bốn lần mọi năm. 

Cả nhà ngồi không

Sáng ngày 5/2, sau khi nghe giám đốc công ty cổ phần Quan Châu (khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Núi Thành) tuyên bố không nhận lại số lao động tự ý bỏ việc ba ngày trước, Nguyễn Văn Đức (27 tuổi, xã Tam Hiệp, Núi Thành) có vẻ hối hận. Ba ngày trước (mồng 8 tết), Đức nằm trong số 100 công nhân đình công để đòi giảm giờ làm và tăng lương. Lãnh đạo công ty đã bác yêu cầu này, và quyết định không nhận lại số công nhân đình công.  

Theo ông Trần Lê Hùng, cán bộ Phòng Nội vụ – Lao động thương binh xã hội huyện Núi Thành, lao động xa quê giải toả đáng kể áp lực việc làm hàng năm ở địa phương. Bây giờ họ bị dội trở lại gây khó khăn rất nhiều cho gia đình, xã hội. “3.000 lao động thất nghiệp trong khi cả 45 doanh nghiệp trên địa bàn đều chưa có doanh nghiệp nào thông báo tuyển dụng lao động, hoặc có kế hoạch tuyển dụng lao động năm 2009 này”, ông Hùng lo lắng. 

Số lao động không có việc làm này đã không còn đồng ruộng để lui về như nhiều địa phương khác trong tỉnh. Núi Thành là huyện có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng các khu, cụm công nghiệp lớn nhất Quảng Nam. Huyện này cũng có số nông dân còn trong độ tuổi lao động (40 – 60 tuổi) nhưng không còn việc làm nhiều nhất tỉnh. 

Ký đơn xin việc mỏi tay 

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong (huyện Điện Bàn) cho biết, chưa có đầu năm nào ông ký đơn nhiều như bây giờ; riêng xác nhận hộ khẩu thường trú cho các hồ sơ xin việc từ mồng 4 tết đến nay, ông Hải đã ký… 300 hồ sơ. Toàn bộ số này là lao động TPHCM ở lại nhà. Theo ông Hải, phần lớn công nhân xã ông chủ động ở lại nhà để xin việc làm ở quê cho tiện. 

“Từ đầu 2009 đến nay, các doanh nghiệp may mặc, da giày ở khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc thông báo tuyển đến 5.000 công nhân”, ông Lê Chí Thái, cán bộ Phòng Nội vụ – Lao động thương binh xã hội huyện Điện Bàn nói. 

Ở xã Bình Trị (Thăng Bình), Phó Chủ tịch UBND xã Lê Phước Mãnh, hoan hỷ: “Gần một nửa trong số 700 lao động ở nhà đã nộp hồ sơ xin việc Điện Bàn”. Cô Lê Thị Hoa (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) vừa được công ty TNHH Huy Hoàng 2 (Duy Vinh) nhận vào làm với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng nói: “Năm nay em quyết định bỏ đi làm cho công ty may Việt Tiến (Tân Bình, TPHCM) để làm ở nhà”. Hoa nằm trong số công nhân chủ động ở lại quê để kiếm cuộc sống tốt hơn, do không tốn chi phí thuê nhà. 

Theo Đoàn Nguyễn
 Sài Gòn tiếp thị

 

Bình luận (0)