Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không còn “thương cho roi cho vọt”

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học này, tôi dạy một học sinh mà ba em cũng là học trò cũ của tôi. Ngay ngày đầu năm học, bà nội em dắt cháu đến và nói với tôi: “Nó lười, lì và quậy y như ba nó hồi xưa. Thầy cứ đánh, la dạy để nó nên người như ba nó”. Lâu lắm rồi, tôi mới nhận được một lời gửi gắm như thế.

Mấy mươi năm về trước, tôi là một giáo viên có tiếng dạy học sinh yếu, chưa ngoan trở nên ngoan ngoãn, chăm chỉ hơn. Bởi thế, khi phân lớp, ban giám hiệu thường giao cho tôi những học sinh học yếu, lười biếng, nghịch ngợm. Chưa kể, phụ huynh nghe tiếng tôi, đến gặp ban giám hiệu hay nhờ các thầy cô quen biết xin vào lớp tôi dạy. Tôi rất nghiêm khắc nhưng rất yêu thương học sinh. Tôi khẳng định tôi dạy dỗ học sinh chưa ngoan thành công là do tôi đã áp dụng biện pháp trách phạt và cả sử dụng đòn roi. Tôi áp dụng đúng như câu: “Thương cho roi cho vọt”. Khi các em sai, tôi phân tích dạy bảo. Các em phạm cùng một lỗi đến lần thứ ba, tôi mới trách phạt sau khi cho các em tự nhận thấy là mình đã không tiến bộ dù được nhắc nhở nhiều lần. Trách phạt rồi, nếu các em ấy vẫn vi phạm lần thứ tư thì tôi mới dùng roi. Tôi đánh các em vào bàn tay bằng roi mây, tôi đánh nhiều nhất là ba roi. Những em tiến bộ luôn được tôi khen và đôi khi thưởng tập hay sách, truyện. Tôi luôn phân những em học sinh giỏi, ngoan ngồi gần để giúp đỡ những em học yếu, chưa ngoan. Việc làm đó cũng để các em ấy học hỏi điều hay, điều tốt từ bạn và cũng để các em ấy không có mặc cảm mình hư, học dỡ nên không dám kết thân với các bạn giỏi, ngoan. Những lúc rảnh rỗi tôi thường dạy các em hát, bày trò cho các em chơi. Các em vừa bị tôi trách phạt, đánh đòn xong, hát hay, chơi giỏi đều được tôi khen như những em khác.

Bây giờ, mỗi lần tôi gặp học trò cũ nay đã trưởng thành, các em thường nhắc lại chuyện cũ và chuyện tôi trách phạt hay đánh đòn các em thường xuyên được nhắc tới. Tôi hay hỏi, vậy hồi đó bị thầy phạt rồi đánh đòn các em có ghét thầy không. Tất cả các em đều trả lời “không”. Các em nói lúc đó chúng em chỉ sợ thầy khi phạm lỗi thôi chứ không hề ghét. Có em còn nói nếu ghét thì bây giờ chúng em đâu có thăm hỏi thầy.

Như vậy, rõ ràng chính học sinh bị trách phạt, đòn roi cũng hiểu điều đó xuất phát từ tình thương yêu, dạy bảo của tôi. Trong khi đó, đa số các bậc phụ huynh hiện nay yêu chiều con nên chỉ nghe thầy cô trách phạt, đánh đòn con mình đã giận dữ, làm lớn chuyện lên mà không nghĩ đến điều ấy có hại cho con mình đến mức độ nào, có lợi cho con mình ra sao? Chả trách hiện nay nhiều người nói trẻ em bây giờ hư hỏng quá.

Những năm gần đây, tôi không còn trách phạt hay đánh đòn học sinh nữa. Chẳng phải vì tôi cho rằng biện pháp trách phạt, đòn roi là sai mà vì tôi sợ bị phụ huynh mắng chửi, thậm chí hành hung. Sợ xã hội lên án là tôi lạc hậu, không biết cách giáo dục học sinh. Tôi đã không còn “thương cho roi cho vọt” nữa là vì thế đó!

Lê Phương Trí

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)