Mới đây, tôi đến cây ATM của chi nhánh Ngân hàng Quân đội (MB) trên đường Nguyễn Oanh (phường 10, Gò Vấp, TP.HCM) để rút tiền vì thẻ của tôi cũng là thẻ MB. Quan sát thấy, cả 3 cây ATM của ngân hàng này đều nằm trong trạng thái hoạt động bình thường bởi không có thông báo nào về lỗi thiết bị hay cũng như cảnh báo tình trạng hư hỏng nào. Tôi đút thẻ vào cây ATM thứ nhất rút tiền nhưng không được, tôi chuyển qua cây thứ 2 và ấn lệnh rút như bình thường. Ngay khi lệnh rút vừa xong, tin nhắn trên điện thoại của tôi đã báo bị trừ tiền rút cùng 1.100 đồng tiền phí. Tuy nhiên, do bị lỗi gì đó nên máy không nhả tiền và sau đó một lúc, điện thoại của tôi lại nhận được tin nhắn với nội dung là tài khoản của đã được cộng số tiền tôi vừa rút không thành trước đó kèm phí giao dịch vẫn là 1.100 đồng. Như vậy, việc tôi đến cây ATM rút tiền mặc dù không thành công, nhưng tôi vẫn bị thu 2 lần phí (phí rút tiền và phí hoàn tiền). Điều này đồng nghĩa với việc nhà cung cấp dịch vụ (cụ thể là Ngân hàng MB) đã không cung cấp được dịch vụ cho khách hàng nhưng vẫn thu phí gấp đôi (trong trường hợp khách hàng rút tiền thành công thì chỉ mất 1.100 đồng, còn không thành công bị mất 2.200 đồng).
Một lần khác, tôi cũng dùng thẻ MB của tôi đến rút tiền tại cây ATM của Ngân hàng BIDV trước Điện lực Thủ Đức (đường Tô Ngọc Vân) nhưng cũng không thành công và bị trừ 6.600 đồng. Câu chuyện bị trừ phí gấp đôi tương tự như trường hợp của tôi vẫn thường xảy ra đối với khách hàng dùng thẻ ATM để rút tiền nhưng rút tiền không thành công.
Câu chuyện này làm tôi chợt nhớ lại việc một số người đã đặt vấn đề rằng, những cây ATM mà ngân hàng chủ quản không nạp tiền hoặc hạn chế việc nạp tiền vào nhưng khách hàng cứ đến rút tiền. Và như vậy, số lượng khách hàng rút tiền không thành công càng nhiều thì số tiền thu được càng lớn. Phải chăng đây là điều mà các ngân hàng có thể tiếp cận như một số người đã đặt ra?
Thiết nghĩ, dịch vụ rút tiền trên cây ATM đem lại nhiều tiện lợi cho mọi đối tượng và việc tiến hành thu phí là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, xét dưới góc độ quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ cũng là quan hệ cung – cầu. Hoạt động này cũng là hoạt động kinh doanh và người sử dụng sẽ phải trả tiền khi nhu cầu sử dụng dịch vụ được nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng đầy đủ, chứ không thể không cung cấp được dịch vụ cho người ta mà lại đi thu tiền của người ta được.
Yên Hòa
Bình luận (0)