Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Không dại gì đánh trẻ trước máy quay của Camera

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại các trường mầm non tư thục, ngoài công lập đang phổ biến việc lắp camera để các phụ huynh quan sát con, cô giáo. Tuy nhiên, đây không phải là cách đảm bảo chắc chắn rằng các cô giáo không bạo hành với trẻ mầm non.
Mua sự yên tâm?

Sau hàng loạt vụ trẻ mầm non bị bạo hành, ngược đãi, không được quan tâm chu đáo dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, vấn đề giám sát trẻ trong lớp càng được các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn. Trên diễn đàn dành cho trẻ thơ, nhiều bậc phụ huynh đã chia sẻ suy nghĩ: Thà chịu mất nhiều tiền để con được học ở trường có lắp camera, như vậy mới yên tâm. Một phụ huynh có nick mecuabong cho biết: “Không phải là không tin tưởng các cô, nhưng rõ ràng, lớp học có camera khiến mình yên tâm hơn hẳn, vì con mình còn nhỏ, lại mới đi trường nên khóc nhiều. Nhìn thấy con hết khóc, chịu chơi, chịu ăn, chịu ngủ trên lớp cũng đỡ lo”.
Một lớp học của trường mầm non, chụp từ camera
Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Babymoon cho biết, các lớp học trong trường đều có camera, ngoài ra, tại sảnh tầng 1 cũng có một màn hình chiếu hình ảnh từng lớp để phụ huynh đến đón con có thể nhìn thấy con đang làm gì trong lớp.
Nắm được tâm lý đó, rất nhiều trường mầm non tư thục ở các  thành phố lớn đã trang bị camera trong các lớp học, đương nhiên học phí tại các trường này cũng cao hơn nhiều so với những trường bình thường khác. Bên cạnh việc sử dụng phương tiện này để quản lý, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, còn là “chiêu” để “hút” học sinh trong thời buổi cạnh tranh đầy khốc liệt như hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khi được hỏi cho biết, việc lắp camera chỉ cần thiết đối với lớp nhà trẻ và mẫu giáo bé (dưới 36 tháng), bởi các cháu còn quá nhỏ, phụ huynh thường lo sợ nhiều hơn so với các cháu lớn.
Không thể suốt ngày theo dõi màn hình
H. một giáo viên mầm non tư thục cho biết, áp lực đối với một giáo viên mầm non là vô cùng lớn. Các cô thường phải có mặt tại trường từ 6h30 sáng và chỉ được về khi đã trả hết trẻ, sớm nhất cũng phải 6-7h tối các cô mới rời trường. Trong hơn 12 tiếng tại lớp học, các cô phải lau dọn lớp học, cho trẻ ăn, chỉnh trang quần áo để học bài và múa hát; thu dọn các loại đồ chơi; kê bàn ghế, xếp đặt chén bát, muôi, thìa; bón cho các cháu ăn bữa chính, bữa phụ, ăn quà chiều, uống thuốc, uống sữa, giặt quần áo do các cháu, dọn dẹp chỗ các cháu nôn, trớ, trả các cháu cho phụ huynh… Đó là còn chưa kể đến việc phải để mắt tới từng trẻ, không cho trẻ cào cấu, đánh nhau hay ngã té. Ngần ấy công việc không hề ít, trong khi thù lao các cô được trả mỗi tháng chỉ trên dưới 1,5 triệu đồng.
Chăm sóc các cháu đã vất vả, các cô còn phải chịu nhiều áp lực từ phía nhà trường, nhất là về mặt thời gian. Với một lớp vài chục cháu, các cô phải giục cho các cháu ăn hết suất và ăn xong đúng giờ. Nếu không ăn hết suất, các cháu không tăng cân sẽ bị phụ huynh phàn nàn. Nếu không ăn kịp sẽ lấn sang giờ ngủ, giờ chơi, các cô cũng sẽ bị hiệu trưởng nhắc nhở, trừ lương.
Chính vì áp lực quá lớn như vậy nên nhiều cô giáo đã không làm chủ được bản thân, có những hành động phản giáo dục như dọa dẫm, nhốt trẻ vào phòng vệ sinh, lấy thước đánh vào lòng bàn tay… Bên cạnh đó, còn một thực tế là tại các trường mầm non ngoài công lập, có rất nhiều cô giáo, bảo mẫu không được đào tạo qua trường lớp nào, thậm chí có cả lao công, tạp vụ, chưa tốt nghiệp THPT cũng được đứng lớp. Việc những giám đốc, chủ đầu tư các cơ sở mầm non đưa con em, người thân quen của mình vào dạy là khá rất phổ biến.
Cô H. khẳng định, kể cả tại các trường có camera, phụ huynh cũng không nên quá tin tưởng bởi các cô chẳng dại gì mà đánh, phạt các cháu… trước máy quay.
Một quan chức trong ngành giáo dục cho biết, camera không phải là biện pháp tốt để quản lý hoạt động dạy, học trong lớp, bởi cả hiệu trưởng và phụ huynh học sinh không thể ngồi suốt ngày từ sáng đến chiều nhìn màn hình để quản lý các cô. Vấn đề là phải giáo dục, đào tạo giáo viên có tâm lý thoải mái và tự giác làm việc, yêu thương trẻ như chính con mình thì việc nuôi dạy trẻ mới hiệu quả.
Nguyên Minh / Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)