Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Không đầu hàng hoàn cảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Em Nguyễn Lê Gia Hỷ, Lê Hồng Thụy Vy và Trịnh Tuấn Kiệt (thứ hai từ phải qua) cùng giao lưu tại buổi lễ trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh lần XI
Sinh ra trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, em thì mồ côi, em có bố hay mẹ mang bệnh hiểm nghèo…; nhưng càng khó bao nhiêu thì những đứa con trong các gia đình có truyền thống nhà giáo càng nỗ lực để vươn lên trong học tập.
Học để thoát nghèo
Lúc 4 tuổi, Nguyễn Lê Gia Hỷ (học sinh (HS) lớp 12, Trường THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM) bị viêm võng mạc và trở thành trẻ khiếm thị. Có mấy ai nghĩ, trẻ khiếm thị có thể học chung với HS bình thường, ấy vậy mà sau khi học xong lớp 2 ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Hỷ được thầy cô và bố mẹ đưa vào lớp học hòa nhập vì mọi người thấy sức học của em rất khá. Từ đó, năm nào em cũng đạt danh hiệu HS giỏi suốt 11 năm liền; năm học vừa qua, Hỷ còn vươn lên đứng đầu khối 11 của trường với thành tích học tập là 8,5 điểm tổng kết.
Với những đứa trẻ bình thường, để giữ vững thành tích HS giỏi liên tục trong 11 năm liền là rất khó, riêng HS bị khiếm thị như Hỷ, phải cố gắng gấp nhiều lần. Thay vì chỉ ôn bài vài giờ vào buổi tối như các bạn khác, Hỷ đã thức đến 1, 2 giờ sáng để đánh vật cùng những con số. Khó khăn nhất của em là ghi chậm hơn các bạn khác hay những môn có hình ảnh trực quan như hình học, vật lý, sinh học… thì em khó mà vẽ được. Và một trong những khó khăn nữa mà Hỷ phải đối diện là các bài kiểm tra. Hỷ chia sẻ: “Đến giờ kiểm tra, thầy cô thường bố trí một bạn đọc đề cho em làm, sau khi làm xong, do thầy cô không đọc được chữ nổi nên đã nán lại nghe em trình bày bằng miệng để cho điểm. Còn bạn đã đọc đề cho em luôn được các thầy cô cộng thêm giờ làm bài kiểm tra”. Chính nhờ sự giúp đỡ này mà Hỷ đã vượt qua bao khó khăn, em dự định sẽ thi vào Khoa Vật lý của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).
Cùng có mặt tại buổi lễ trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ XI năm học 2012-2013, em Trịnh Tuấn Kiệt (HS lớp 10 chuyên Anh, Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐHQG TP.HCM) không giấu nổi xúc động khi được xướng tên. Em là con của chị Hứa Thị Hạnh Loan, nhân viên y tế Trường THCS Lê Anh Xuân (Q.Tân Phú), cha đang thất nghiệp. Cả gia đình sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của mẹ nên cuộc sống hết sức bấp bênh. Càng thương bố mẹ vất vả bao nhiêu, em càng cố gắng học bấy nhiêu. Từ năm lớp 6 đến lớp 9, em liên tục đạt danh hiệu HS giỏi. Trong kỳ thi HS giỏi lớp 9 năm học 2012-2013, em đạt giải nhất cấp thành phố môn toán; giải nhì cấp quốc gia môn toán máy tính bỏ túi. Chia sẻ bí quyết học tập, Kiệt cho hay: “Cứ nghĩ đến hoàn cảnh nghèo khó của gia đình là em lại cố gắng học để sau này có công việc ổn định, giúp bố mẹ thoát được cảnh nghèo. Em rất thích học các môn như toán, lý, hóa nên có thể học mọi lúc mọi nơi”.
Hoàn cảnh gia đình cũng đặc biệt khó khăn nhưng suốt 11 năm qua em Lê Hồng Thụy Vy (HS lớp 12, Trường THPT Lê Quý Đôn) vẫn luôn cố gắng đạt danh hiệu HS giỏi. Vy là con của thầy Lê Quang Thanh, giáo viên thể dục của Trường THPT Lê Quý Đôn, đã mất năm 2011 do bị bệnh hiểm. Mẹ chỉ làm nội trợ nhưng hiện đang bị viêm khớp nặng, nay lại phải về quê để lo cho bà ngoại 98 tuổi bị bệnh. Anh trai vừa tốt nghiệp ĐH, hai anh em cưu mang, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua những mất mát, khó khăn này. “Em chỉ có mơ ước duy nhất là thấy lại nụ cười trên mặt mẹ sau ngày ba mất, vì vậy em tự hứa với mình không được gục ngã mà phải đứng dậy sau nỗi đau, cố gắng học tốt, thi đỗ vào ĐH để mẹ được vui”, Vy bày tỏ.
Gia đình là nguồn động viên lớn
“Em chỉ có mơ ước duy nhất là thấy lại nụ cười trên mặt mẹ sau ngày ba mất, vì vậy em tự hứa với mình không được gục ngã mà phải đứng dậy sau nỗi đau, cố gắng học tốt, thi đỗ vào ĐH để mẹ được vui”, em Lê Hồng Thụy Vy (HS lớp 12, Trường THPT Lê Quý Đôn) bày tỏ.
Để các em có được thành tích học tập đáng khen ngợi, không thể không kể đến công lao của các bậc phụ huynh. Dù hết sức khó khăn nhưng bản thân là nhà giáo, họ không thể để con cái mình nghỉ học mà ngược lại càng cố gắng chăm lo cho các em.
Ngay khi Hỷ bị mù, vợ chồng chị Nguyễn Khắc Ngọc Hân (hiện là giáo viên Trường TC Nghề kỹ thuật Hùng Vương) đã hoang mang vì không biết cuộc sống sau này của con sẽ thế nào. Vậy nhưng, với nghị lực của những nhà giáo (chồng chị là thầy Nguyễn Hữu Long, giáo viên Trường THPT Gò Vấp), họ quyết tâm dẫn lối cho con bằng con đường học tập. Không thể đếm được bao nhiêu đêm anh chị thức trắng để học chữ nổi cùng con, đọc bài tập cho con chép, rồi còn đánh các bài học bằng phần mềm dành cho người mù trên máy tính… Chị Hân cho biết: “Khi học THCS, Hỷ vừa học ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10), vừa phải quay về Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để học các lớp kỹ năng dành cho người mù. Mỗi ngày tôi đưa rước con tới 6-7 lần. Tôi còn tham gia các buổi hội thảo dành cho người khiếm thị để thấu hiểu được sự phát triển tâm lý của con, từ đó có sự quan tâm đúng cách, kịp thời…”. Lo lắng, chăm sóc con như vậy nhưng khi hỏi chị mong ước điều gì nhất ở con, chị Hân mỉm cười, nói: “Tôi không mong Hỷ trở thành người thành đạt này nọ, như những phụ huynh khác, tôi chỉ mong con trưởng thành, tự chăm sóc cho bản thân là đã vui lắm rồi…”.
Trong khi đó, cô Đoàn Thị Thu Hoài, giáo viên Trường THPT Tây Thạnh (vợ thầy Trần Văn Sơn, nguyên giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng vừa qua đời do bị bệnh nan y), tuy là một phụ nữ đơn thân nuôi hai con nhỏ đang học tiểu học nhưng đã cố gắng vượt qua mất mát này để giáo dục, động viên các con phấn đấu học giỏi. Cô xúc động nói: “Bản thân tôi là nhà giáo thì phải sống thanh liêm, trong sạch và cố gắng không ngừng để con cái, học trò noi theo. Vì vậy, tôi sẽ không ngại khó khăn nuôi dạy con thật tốt, trưởng thành là những công dân có ích cho xã hội…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
 
Vừa qua, Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM đã tổ chức trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ XI năm học 2012-2013 cho 177 HS là con em của các công đoàn viên trong ngành với tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Trong đó có 49 HS hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (đối tượng 1), khen thưởng 41 HS lớp 12 (đối tượng 2) và 87 HS lớp 9 (đối tượng 3) đạt thành tích cao trong học tập. Theo đó, trị giá mỗi suất học bổng dành cho đối tượng 1 là 2 triệu đồng, đối tượng 2 là 900 ngàn đồng, đối tượng 3 là 700 ngàn đồng.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)