Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không dạy tiếng Hoa trong trường mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là chỉ đạo nghiêm của bà Trương Thị Việt Liên – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (MN), Sở GD-ĐT TP.HCM tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 bậc MN, diễn ra ngày 18-1.

Trường MN 30-4 (Q.Bình Tân) là một trong 3 trường MN của TP.HCM thí điểm giữ trẻ ngoài giờ. Ảnh: N.Trinh

Theo báo cáo, qua đợt thanh đột xuất gần đây tại các trường MN đã phát hiện một số trường MN ngoài công lập tổ chức giảng dạy tiếng Hoa cho trẻ. Thậm chí, nhiều trường còn phiên chương trình giáo dục sang tiếng Hoa khi chưa có sự thẩm định về phương pháp, chương trình giảng dạy của Sở GD-ĐT.

Bà Việt Liên cho biết: Kết quả thanh tra cho thấy, bản thân hiệu trưởng không nắm bắt được quy định ngoại ngữ nào được đưa vào cho trẻ làm quen, ngoại ngữ nào không được thực hiện. Việc tự ý giảng dạy như vậy là sai hoàn toàn, bởi hiện tại trẻ MN chỉ được làm quen với duy nhất tiếng Anh.

“Các trường đang giảng dạy phải dừng ngay, giáo viên chỉ sử dụng tiếng Việt để giáo dục, chăm sóc các cháu”, bà Việt Liên nhấn mạnh.

Ngoài tự ý dạy tiếng Hoa, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại một số trường MN ngoài công lập còn tồn đọng nhiều bất cập. Các đồ dùng, vật dụng như ti vi, tủ đựng chăn mền, quạt, kệ treo đồ lắp đặt chưa đúng cách, kê cao, lỏng lẻo, tiềm ẩn nguy cơ đổ, sập gây ra tai nạn cho trẻ. Đây là vấn đề đáng lo ngại vì đã từng xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm do vật dụng đổ sập. Còn trong công tác tổ chức bữa ăn, nhiều vật dụng như bồn rửa thức ăn, chén đĩa không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, tại một số trường đã xảy ra tình trạng cắt xén tiền ăn của trẻ, gây bức xúc dư luận. Nguyên nhân do hiệu trưởng không quản lý khoản thu tiền ăn, giao hết cho các chủ thầu nấu ăn.

Chưa thể mở rộng giữ trẻ ngoài giờ

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, đến thời điểm hiện tại, 3 trường MN 30-4 (Q.Bình Tân) và MN Hoa Đào, Hoàng Yến (Q.Thủ Đức) đã tổ chức giữ trẻ ngoài giờ. Thời gian từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30 các ngày thứ hai đến thứ sáu và từ 7 giờ 30 đến 17 giờ 30 ngày thứ bảy. Ngân sách chi trả cho giáo viên gồm 50% của Nhà nước, 50% vận động doanh nghiệp hỗ trợ và thu của phụ huynh.

Tại Trường MN 30-4 (Q.Bình Tân), kế hoạch duyệt cho giữ 60 trẻ nhưng hiện tại chỉ có 15 trẻ tham gia. Trong khi đó tại Q.Thủ Đức đã giữ đủ 180 trẻ theo kế hoạch phê duyệt. Cụ thể Trường MN Hoa Đào giữ 150 trẻ, MN Hoàng Yến giữ 30 trẻ. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó Trưởng phòng Phòng GD-ĐT Thủ Đức – cho biết: “Đặc thù khu vực Q.Thủ Đức đông công nhân nên kế hoạch giữ 180 trẻ không đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, chưa kể nhóm nhà trẻ cũng có đề xuất mở lớp giữ thêm”.

Về vấn đề này, bà Việt Liên cho rằng: “Đây là năm đầu tiên thí điểm nên không thể mở rộng, phải đợi kết quả tổng kết, đánh giá sau một năm thực hiện thì mới xem xét có nên mở rộng không. Riêng các bé ở độ tuổi nhà trẻ, sẽ không thể mở lớp vì khó đảm bảo yếu tố an toàn”. 

Nhằm đảm bảo môi trường giáo dục, chăm sóc trẻ đúng quy định của ngành, bà Việt Liên yêu cầu các trường phải khắc phục ngay những bất cập còn tồn đọng. Riêng tiền ăn, bản thân hiệu trưởng phải trực tiếp quản lý để không xảy ra tình trạng cắt xén, đảm bảo bữa ăn của trẻ đầy đủ khẩu phần, dinh dưỡng. Về phía các phòng GD-ĐT quận/huyện cần thường xuyên thanh tra chéo, thanh tra đột xuất các trường nhằm tránh đối phó. Đối với trường ngoài công lập đã xảy ra tình trạng một người lãnh đạo hai trường mà ngành giáo dục không biết, vì thế các phòng GD-ĐT quận/huyện phải quản lý chặt tình trạng này. Đơn vị nào vi phạm phải xử lý nghiêm, mang tính răn đe.

Ngoài ra, bà Việt Liên còn yêu cầu phòng GD-ĐT các quận/huyện tăng cường kiểm tra đột xuất các trường, xử lý nghiêm nếu có những bất cập trong công tác chăm sóc trẻ còn tồn đọng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Bùi Thị Diễm Thu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT – nhấn mạnh: “Cắt xén tiền ăn của trẻ là việc làm không có đạo đức. Vì thế, đích thân hiệu trưởng các trường phải quản lý tiền ăn của trẻ, không giao khoán cho chủ thầu nấu ăn thu giữ. Ngoài ra, cần quan tâm đến công tác y tế dự phòng, an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Về phía các phòng GD-ĐT quận/huyện, cần tham mưu với UBND quận/huyện, tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập xây dựng trường, nhóm trẻ nếu có quỹ đất với một lộ trình cụ thể. Không nên để tình trạng thiếu lớp, thiếu trường cũng như trường lớp nhếch nhác…”.

Minh Phương

Bình luận (0)