Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Không dễ bán hàng trên Amazon

Tạp Chí Giáo Dục

Doanh nghiệp trong nước đang có cơ hội tiếp cận thị trường thương mại điện tử toàn cầu khi Alibaba và Amazon chính thức đặt chân vào Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội “lên sàn” chỉ dành cho một phần nhỏ doanh nghiệp thực sự sẵn sàng và có sự chuẩn bị chu đáo.

Chỉ 20% mở tài khoản thành công

Amazon và Alibaba cùng đang đẩy mạnh hoạt động thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên hai chợ thương mại điện tử lớn nhất thế giới là amazon.com và alibaba.com. Đây là cơ hội tiếp cận với hàng trăm triệu khách hàng trên khắp thế giới của doanh nghiệp Việt, chỉ tính riêng số lượng tài khoản người mua hàng trên Amazon đã lên tới 300 triệu, còn Alibaba vào khoảng 260 triệu. Tuy nhiên, không phải cứ muốn là doanh nghiệp có thể “lên sàn” ngay.

Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương (thuộc Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương), cho biết chỉ khoảng 20% doanh nghiệp đạt tỷ lệ thành công khi mở tài khoản trên Amazon theo hình thức tự đăng ký. Doanh nghiệp cũng gặp nhiều vấn đề trong việc vận chuyển, đăng ký giấy phép, quảng bá thương hiệu…

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử. Còn theo ông Phạm Đạt, Tổng giám đốc Fado, đối tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên alibaba.com, việc thiếu nhân sự có khả năng giao tiếp tiếng Anh là một trong những trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp trong hoạt động bán hàng xuyên biên giới.

Cả Alibaba và Amazon hiện đang thực hiện các chương trình tìm kiếm, hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập gian hàng trên mạng lưới bán lẻ của họ. Chẳng hạn, Amazon và Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí trên quy mô toàn quốc cho khoảng 200 doanh nghiệp mỗi đợt.

Chương trình này góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thông qua nền tảng thương mại điện tử trên Amazon; đặc biệt với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, gốm sứ, vật dụng trang trí gia đình, hàng may mặc, thực phẩm khô…

Alibaba thì có gói hỗ trợ tối đa hóa tương tác, cung cấp các công cụ trực tuyến, đào tạo độc quyền, thực hiện trang web giới thiệu sản phẩm (mini site) và hỗ trợ chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp. Sản phẩm của doanh nghiệp cũng được hỗ trợ để nằm ở nhóm đầu trong trang tìm kiếm trên alibaba.com.

Làm gì để bán được hàng?

Theo đại diện Amazon Global Selling, về cơ bản, doanh nghiệp cần thực hiện theo năm bước để có thể bán hàng trực tuyến trên Amazon, bao gồm tạo tài khoản người bán, lên danh sách các sản phẩm cần bán, hoàn thiện đơn hàng (vận chuyển, đóng gói sản phẩm…), quảng cáo và nhận thanh toán. Người bán hàng sẽ phải mở tài khoản trên Amazon theo hai hình thức: bán hàng theo tư cách cá nhân, hoặc bán hàng chuyên nghiệp.

“Nếu người bán có mong muốn bán với số lượng 40 sản phẩm/tháng thì nên đăng ký tài khoản theo hình thức bán hàng chuyên nghiệp. Hình thức này có lợi hơn so với tài khoản cá nhân”, đội ngũ hỗ trợ của Amazon Global Selling lưu ý.

Theo đó, tài khoản cá nhân trên Amazon sẽ phải trả mức phí bán hàng là 99 cent/mặt hàng (thu phí khi bán được hàng); còn tài khoản bán hàng chuyên nghiệp phải đóng 39,99 đô la Mỹ/tháng. Điều kiện hỗ trợ từ Amazon đối với tài khoản bán hàng chuyên nghiệp cũng tốt hơn so với tài khoản cá nhân, danh mục sản phẩm mở rộng hơn, đồng thời được doanh nghiệp cũng có thể chạy quảng cáo sản phẩm.

Về nguyên tắc, người bán hàng có thể tự hoàn thiện đơn hàng hoặc sử dụng hệ thống hoàn thiện đơn hàng của Amazon. Tuy nhiên, theo khuyến nghị từ bộ phận hỗ trợ của Amazon Global Selling, người bán nên dùng hệ thống hoàn thiện đơn hàng FBA (Fulfillment by Amazon) để có thể tận dụng nguồn lực (kho hàng, hệ thống vận chuyển…) từ Amazon ở nhiều thị trường khác nhau.

Ở khâu lên danh sách sản phẩm, người bán cần lưu tâm tới các mặt hàng bán chạy nhất trên các sàn thương mại điện tử toàn cầu như amazon.com hoặc alibaba.com. Ví dụ, trên Amazon có danh sách sản phẩm bán chạy nhất theo doanh thu được hệ thống cập nhật hàng giờ, các sản phẩm mới bán chạy nhất, tốp đầu những sản phẩm được khách hàng yêu thích… Đây sẽ là thông tin hữu ích đối với những người bán hàng mới tham gia chợ bán lẻ trực tuyến này.

Một số chuyên gia hỗ trợ bán hàng xuyên biên giới cũng lưu ý người bán cần quan tâm tới chất lượng hình ảnh như chụp theo kiểu chuyên nghiệp với độ phân giải cao, nền hình ảnh trắng trong để nổi bật sản phẩm, sản phẩm có đáp ứng tiêu chuẩn áp dụng tại thị trường Mỹ (hoặc quốc gia khác), chuẩn bị mã vạch sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đăng ký thương hiệu trên Amazon để sử dụng mã vạch của Amazon…

Người bán cũng phải am hiểu về danh mục sản phẩm như sản phẩm thuộc danh mục cần phê duyệt (phải đủ các giấy tờ để phê duyệt) hoặc danh mục sản phẩm mở (danh mục không cần phê duyệt), đáp ứng quy định an toàn sản phẩm tại địa phương bán hàng.

“Nếu doanh nghiệp bán mặt hàng thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm liên quan tới sức khỏe tại thị trường Mỹ thì phải đáp ứng yêu cầu của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA)”, đại diện Amazon nêu ví dụ tại buổi đào tạo trực tuyến cho người bán.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu ý về việc dùng tiếng Anh miêu tả sản phẩm để người bản xứ có thể đọc được. “Trên Amazon, sản phẩm đăng bán phải mô tả chi tiết bằng tiếng Anh và có đăng kèm thông tin số điện thoại hỗ trợ người mua hàng (giống như tổng đài chăm sóc khách hàng tại Việt Nam)”, đại diện Amazon nói thêm.

Theo kinh nghiệm của những người từng bán hàng trên Amazon thì việc hoàn trả sản phẩm khi khách hàng không hài lòng cũng là một vấn đề cần quan tâm khi doanh nghiệp muốn bán hàng xuyên biên giới. Để tránh việc tài khoản bị đánh giá không tốt (có thể dẫn tới việc khóa tài khoản), doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt khâu chăm sóc khách hàng, có đối tác sẵn sàng trả lời điện thoại cho khách khi họ thắc mắc về sản phẩm hoặc muốn hoàn trả sản phẩm.

“Thông thường, doanh nghiệp trong nước sẽ phải nhờ một số đầu mối ở nước ngoài làm giúp việc chăm sóc khách hàng, nhận sản phẩm hoàn trả (nếu có). Điều này sẽ giúp cho việc bán hàng ở thị trường nước ngoài thuận lợi hơn do người bản xứ sẽ giao tiếp tốt hơn với khách hàng”, vị này nói.

Doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho hoạt động quảng bá nếu muốn bán được hàng. Bản thân Amazon đang cung cấp chương trình quảng bá sản phẩm và thương hiệu là Amazon Advertising Products.

Đối với khâu thanh toán, một số nhà cung cấp giải pháp thanh toán, giao nhận hàng hóa, hỗ trợ đăng ký giấy phép sản phẩm đã được trang web hỗ trợ bán hàng của Amazon Global Selling (https://services.amazon.vn) đăng tải, có thể kể tới một số thương hiệu như Payoneer Việt Nam, FedEx Express, DHL Express Việt Nam, Viettel Post… 

Chí Thịnh/TBKTSG

Bình luận (0)