Ngành y tế khuyến cáo, phụ huynh không nên để trẻ bệnh đến trường. Trong ảnh, giáo viên kiểm tra sức khỏe của trẻ trong giờ đón học sinh tại một trường mầm non ở TP.HCM |
Cuối tuần qua, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống dịch bệnh năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016.
Theo báo cáo, trong năm 2015, nhìn chung tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại TP diễn tiến khá ổn định. Các bệnh lây qua đường hô hấp như: Cúm, sởi, rubella, quai bị, thủy đậu giảm. Các bệnh lây truyền qua động vật như Hanta virus, nhiễm xoắn khuẩn Lepto giảm. Chưa phát hiện ca cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 và MERS-CoV tại TP.
Đối với bệnh tay chân miệng, cả năm ghi nhận 5.304 ca, giảm 32,45% so với cùng kỳ năm 2014 (7.853 ca) và giảm 45,65% so với trung bình giai đoạn 2011-2013. Đáng mừng là trong năm qua không ghi nhận trường hợp tử vong nào. Tuy nhiên, qua giám sát bệnh truyền nhiễm tại trường học, phát hiện 19 ổ dịch tay chân miệng tại 17 trường học thuộc 8 quận, huyện với 158 ca bệnh.
Trong khi tất cả các bệnh truyền nhiễm đều giảm thì bệnh sốt xuất huyết lại tăng. Toàn TP ghi nhận 11.749 ca, tăng 75% so với năm 2014 (6.715 ca). Số ca tử vong năm 2015 cũng tăng 2 ca so với năm 2014 (5 ca). Các quận, huyện có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết/100.000 dân cao là Q.1, 2, 5, 7, 10, Nhà Bè.
Tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP – cho biết: Mục tiêu trong công tác phòng chống dịch chủ động năm 2016 là khống chế số ca mắc bệnh truyền nhiễm, khống chế tỷ lệ chết/mắc; không để dịch lớn xảy ra, đặc biệt không để dịch bệnh tay chân miệng lây lan trong trường mầm non. Theo đó, giải pháp trọng tâm cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết là giám sát các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ bùng phát dịch, xử lý các ổ dịch căn cứ theo mối liên hệ dịch tễ giữa các ca bệnh, không xử lý lẻ tẻ từng ca; đặc biệt, tiến hành xử phạt hành chính theo Nghị định 176 của Chính phủ đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện phòng chống sốt xuất huyết, tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan tại địa phương. Riêng với bệnh tay chân miệng, thực hiện truyền thông vận động phụ huynh không để trẻ bệnh đến trường; duy trì thói quen vệ sinh cá nhân của học sinh, giáo viên; thực hiện vệ sinh trường, lớp định kỳ…
Bài, ảnh: H.Triều
Bình luận (0)