Thường trực HĐND TP.HCM đã tổ chức giám sát việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP đối với Sở Xây dựng. Tại buổi giám sát, ông Phạm Thành Kiên – Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM – đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm, không để các công trình xây dựng vi phạm tồn đọng kéo dài nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật…
Còn vướng mắc trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng
Báo cáo tại buổi giám sát, ông Trương Công Nam – Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM – cho biết, thời gian qua UBND TP, các sở ban ngành và UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc Chỉ thị số 23 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy (về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP) và Kế hoạch 3333 năm 2019 của UBND TP.HCM (triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP). Qua đó, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23, trên địa bàn TP.HCM có 3.085 công trình vi phạm, so với trước thời điểm ban hành chỉ thị giảm khoảng 80,2% về vi phạm trật tự xây dựng, bình quân giảm 6,9 vụ/ngày.
Từ năm 2021 đến tháng 6-2024, Sở Xây dựng TP đã ban hành 45 văn bản, tham mưu UBND TP.HCM ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật và chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với các công chức có vi phạm, thiếu sót trong việc quản lý trật tự xây dựng, xử lý vi phạm hành chính.
Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho rằng, việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các đối tượng vi phạm không hợp tác, không cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng mà đối tượng vi phạm mở tài khoản; đối tượng vi phạm không có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng là tài khoản rỗng. Ngoài ra, có những đối tượng vi phạm cố tình khóa cửa không để các đơn vị chức năng vào kiểm tra thực tế hiện trạng trước khi xây dựng kế hoạch thực hiện cưỡng chế; một số trường hợp không có mặt tại nơi cư trú, chết, mất tích hoặc tổ chức giải thể, phá sản…
“Quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là quy định có hiệu quả để ngăn chặn các công trình vi phạm xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay không có cơ sở pháp lý để thực hiện”, ông Nam nói.
Ông Lê Trần Kiên – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP – cho biết thêm, kể từ khi thực hiện Chỉ thị 23, việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP đã đạt được một số hiệu quả nhất định, kiểm soát được tình hình.
“Tuyệt đối không có một công trình nào không được kiểm tra và các công trình vi phạm về xây dựng đều được xử lý theo đúng quy định pháp luật. Sau khi có Chỉ thị 23, việc phối hợp quản lý giữa các cơ quan tốt hơn. Quan điểm của Sở Xây dựng là sắp tới phải giữ được tỉ lệ này và kéo giảm xuống, không để phát sinh thêm bất kỳ điểm nóng nào về vi phạm xây dựng trên địa bàn TP”, ông Kiên nhấn mạnh.
Tăng cường kiểm tra phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm để kịp thời xử lý
Sau khi nghe báo cáo của Sở Xây dựng, các thành viên đoàn giám sát cho rằng, Sở Xây dựng cần tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý các thông tin phản ánh; quan tâm đánh giá vấn đề tại các khu dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp có chức năng đất ở; cần có giải pháp căn cơ hơn trong công tác xử lý các vi phạm; ứng dụng công nghệ, thiết bị quan sát theo dõi các khu vực khó tiếp cận, tường rào cao, khóa cửa, cổng để có dữ liệu…
Ông Phạm Thành Kiên – Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM – nhấn mạnh, việc quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn không thể nào không có vi phạm. Tuy nhiên, phải tìm cách giảm vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xuống mức thấp nhất và phải xử lý nghiêm, triệt để nhằm răn đe.
Nếu cơ quan chức năng buông lỏng trật tự xây dựng sẽ phát sinh vi phạm trở lại. Do đó, ông Kiên đề nghị Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tập trung, tăng cường kiểm tra, theo dõi sát sao, không để phát sinh các điểm nóng về xây dựng. Bên cạnh đó, các đơn vị cần mở rộng các kênh giám sát, tiếp nhận phản ánh từ người dân để kịp thời xử lý những công trình vi phạm.
Ông Kiên cũng đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức trong việc tổ chức thi hành cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng; không để các công trình xây dựng vi phạm tồn đọng kéo dài nhằm đảm bảo nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
“Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn để người dân, tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật về đất đai, xây dựng. Sở Xây dựng cần tăng cường công tác tuần tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm để kịp thời xử lý”, ông Kiên yêu cầu.
Bên cạnh đó, ông Kiên cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhằm nâng cao vai trò giám sát, phản ánh các trường hợp vi phạm; các biểu hiện bao che của cán bộ, công chức trong thực hiện công tác quản lý. Sở Xây dựng cùng các sở ban ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu đề xuất UBND TP.HCM về những vướng mắc, hạn chế để có phương án tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Nhật Huy
Bình luận (0)