Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi hoặc có hai đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi để kịp thời xử lý
|
Ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên viên tuyển sinh của Bộ GD-ĐT) lưu ý thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm, tuyệt đối không để lại “dấu hiệu riêng” trên phiếu trả lời. Bài thi có “dấu hiệu riêng” là phạm quy và không được chấm điểm.
Theo ông Cường, nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi hoặc có hai đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi để kịp thời xử lý. Để đạt kết quả tốt và tránh những sai sót không đáng có khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu hỏi, phải đọc trọn vẹn từng câu và các lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng. Làm đến câu trắc nghiệm nào, thí sinh dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu ứng với câu đó. Để kịp thời gian, tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu trả lời.
Trên phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được dùng một thứ mực, tuyệt đối không sử dụng mực đỏ. Thí sinh chỉ tô chì đen ở ô trả lời, không được tô bất cứ ô nào trên phiếu trả lời trắc nghiệm bằng bút mực, bút bi. Khi chọn câu trả lời, thí sinh phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô, không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh tẩy thật sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác được lựa chọn.
Ông Cường lưu ý thêm, thí sinh không được tô hai ô trở lên cho một câu trắc nghiệm vì trong trường hợp này, máy sẽ không chấm và thí sinh bị mất điểm. Chú ý kỹ thứ tự câu hỏi và đáp án, tránh trường hợp trả lời câu hỏi này nhưng lại tô vào đáp án câu khác.
Ngoài những mục cần ghi trên phiếu trả lời bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh không được viết gì thêm và tuyệt đối không để lại “dấu hiệu riêng” trên phiếu trả lời. Bài thi có “dấu hiệu riêng” là phạm quy và không được chấm điểm.
Ông Cường cho biết, để thuận tiện theo dõi và tính thời gian làm bài, thí sinh cần chủ động mang theo đồng hồ vào phòng thi. Thí sinh không được sử dụng điện thoại thay thế đồng hồ để xem thời gian. Vì theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, dù sử dụng hay không đều bị phạm quy. Thực tế trong các năm qua, lỗi mà thí sinh mắc phải nhiều nhất khiến phải rời “cuộc đua” sớm chính là mang điện thoại vào phòng làm bài, mặc dù trước mỗi giờ thi, các giám thị liên tục nhắc nhở thí sinh về vấn đề này.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Làm quen với nhiều dạng đề!
Trần Đình Hiển – sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM (năm 2013, Hiển thi đỗ vào ngành bác sĩ đa khoa với 28,5 điểm và Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với 26 điểm) cho biết:“Khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh nên đọc đề từ trên xuống dưới và chọn những câu dễ để xử lý trước. Thí sinh không nên dừng quá lâu trước một câu khó mà cần phân bố thời gian cho những câu khác. Sau khi hoàn thành số câu tương đối dễ trước, còn thời gian, thí sinh quay lại làm tiếp các câu khó. Đặc biệt, trong quá trình thi không nên quá chú ý việc các bạn xung quanh làm nhanh hay chậm, rất dễ khiến bản thân mất bình tĩnh, phân tâm.
Việc thi sẽ thuận lợi nếu thí sinh có quá trình ôn tập tốt. Không chỉ nắm vững các kiến thức sách giáo khoa, thí sinh còn cần nắm chắc các dạng bài tập và tham khảo đề thi các năm trước. Việc làm nhiều dạng đề thi sẽ giúp thí sinh biết mình còn thiếu kiến thức gì để kịp thời bổ sung. Quá trình ôn luyện sẽ hiệu quả hơn nếu thí sinh biết đặt mục tiêu rõ ràng. Chẳng hạn, trong một tuần, một tháng phải học hết bao nhiêu chủ đề, chương… Đồng thời, khi học chương sau, thí sinh cũng cần ôn lại chương trước bởi kiến thức được lặp lại nhiều lần sẽ khắc sâu hơn”.
|
Bình luận (0)