Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%). Để ngăn chặn tình trạng lương tăng 1, giá thực phẩm thiết yếu tăng 10, TP.HCM đang triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá…
Nhiều người tiêu dùng chọn siêu thị thay vì chợ truyền thống do có nhiều chương trình khuyến mãi
Giá thực phẩm có dấu hiệu tăng nhẹ
Chị Hà Thanh Giang (phường Long Trường, TP.Thủ Đức) than thở, vừa có thông tin tăng lương là giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm có sự thay đổi rõ rệt. Trước đây mỗi ngày gia đình chị chi khoảng 200 ngàn đồng mua thức ăn đủ cho 3 người nhưng nay phải tăng lên 250 ngàn đồng do mỗi loại tăng giá một chút.
“Lúc trước mỗi ký ba rọi loại thường 110 ngàn đồng, bắp bò 250 ngàn đồng, tôm thẻ loại vừa 130 ngàn đồng thì nay mỗi ký tăng từ 7-10 ngàn đồng; rau củ quả cũng tăng giá. Tiền lương tăng không được bao nhiêu mà giá hàng hóa cứ “té nước theo mưa” thì người tiêu dùng lại càng khó khăn. Nghịch lý là giá cả tăng sẽ không bao giờ giảm”, chị Giang nói.
Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống cho thấy, giá các mặt hàng thực phẩm có dấu hiệu tăng nhẹ. Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), các mặt hàng rau củ có giá từ 10 ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/kg. Cụ thể, dưa leo – 12 ngàn đồng; cà rốt 14 ngàn đồng; hành tây 15 ngàn đồng; bắp cải thảo 15 ngàn đồng; cà chua 14 ngàn đồng; củ cải 10 ngàn đồng; khổ qua 15 ngàn đồng; nấm rơm 60 ngàn đồng… Nhiều tiểu thương cho biết, giá rau củ tăng từ 1 đến 5 ngàn đồng/kg/tùy loại.
Đối với mặt hàng tươi sống như gà thả vườn – 120 ngàn đồng; vịt 90 ngàn đồng; cốt lết heo 100 ngàn đồng; ba rọi 110 ngàn đồng; tôm thẻ lớn 160 ngàn đồng; mực ống nhỏ 220 ngàn đồng/kg… Giá tăng từ 2-5 ngàn đồng/kg so với trước.
Tại chợ Vườn Chuối (Q.3) giá các mặt hàng cao hơn so với chợ Bà Chiểu. Cụ thể, dưa leo, cà chua – 15 ngàn đồng; khổ qua, bắp cải tròn – 20 ngàn đồng; bắp cải tím 25 ngàn đồng/kg…
Một số tiểu thương ở chợ Vườn Chuối cho biết, giá tăng là do đầu vào tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng buộc tiểu thương phải tăng giá bán.
So với chợ truyền thống, giá tại các siêu thị cao hơn. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng “canh ngày mua” thì có rất nhiều thực phẩm giá ưu đãi hơn so với chợ.
Tại Co.opmart và Co.opXtra, các loại thịt heo (đùi, vai, ba rọi), bò (dẽ sườn bò Mỹ, ba chỉ bò Mỹ), gà (phi lê gà, gà ác tươi); thủy hải sản (cá cam đông lạnh, cá hường, tôm thẻ lớn, cua xay…) luân phiên giảm giá từ 15-20%. Giá rau củ quả cũng giảm từ 21-42% như thanh long trắng, thanh long đỏ miền Tây và Phan Thiết chỉ còn 10,9 ngàn đồng/kg, cà tím giảm 37% còn 14,5 ngàn đồng/kg, hành tây Đà Lạt giảm 33% còn 18,5 ngàn đồng/kg…
Quản lý thị trường TP.HCM: Thu nộp ngân sách hơn 37 tỷ đồng Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị đã triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác QLTT, tập trung vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, tập trung kiểm tra tại các khu vực địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 1.805 vụ (tăng 838 vụ, tăng 86,65% so với cùng kỳ năm trước). Qua đó có 1.594 vụ bị xử lý, trong đó có 24 quyết định xử phạt vi phạm hành chính/quyết định tịch thu theo thẩm quyền của UBND TP, UBND quận – huyện; 1.570 quyết định xử phạt vi phạm hành chính/quyết định tịch thu theo thẩm quyền của QLTT.
Tổng số vụ đã thu phạt và nộp ngân sách là 1.637 vụ, thu nộp vào ngân sách: 37.001.643.000 đồng (tăng 150,46% so với cùng kỳ năm trước) gồm 29.895.845.000 đồng tiền phạt hành chính, 6.170.583.000 đồng tiền bán hàng tịch thu và 935.214.000 đồng tiền phạt truy thu số lợi bất hợp pháp; đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá 30.621.015.000 đồng (tăng 93% so với cùng kỳ năm trước); trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 102 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 8 vụ (trong đó có 4 vụ hàng giả, 3 vụ hàng lậu và 1 vụ hàng cấm); đang xem xét 8 vụ, ước tính trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 5,2 tỷ đồng. T.Ban |
Tại Big C (Q.10), giá rau củ quả giảm từ 5-50 ngàn đồng/kg, như dưa lưới tròn, dưa lê giảm 5 ngàn đồng còn 29,9 ngàn đồng/kg; xoài cát chu giảm 8 ngàn đồng còn 34,9 ngàn đồng/kg; cherry Mỹ giảm 50 ngàn còn 289 ngàn đồng/kg… Giá các mặt hàng tươi sống cũng giảm vài chục ngàn đồng/kg. Cụ thể, đùi bò giảm 27 ngàn còn 313,5 ngàn đồng/kg; thăn bò giảm 60 ngàn còn 319 ngàn đồng/kg; phi lê gà giảm 21 ngàn còn 87 ngàn đồng/kg; ba rọi sườn heo giảm 28 ngàn còn 217 ngàn đồng/kg; cốt lết heo giảm 40 ngàn còn 94 ngàn đồng/kg; tôm thẻ giảm 75 ngàn còn 199 ngàn đồng/kg; cá ba sa làm sạch giảm 10 ngàn còn 59 ngàn đồng/kg;…
Chấn chỉnh tình trạng tăng giá theo lương
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết, hiện nay có thông tin giá một số mặt hàng ở chợ tăng theo lương. Tuy nhiên, xét theo nguyên tắc kinh tế, tăng lương không làm tăng cung tiền nên không có lý do gì tăng giá.
“Trên thực tế, một số tiểu thương vẫn tăng giá hàng hóa do phụ thuộc lượng hàng chuẩn bị trong ngày và phụ thuộc vào khách hàng mua ở từng thời điểm. Nếu hàng ế thì bán giảm giá; ngược lại hàng hóa bán gần hết, gặp khách hàng không quen thì với tâm lý không nhất thiết phải có “chiến lược kinh doanh ổn định với khách thân thiết” nên người bán có thể nâng giá. Tâm lý kinh doanh này thường có ở chợ. Tùy thuộc vào nhận thức kinh doanh của mỗi người mà quyết định mức giá trong thời điểm nhất định”, ông Phương lý giải.
Cũng theo ông Phương, Sở Công thương sẽ trao đổi lại với các phòng kinh tế nhằm tăng cường thêm thông tin đến các chợ. Nếu có tình trạng tăng giá sẽ có biện pháp xử lý… Hiện TP đang triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá, khuyến mãi sâu nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động bán lẻ và góp phần hạn chế tăng giá theo lương.
Bên cạnh đó, chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 được tổ chức trong ba tháng, kéo dài đến hết ngày 15-9-2023. Chương trình có sự tham gia của khoảng 3 ngàn doanh nghiệp với hơn 7 ngàn hoạt động khuyến mãi. Các nhà bán lẻ triển khai hàng loạt chương trình giảm giá dành cho nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là sản phẩm lương thực, thực phẩm nhằm hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng.
Ngoài ra, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 12-2023, thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm từ 10% xuống còn 8% cũng góp phần giảm giá hàng hóa.
Minh Phương
Bình luận (0)